TS. Võ Trí Thành: Tăng vốn tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy cổ phần hoá Agribank

Hải Đường - 03/06/2020 16:06 (GMT+7)

(VNF) - TS. Võ Trí Thành so sánh việc tăng vốn cho Agribank bằng phương án bổ sung ngân sách với câu chuyện “con gà và quả trứng”.

VNF
TS. Võ Trí Thành

Kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ dự kiến sẽ trình thông qua việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Dự kiến, sáng 8/6, Thống đốc Lê Minh Hưng thừa ủy quyền của Thủ tướng sẽ trình bày tờ trình về vấn đề này trước toàn thể Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sẽ tiếp nối với phần trình bày báo cáo thẩm tra.

Theo nội dung báo cáo thẩm tra, thẩm quyền quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, về nguyên tắc, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank sẽ bao gồm nội dung về nguồn tăng vốn, việc quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước sẽ không phù hợp với việc "không sử dụng ngân sách Nhà nước để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại" quy định tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc Quốc hội xem xét, chấp thuận bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách Nhà nước sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Thủ tướng Chính phủ quyết định về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

"Cái gật đầu" từ Thường trực Ủy ban Kinh tế cho thấy con đường tăng vốn cho Agribank đã rộng mở.

Theo TS. Võ Trí Thành, vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nói chung hay ngân hàng quốc doanh như Agribank không những quan trọng mà còn rất cấp thiết.

Tiến sĩ cho hay, quyết định tăng vốn cho các ngân hàng thương mại là quan trọng trong nền kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp của kinh tế - chính trị trong và ngoài nước vì việc đó sẽ giúp nâng sức chống chịu của hệ thống ngân hàng, nằm trong mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

“Việc tăng vốn cho các NHTM cũng nằm trong lộ trình lành mạnh hoá hệ thống ngân hàng theo tiêu chuẩn, thông lệ tốt của quốc tế, trước hết là chuẩn Basel II. Ngoài ra, nó không chỉ để đảm bảo năng lực, khả năng hoạt động của hệ thống ngân hàng, giảm thiểu rủi ro, tăng cường hiệu quả hoạt động mà nó còn là uy tín, định mức tín nhiệm của ngân hàng, rộng hơn là hệ thống tài chính. Việc tăng vốn được hay không ảnh hưởng lớn tới khả năng huy động vốn trước tiên cho hệ thống ngân hàng, sau đó là nền kinh tế. Nếu định mức tín nhiệm kém thì đi vay sẽ khó hơn và phải trả chi phí cao hơn”, ông Thành nói.

Về tính cấp thiết, ông Thành nhận định rằng để hỗ trợ được cho doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp thì bản thân ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn. Muốn hỗ trợ được nền kinh tế thì ngân hàng phải có thêm năng lực để đối diện với nguy cơ nợ xấu, rủi ro tăng lên, không có vốn tốt, thậm chí là vấn đề nhân lực, quản trị rủi ro. Thiếu vốn chính là một nguyên nhân khiến những nguy cơ trên trở nên xấu thêm.

Tiến sĩ cho rằng một vấn đề quan trọng khác là thanh khoản khi vòng quay đồng tiền không còn được như trước. Đồng tiền dồn lại một chỗ và không quay vòng khiến mọi người trong xã hội đều thấy thiếu tiền.

Ở trường hợp cụ thể là Agribank, 1 trong 2 ngân hàng trong nhóm "Big 4" chưa hoàn thành việc tăng vốn để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 41, ông Thành cho rằng không nên trì hoãn thêm việc tăng vốn cho Agribank vì nếu để đến năm sau sẽ càng gặp thêm nhiều khó khăn.

Agribank có 100% là vốn Nhà nước, nên nếu không có nguồn lợi nhuận để lại thì việc gọi vốn ngoài là rất khó.

“Chúng ta tiếp tục bàn tới việc có dùng ngân sách để bổ sung vốn hay không, hay dùng tiền thuế để hỗ trợ, tái cấu trúc. Trước sức ép tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước hiện nay thì về nguyên tắc, Chính phủ đã đồng thuận dùng ngân sách để hỗ trợ tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước nêu trên”, TS. Võ Trí Thành nhận định.

Trước đó, Agribank đã đề xuất tăng vốn thêm hơn 12.000 tỷ đồng. Nhưng con số tối đa được đưa ra là 3.500 tỷ đồng ngân sách để bổ sung vốn cho ngân hàng này.

Theo ông Thành, 3.500 tỷ đồng có thể là con số hợp lý nhất sau khi được cân nhắc từ nhiều phía. Ông so sánh việc tăng vốn cho Agribank như câu chuyện “con gà quả trứng”, không thể biết được cái gì có trước, nhưng để tăng được sức hấp dẫn nhà đầu tư thì vẫn cần bổ sung vốn. Agribank đang đối mặt với nhiều vấn đề như kết quả kinh doanh hiệu quả, vấn đề thông tin, tính rủi ro hay chuẩn Basel II vẫn đang ở phía trước nên sức hấp dẫn không được như những ngân hàng thương mại Nhà nước khác.

“Tăng vốn cũng là một điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quá trình cổ phần hoá của Agribank”, TS Võ Trí Thành nói.

Ngoài phương án bổ sung vốn cho Agribank bằng việc sử dụng ngân sách thì TS Thành cho biết phát hành trái phiếu cũng là một cách. Nhưng đối với Agribank, ngay cả khi thị trường tài chính chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì việc phát hành trái phiếu đối với ngân hàng này cũng không hề đơn giản. Tiến sĩ cho rằng Agribank nên cân nhắc về lộ trình lên sàn không nên quá gấp gáp.

Cùng chuyên mục
Tin khác