VietnamFinance bình chọn 10 sự kiện nổi bật trên thị trường tài chính tiêu dùng 2018

VietnamFinance - 24/12/2018 11:29 (GMT+7)

(VNF) - Năm 2018 tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Cuộc đua trên thị trường này nóng lên không chỉ vì bản thân những "người chơi cũ" tăng cường cạnh tranh mà còn vì sự xuất hiện liên tục của những "nhân tố mới". Cùng VietnamFinance điểm lại những sự kiện tài chính tiêu dùng nổi bật trong năm 2018.

Chi 151 triệu USD, tập đoàn Hàn Quốc thâu tóm Công ty tài chính Prudential Việt Nam

Ngay trong tháng đầu năm 2018, Tập đoàn Prudential công bố việc đã đạt được thỏa thuận bán 100% Công ty tài chính Prudential Việt Nam – Prudential Finance (PVFC) với số tiền 151 triệu USD. Bên mua là Công ty TNHH Shinhan Card, một công ty con của Tập đoàn Tài chính Shinhan (Shinhan) - tổ chức tài chính lớn đến từ Hàn Quốc.

Ông Nic Nicandrou, Giám đốc điều hành Tập đoàn Prudential châu Á, cho biết: "PVFC là một doanh nghiệp có chất lượng cao nhưng không phải là trọng tâm chiến lược của chúng tôi tại Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng là Shinhan sẽ có thể dẫn dắt doanh nghiệp tài chính tiêu dùng này đến giai đoạn phát triển tiếp theo. Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn và quan trọng đối với Prudential, nơi chúng tôi có các hoạt động bảo hiểm nhân thọ và quản lý tài sản phát triển nhanh".

Prudential Finance là công ty tài chính tiêu dùng 100% vốn ngoại đầu tiên ở Việt Nam với khoảng 300.000 khách hàng tính đến tháng 10/2016. Cùng với FE Credit, HomeCredit và HDSaison, Prudential Finance hiện là 1 trong 4 công ty chiếm lĩnh thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam.

Techcombank hoàn tất chuyển nhượng TechcomFinance cho đối tác Hàn Quốc

Đầu tháng 3/2018, Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) ký kết hoàn thành việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Kỹ thương (TechcomFinance) cho Công ty TNHH Thẻ Lotte của Hàn Quốc.

Trước đó, vào cuối quý III/2017, được sự chấp thuận của cơ quan quản lý, Hội đồng Quản trị  Techcombank đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn tại TechcomFinance cho Công ty TNHH Thẻ Lotte. Vào ngày 19/1/2018, NHNN đã chấp thuận nguyên tắc thương vụ chuyển nhượng toàn bộ vốn góp này.

Thông tin vào thời điểm Techcombank thông qua thương vụ cho biết giá chuyển nhượng của thương vụ này lên tới 87,5 tỷ won, tương đương 1.734 tỷ đồng, gấp 2,89 lần vốn điều lệ của TechcomFinance (600 tỷ đồng).

Trả lời báo giới mới đây, đại diện Lotte Finance cho biết công ty đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 18/12/2018 tại thị trường Việt Nam. Đại diện Lotte Finance cho biết bên cạnh thẻ tín dụng thì vay tiêu dùng tín chấp là mảng kinh doanh chiến lược của doanh nghiệp tại thị trường mới. Ngoài ra, đơn vị này cũng muốn phát triển thêm cho vay trả góp, thẻ tín dụng ở các tỉnh, thành.

Sản phẩm vay tiêu dùng của hãng sẽ nhắm tới nhóm khách hàng thu nhập thấp, trung bình từ 3 triệu đồng/tháng trở lên. Các sản phẩm khác như thẻ tín dụng của Lotte Finance sẽ bắt đầu hoạt động vào quý II/2019.

EVN Finance bước chân vào cho vay trả góp và cho vay tiêu dùng

Khoảng đầu tháng 3/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định số 298/QĐ-NHNN bổ sung nội dung Giấy phép thành lập và hoạt động của Công ty tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance).

Theo đó, EVN Finance được sửa đổi, bổ sung tiết a điểm 6.2 khoản 6 Điều 1 Giấy phép thành lập thành Cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng.

Trước đó, vào tháng 10/2017, EVN Finance cũng đã sửa đổi trong Giấy phép thành lập và chuyển sang "Kinh doanh cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước và trên thị trường quốc tế trong phạm vi do NHNN quy định".

