Diễn đàn VNF

Từ vụ Cai Lậy, giới chuyên gia nói gì về các dự án BOT?

(VNF) – Vụ việc tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận và là chủ đề nóng trong thảo luận của các chuyên gia.

Từ vụ Cai Lậy, giới chuyên gia nói gì về các dự án BOT?

Trạm thu phí Cai Lậy đã phải "xả trạm" sau khi đấu tranh từ giới tài xế

Bình luận về sự việc này, TS Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển, giảng viên chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam – cho rằng cần thực hiện 3 giải pháp.

Một là không thu phí đối với xe đi Quốc lộ 1 hiện hữu qua thị xã Cai Lậy; chỉ thu phí đối với xe đi đường tránh đã được đầu tư mới theo hình thức BOT.

Hai là dùng tiền ngân sách trong Quỹ Bảo trì đường bộ để hoàn lại cho chủ đầu tư dự án BOT chi phí đầu tư tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 hiện hữu (26,5 km). Giá trị hoàn trả là giá trị nhỏ nhất trong 2 giá trị: (i) tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng đã được phê duyệt; và (ii) là tổng chi phí đầu tư thực tế sau khi có kết quả của Kiểm toán Nhà nước.

Ba là, cần thanh tra để xác định trách nhiệm của các bên (Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang, chủ đầu tư) trong các quyết định liên quan đến chuẩn bị dự án BOT, chọn nhà đầu tư không qua đầu thầu, bổ sung thêm hợp phần "tăng cường mặt đường", cơ sở tính mức phí và thời hạn thu phí BOT.

TS Nguyễn Xuân Thành - Đại học Fulbright Việt Nam 

Bàn rộng ra về các dự án BOT, PPP hiện nay, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng người dân đang có cái nhìn chưa đúng đắn với các dự án BOT.

"Nếu tính số điểm thu phí đang triển khai trên toàn quốc với những điểm thu phí mà có sự bức xúc của người dân, thì số điểm gây bức xúc chỉ rơi vào khoảng 8% so với những điểm hiện nay chúng ta đang lập trạm thu phí", ông Kiên nói.

Theo ông Kiên, nếu BOT xấu như lâu nay báo chí phản ánh thì không nên làm BOT. Bởi làm một dự án mà cả ba chủ thể (người dân, nhà đầu tư, nhà nước) đều "kêu" thì tốt nhất không làm. Tuy nhiên, ông Kiên cũng khẳng định ngay, thực tế không phải như vậy. Chúng ta cần phải phải nghe cả hai phía, người bán hàng và mua hàng (tức là nhà đầu tư làm tuyến đường BOT và người sử dụng).

Về mức phí thu, ông Kiên cho rằng việc tính phí chỉ có tính chất tương đối, không phải tuyệt đối. Trong khi những người bức xúc lại thường lấy phần đoạn đường mà họ đi ngắn nhất trên cả một cung đường dài để "kêu".

"Bức xúc của người dân là dễ hiểu, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước và báo chí phải có trách nhiệm nói đúng và đủ, phản ảnh thực tế, khách quan", ông Kiên lưu ý.

TS Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ông cũng nhìn nhận trong BOT không phải các cơ quan quản lý nhà nước đều đúng cả, có dự án cũng sai. "Nhưng trong 70 dự án BOT triển khai thì chỉ có một vài dự án có sai sót, còn các dự án khác đều không có vấn đề gì".

Vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ghi nhận dù còn nhiều bất cập nhưng Chính phủ đã có sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện các dự án BOT. Tuy vậy, ông cũng đề nghị cần nâng Nghị định về đối tác công tư lên thành luật, quy định rõ về trình tự chọn dự án thế nào, và tổ chức ra sao. Đặc biệt, trong luật phải thể hiện được quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Ông Kiên nhấn mạnh, với các dự án BOT hay PPP, đừng đem tư duy của Nhà nước để áp đặt. Bởi nếu tính như đầu tư công thì Nhà nước phải bỏ tiền ra đầu tư, chấp nhận nhiều rủi ro như tăng trần nợ công. Còn nếu huy động các nguồn vốn khác thì phải chấp nhận chia phần lợi nhuận của Nhà nước cho nhà đầu tư, nhưng phải giữ nguyên quyền lợi của người dân.

"Tiếc rằng lâu nay chúng ta vẫn chưa nhìn nhà đầu tư với con mắt là bạn đồng hành của Nhà nước mà vẫn nhìn với con mắt đó là 'gian tham' móc túi người dân, móc túi Nhà nước. Nếu vẫn nghĩ thế thì không có nhà đầu tư nào dám vào đầu tư", ông Kiên nêu quan điểm.

Trong khi đó, dù không đưa ra lời bình luận trực tiếp, nhưng TS Huỳnh Thế Du - giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright – đã nêu lên một ví dụ:

Trong giai đoạn 1987-1995, Mexico đã triển khai 52 dự án đường bộ theo phương thức PPP và mỗi dự án này đều có một con đường không thu phí chạy song song. Tổng số vốn tư nhân cam kết lên đến 9,9 tỷ USD.

Kết quả của quá trình thực hiện là vốn đầu tư đã tăng trung bình 25% so với dự toán, trong khi nguồn thu phí thấp hơn dự báo 30% (chỉ có 5 dự án có nguồn thu bằng hoặc cao hơn dự báo).

Hậu quả là phí đã tăng từ 2 lên 17 cent/km và Chính phủ Mexico đã phải thu hồi 23 dự án và phải trả các ngân hàng Mexico gần 5 tỷ USD và các công ty xây dựng khoảng 2,6 tỷ USD.

TS Huỳnh Thế Du - Đại học Fulbright Việt Nam

"Những trục trặc đối với mô hình PPP cũng đã xảy ra với nhiều nước châu Mỹ La - tinh cũng như nhiều nơi trên thế giới như: dự án tư nhân hóa hệ thống nước ở Argentina, hệ thống nước Cochabamba ở Bolivia, đường M1/M15 ở Hungary, đường Muang ở Thái Lan, đường A1 ở Ba Lan, đường Trakia ở Bulgaria và sự yếu kém trong chương trình PPP ở Bồ Đào Nha. PPP nói chung, BOT nói riêng ở Việt Nam sẽ đi đâu về đâu?", ông Du nêu câu hỏi.

Tin mới lên