"Gần đây, theo dõi những cuộc tranh luận xung quanh việc sử dụng các loại hình vận chuyển theo công nghệ mới, như kiểu Uber và Grab, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về cách nhìn của những người trong cuộc về loại hình này.
Có thể nói, loại hình dịch vụ vận tải này là một ứng dụng đặc trưng của thời đại công nghệ 4.0, đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng và xã hội, nhưng đã bị nhìn nhận lệch lạc hoặc cố tình làm cho lệch lạc. Không biết đó là do sự thao túng của các công ty taxi truyền thống đang bị cạnh tranh khốc liệt, hay đơn giản là vì sự thiếu hiểu biết của các nhà quản lý về hiện tượng này nói riêng, và khuynh hướng thay đổi nói chung?
Tiếp nhận Công nghệ 4.0 bằng thái độ 2.0?
Trước hết, xe "hợp đồng điện tử" (HĐĐT) – nếu ta gọi như vậy để phân biệt với taxi truyền thống – là một sản phẩm đặc biệt thông minh và hiệu quả chỉ có trong thời đại 4.0, bao gồm sự phổ cập của mạng internet, các thiết bị truy cập mạng cầm tay, bản đồ số và định vị vệ tinh, cùng các hạ tầng ứng dụng như thanh toán qua thẻ, mạng xã hội…
Đó là sản phẩm không gì đặc trưng hơn của kỷ nguyên "kết nối vạn vật" (internet of things). Khuynh hướng này đã và đang thấm đẫm trong mọi mặt của đời sống xã hội, từ thuê nhà, tập gym, mua sắm, đặt đồ ăn, cùng vô số các ứng dụng khác. Đặc biệt, thông qua hệ thống chấm điểm từ cả người mua và người bán, hệ thống này điều chỉnh hành vi người tham gia thị trường một cách hữu hiệu hơn bao giờ hết, giúp thông tin minh bạch hơn và làm mọi người tử tế với nhau hơn.
Nói riêng về xe HĐĐT, đó là hệ thống cho phép định vị những xe đang đợi khách ở nơi gần nhất, và cả khách lẫn tài xế đều có thể lựa chọn nhau. Điều này giúp giảm chi phí giao dịch, thời gian lưu thông trên đường của phương tiện, tăng hiệu quả cho cả lái xe và hành khách, đồng thời giúp cải thiện môi trường.
Dựa trên nền tảng thanh toán điện tử, hệ thống cũng giúp việc thanh toán chính xác và không cần tiền mặt, giúp giảm những bất tiện ở taxi truyền thống như phía khách hàng không phải lo tài xế thiếu tiền lẻ trả lại, hay những sự phiền hà khác do việc dùng tiền mặt gây nên.
Với một nước đang muốn phát triển thói quen giao dịch phi tiền mặt như Việt Nam, hẳn là xe HĐĐT đã giúp thúc đẩy nhiều người quen với việc dùng thẻ tín dụng hơn. Đó là một hiệu ứng phụ mà dường như chúng ta chưa thử nghiên cứu mức độ tác động tích cực ra sao cho ngành tài chính.
Nhưng trên hết, xe HĐĐT chính là một giải pháp về giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường cho các đô thị lớn. Nhờ có sự tiện dụng và chi phí hạ của xe HĐĐT, nhiều người trong thành phố - như nhiều bạn của tôi - đã không còn muốn sở hữu xe riêng, hoặc nếu có thì cũng rất ít khi sử dụng trong nội thành.
Đây chính xác là một lợi thế to lớn mà những ngươi quản lý đô thị cần nhận ra và hướng tới. Hãy tưởng tượng để di chuyển trong ngày, mỗi người đều dùng một xe riêng. Ta cần 100 chiếc xe lưu thông hoặc đỗ trên đường. Nhưng nếu 100 người đó đều cho rằng đi xe thuê là thuận tiện hơn, họ sẽ không dùng xe riêng. Và có thể chỉ cần khoảng 20-30 chiếc xe hoạt động trong ngày để phục vụ 100 người, thay vì có 100 chiếc xe riêng phải đi ra khỏi nhà, lưu thông hoặc đỗ trên đường.
Lưu ý thêm rằng, không nhất thiết 20-30 chiếc xe thuê kia đều là xe HĐĐT, mà có thể gồm cả taxi truyền thống. Vì chính xe HĐĐT đã tạo một môi trường cạnh tranh để taxi truyền thống cũng phải hạ giá thành và tăng chất lượng dịch vụ.