Với vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, EVN Finance là một trong số các công ty tài chính có quy mô vốn lớn nhất hiện nay.

Trong 3 năm từ 2015-2017, EVN Finance đều có kết quả sản xuất kinh doanh có lãi và hàng năm đều thực hiện chia cổ tức lần lượt là 3%/năm (2015), 5% (2016) và 6% (2017). Kết quả kinh doanh của công ty cũng tăng đều qua các năm.

Quy mô tổng tài sản của định chế tài chính này đến cuối năm 2017 xấp xỉ 19.342 tỷ đồng. Năm 2017, nhờ tăng mạnh khoản thu từ mua bán chứng khoán, lợi nhuận sau thuế của EVN Finance đạt hơn 180 tỷ đồng; EPS cả năm xấp xỉ 722 đồng.

CFC được NHNN chấp thuận đổi tên thành Công ty tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit)

Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam thời điểm giữa tháng 6/2018 đón nhận một sự thay đổi đáng chú ý. Công ty tài chính Cổ phần Xi măng (CFC) chính thức được NHNN chấp thuận đổi tên thành Công ty tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit). Thời hạn hoạt động của công ty này là 50 năm kể từ ngày 29/5/2008.

VietCredit trước đây được biết đến là một đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) và được thành lập vào ngày 5/9/2008.

Trong quá khứ, công ty tài chính tiêu dùng này rất được mong chờ sẽ tạo ra sự đột phá khi cơ cấu cổ đông ngoài Vicem còn có Vietcombank (nắm 10,91% vốn điều lệ năm 2017), Ngân hàng TMCP Bản Việt (nắm 10,99% vốn năm 2015 và 4,96% vốn năm 2016) và Công ty Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt (nắm 4,96% vốn năm 2016).

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, 3 pháp nhân trên đã thoái toàn bộ vốn khỏi VietCredit, chỉ còn lại Vicem hiện đang nắm 15% vốn điều lệ và Công ty Siêu Thanh Hà Nội nắm lượng cổ phần không đáng kể, chỉ tương đương 0,07%. Gần 85% vốn điều lệ của VietCredit hiện do cổ đông thể nhân nắm giữ.

NHNN mới đây đã chấp thuận cho VietCredit tăng vốn điều lệ từ gần 605 tỷ đồng lên hơn 1.070 tỷ đồng theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông của Công ty tài chính Tín Việt thông qua tại Nghị quyết số 158/2018/NQ-ĐHĐCĐ ngày 23/4/2018 và Hội đồng quản trị thông qua tại Nghị quyết số 706/2018/VietCredit-NQ ngày 2/10/2018.

Với việc tăng vốn trên, VietCredit đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 11,5% trong năm 2018, lên 2.168 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động giảm 15,7% xuống 977 tỷ đồng. Đặc biệt, dư nợ cho vay tăng 55,9% lên 1.115 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 2,4% lên 12,4 tỷ đồng.

SeABank mua Công ty tài chính Bưu điện

Từ thời điểm cuối tháng 12/2017, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã có thông báo về việc tổ chức bán đấu giá Công ty tài chính Bưu điện (PTF). Ngày 1/2/2018, SeABank đã tham gia phiên đấu giá công khai mua cổ phần PTF của VNPT và là đơn vị trúng đấu giá cao nhất với mức giá 710 tỷ đồng.

Ngày 22/5, Thống đốc NHNN đã có Quyết định chấp thuận việc mua bán, chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của Tập đoàn VNPT tại Công ty PTF cho SeABank.

Sau khi hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng, ngày 22/6/2018, Tập đoàn VNPT chính thức bàn giao PTF cho SeABank. Theo đó, SeABank nhận chuyển giao toàn bộ mảng kinh doanh tài chính bao gồm: dịch vụ thanh toán; hỗ trợ tài chính; tư vấn doanh nghiệp; đầu tư tài chính; kinh doanh tiền tệ từ Tập đoàn VNPT bao gồm: cơ sở vật chất, hệ thống mạng lưới, nhân sự và có trách nhiệm kế thừa, phát triển dịch vụ sau bán hàng đối với toàn bộ các khách hàng đang sử dụng dịch vụ của Công ty tài chính Bưu điện PTF từ ngày 22/06/2018.

PTF là công ty 100% thuộc sở hữu của Tập đoàn VNPT, được cấp phép thành lập vào tháng 10/1998 và là một trong những công ty tài chính đầu tiên của Việt Nam. Hiện PTF có vốn điều lệ 500 tỷ đồng và tổng tài sản tại thời điểm kết thúc quý II/2016 đạt 384 tỷ đồng.