Dù có nhiều lợi ích to lớn như thế, nhưng tiếc thay nhiều nhà quản lý lại không nhận thấy xe HĐĐT chính là giải pháp của tương lai. Họ lại nhìn vấn đề theo chiều ngược lại. Một tư duy đúng đắn trong kỷ nguyên 4.0, là chính sách quản lý phải hỗ trợ đưa cả thị trường đi theo hướng mô hình vận tải công nghệ, để các hãng taxi truyền thống từng bước chuyển đổi thành xe HĐĐT theo những cách khác nhau, chứ không phải kéo taxi công nghê trở lại thành taxi truyền thống.
Nếu đã thừa nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta không thể tiếp tục quan sát và quản lý xã hội với tư duy 3.0 hay thậm chí 2.0. Tư duy quản lý đúng đắn lúc này phải là để xe HĐĐT trở thành các doanh nghiệp dẫn dắt thị trường, từ đó buộc các doanh nghiệp taxi truyền thống phải nỗ lực thay đổi theo, thông qua việc cải tiến công nghệ, cải thiện thái độ dịch vụ, nâng cấp chất lượng phương tiện.
Chỉ có tư duy 2.0 mới đòi hỏi xe HĐĐT phải chịu trói để ngang bằng, "bình đẳng" với taxi truyền thống. Nếu đã từng tư duy như thế, làm sao mà xe hơi có thể thay thế được xe ngựa, thuyền máy có thể thay thế thuyền buồm?
Và chúng ta đang định quản lý như thế nào?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp CTO của Uber tại Washington DC., 31/5/2017
Trong chuyến thăm Mỹ mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông đã có cuộc gặp với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ cao Mỹ, trong đó có lãnh đạo cao cấp của Uber. Thủ tướng đã cam kết sẽ tạo điều kiện để Uber tự do phát triển tại Việt Nam theo cơ chế thị trường cũng như khuyến khích ứng dụng các công nghệ mới.
Tuy nhiên, gần như ngay sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra nhiều nhận định khác nhau về loại hình vận tải kiểu Uber và Grab. Chẳng hạn, chính sách ngăn cản dịch vụ đi xe chung của các hãng này (GrabShare và UberPool). Đây là một lợi thế ưu việt của xe HĐĐT mà taxi truyền thống không thể có được. Lợi ích cho hành khách (chia sẻ tiền cước) và môi trường (ít xe lưu thông hơn) là rõ ràng.
Sự can thiệp thiếu cơ sở nhưng thô bạo của Bộ GTVT là một minh chứng cho thấy cơ quan quản lý đã không hề nắm bắt được những khuynh hướng tiến bộ mà công nghệ có thể mang lại cho xã hội, hoặc đã bị thao túng bởi lợi ích nhóm của taxi truyền thống, cố tình kéo lui sự phát triển.
Một ví dụ khác là bản dự thảo nghị quyết của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội về "tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030".
Về tổng thể, đây là một dự thảo Nghị quyết có nhãn quan bao quát và chiến lược cho vấn đề giao thông đô thị tại Hà Nội, đặc biệt với tầm nhìn đúng đắn phải phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng, hạn chế xe máy và các phương tiện cá nhân.
Tuy nhiên, bên cạnh những viễn kiến ấy, điểm về xe HĐĐT một lần nữa chưa bộc lộ được tinh thần của thời đại 4.0. Một trong những biện pháp hành chính được đề xuất là cấp hạn ngạch cho xe HĐĐT. Tinh thần này thực tế đi ngược lại với những phân tích ở trên, và vẫn là não trạng muốn kéo lùi xe HĐĐT về thành taxi truyền thống.
Tư duy này của Hà Nội hẳn làm vừa lòng giới taxi truyền thống. Nhưng rõ ràng, nó làm mất đi cơ hội để Hà Nội thúc đẩy tái cấu trúc hệ thống dịch vụ vận tải của mình theo hướng hiện đại và hiệu quả hơn.
Dù mục tiêu của đề án là giảm tải lưu lượng giao thông và ô nhiễm môi trường, nhưng ban soạn thảo lại không nhìn ra khả năng cải thiện nằm chính ở công nghệ và thái độ của người tiêu dùng. Về mặt chính sách, đáng lẽ đây là điều cần chú trọng trước nhất. Vì nó giúp đem lại kết quả mà chính quyền không phải tự bỏ nguồn lực tài chính.
Một số đại biểu thường nhấn mạnh đến yếu tố nguồn thu ngân sách, rằng thuế thu được từ Uber hay Grab ít hơn so với taxi truyền thống. Đây là điều chúng ta cần phải thận trọng, vì khi so sánh, chúng ta cần so sánh quy mô tương đương về số xe vận hành.
Thêm vào đó, nếu số thuế thu được có nhỏ hơn, nhưng lợi ích cho người tiêu dùng lại lớn hơn rất nhiều, chưa kể phần tiết kiệm từ chi phí bảo vệ môi trường, thì từ góc độ người quản lý, cần cân nhắc tổng thể chứ không thể chỉ dựa vào một tiêu chí thu ngân sách mà thôi. Nếu điều này giúp cho xã hội tốt hơn, nguồn thu có thể được nuôi dưỡng nhờ những hệ quả tích cực đến từ các lĩnh vực hưởng lợi khác của nền kinh tế.
Tư tưởng điều tiết thị trường taxi theo tư duy 2.0 của Hà Nội là đáng lo ngại, ít nhất vì ba lý do: Thứ nhất, Nghị quyết này đặt trong tầm nhìn của Thành phố tới năm 2030. Đó là một quãng đường xa, công nghệ sẽ còn tiếp tục phát triển nhanh và đa dạng, mà người soạn thảo lại tự bó mình vào một tầm nhìn lạc hậu, lỗi thời.
Thứ hai, địa phương đưa ra nghị quyết này là thủ đô Hà Nội, nơi được xem là biểu tượng trí tuệ và tầm nhìn của cả nước. Điều này sẽ gây một ảnh hưởng tiêu cực, lan tỏa thái độ ứng xử ngược xu thế đến các tỉnh thành trong cả nước.
Cuối cùng, Nghị quyết này là một dấu hiệu cho thấy nó có những nội dung mâu thuẫn với cam kết của Thủ tướng về một nền kinh tế thị trường tự do, phát huy công nghệ mới và tinh thần kiến tạo.
Nên quản lý ra sao?
Để có một thái độ quản lý phù hợp với thời đại, tôi cho rằng, trước hết, các nhà quản lý cần thừa nhận những tính năng ưu việt của xe HĐĐT, xuất phát từ lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích công cộng, và lợi ích môi trường. Trên cơ sở đó, cần hướng thị trường phát triển theo hướng đó.
Điều chính quyền nên làm là hỗ trợ các công ty taxi truyền thống, nội địa, phát triển các công nghệ tương tự để bảo vệ vị trí và thương hiệu của mình. Không nên tư duy theo chiều ngược lại, tức là bắt xe HĐĐT phải chịu điều tiết hay quản lý theo kiểu taxi truyền thống.
Một biểu hiện của cách làm như vậy là không nên hạn chế số xe HĐĐT. Trên thực tế điều này ít khả thi, hoặc nếu làm được thì sẽ bóp méo sự phát triển. Một tính năng ưu việt của xe HĐĐT là nó tận dụng được tối đa nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội, từ những sinh viên lái xe ôm Grab vài giờ mỗi ngày để cải thiện cuộc sống và trang trải học phí, tới những người lái Uber chỉ lúc rảnh rỗi để có thêm thu nhập cho gia đình…
Khi nguồn lực xã hội được khai thác theo cách này, lợi ích không chỉ đo bằng số tiền công của những cuốc xe ôm. Lợi ích đó chính là đất nước có thêm một người sinh viên tốt nghiệp thay vì phải nghỉ giữa chừng. Nếu ngăn cản số lượng xe một cách hành chính, chúng ta sẽ ngăn cản thành phần này trước tiên và vô tình mất đi những cơ hội phát triển mà chúng ta không thể quan sát được.
Một tính năng ưu việt của xe HĐĐT là nó tận dụng được tối đa nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội
Số xe HĐĐT tăng lên có thể đồng nghĩa với số xe taxi truyền thống giảm xuống. Nhưng đó chỉ là một sự sắp xếp lại của thị trường theo hướng có lợi hơn cho xã hội. Người lái taxi truyền thống không trở nên thất nghiệp như nhiều người lo ngại, vì anh ta có thể chuyển sang lái xe HĐĐT. Và một chiếc xe HĐĐT thì hiệu quả hơn về giao thông và môi trường, như đã được thực tế chứng minh.
Cuối cùng, việc quản lý xe HĐĐT là cần thiết, sao cho đúng luật pháp, đạo lý và công bằng giữa các loại hình kinh doanh. Có nhiều biện pháp kỹ thuật hoặc kinh tế để làm điều này, nhưng các biện pháp ấy phải tương ứng với trình độ công nghệ 4.0. Nói cách khác, không nên sử dụng các biện pháp hành chính tùy tiện và độc đoán, như đưa ra một con số nào đó làm giới hạn số xe của một hãng (chế độ quota).
Đặc biệt, cần nhìn nhận vấn đề thuế theo một cấu trúc hoàn toàn khác để tránh những tranh cãi vô ích về pháp lý. Điều ấy đòi hỏi các nhà quản lý phải động não nhiều hơn, hiểu biết nhiều hơn về thực tế cuộc sống đang biến đổi và tiến lên, thay vì chỉ dựa trên những gì mình đã làm ngày hôm qua, để bắt tương lai phải phục tùng theo lối mòn suy nghĩ của họ".