SHB Finance chính thức gia nhập thị trường

Sau khi được NHNN chấp thuận, Ngân hàng SHB đã sáp nhập Công ty tài chính Cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) và đã có thông báo về việc sẽ thành lập Công ty tài chính tiêu dùng SHB (SHB Finance) với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cho biết SHB Finance về cơ bản đã đi vào hoạt động từ quý II/2017 và sẽ chính thức hoạt động vào quý III/2017. Tuy nhiên mãi đến ngày 9/8/2018, SHB Finance mới chính thức triển khai bán hàng toàn diện.

SHB Finance có số vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng tính đến 30/6/2018, do SHB sở hữu 100%.

SHB Finance tập trung cung cấp dịch vụ cho vay tiền mặt cho các nhóm khách hàng đại chúng – cán bộ công nhân viên, công nhân, người kinh doanh nhỏ lẻ và các khách hàng khác có thể cung cấp các hóa đơn dịch vụ, thông qua các kênh trực tiếp và trực tuyến. SHB Finance cũng cho hay tới đây công ty sẽ giới thiệu các gói dịch vụ giành riêng cho các cán bộ nhân viên tại các doanh nghiệp, giúp các khách hàng này có một sự lựa chọn ưu việt và thuận tiện hơn.

Thông tin mới nhất từ SHB Finance cho biết từ khi chính thức triển khai bán hàng toàn diện, SHB Finance đã đạt 100 tỷ đồng dư nợ tính đến ngày 24/9, nghĩa là sau 1,5 tháng đi vào hoạt động. Công ty cũng đã có 1.000 khách hàng mới chỉ sau gần 1 tháng giới thiệu dịch vụ. SHB Finance cũng cho biết công ty sắp đạt thêm 1 cột mốc đáng ghi nhận đó là 10.000 khách hàng khi chưa đầy 3 tháng hoạt động.

FE Credit tăng vốn hơn 2.800 tỷ đồng, quyết giữ 'ngôi vua' cho vay tiêu dùng

Ngày 27/9/2018, NHNN ban hành quyết định về việc sửa đổi nội dung về mức vốn điều lệ tại giấy phép thành lập và hoạt động của Công ty tài chính TNHH Một thành viên VPBank (FE Credit).

Theo đó, Thống đốc chấp thuận việc sửa đổi nội dung về mức vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (gọi tắt là VPBFC - thương hiệu FE Credit) từ 4.474 tỷ đồng lên 7.328 tỷ đồng.

Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit cho biết: “Việc tăng vốn điều lệ nhằm đẩy mạnh chiến lược phát triển kinh doanh để tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu của FE Credit. Nguồn vốn điều lệ sau khi tăng sẽ tích cực tác động đến hoạt động của công ty cũng như góp phần nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; củng cố nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở vật chất; đảm bảo tiền đề tăng trưởng an toàn, bền vững; đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”.

Đợt tăng vốn của FE Credit được thực hiện không lâu sau khi ngân hàng mẹ VPBank hoàn tất phần lớn các kế hoạch tăng vốn đã đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018. Việc tăng vốn “khủng” cho thấy ngân hàng mẹ VPBank vẫn tiếp tục mong muốn FE Credit trở thành "đầu tàu" trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng.

Là đơn vị dẫn đầu thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, FE Credit hiện đang cung cấp dịch vụ vay tiêu dùng cá nhân với các sản phẩm cho vay tiền mặt, vay mua xe máy, thiết bị điện tử gia dụng và trở thành công ty tài chính tiên phong trong việc phát hành sản phẩm thẻ tín dụng tại Việt Nam.

Đến nay, FE Credit đã phục vụ gần 10 triệu khách hàng, hợp tác với hơn 8.400 đối tác tại hơn 12.200 điểm bán hàng trên toàn quốc.

Easy Credit chính thức 'tham chiến' 

Ngày 1/10/2018, Công ty tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance) đã chính thức giới thiệu thương hiệu tài chính tiêu dùng Easy Credit.

Theo đó, ngoài các hoạt động cung cấp các sản phẩm tài chính cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đối tác, khách hàng trong lĩnh vực điện năng như trước đây, EVN Finance đã bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực cho vay phục vụ mục đích tiêu dùng.

Bắt đầu từ tháng 10/2018, Easy Credit (thương hiệu thuộc khối tín dụng tiêu dùng của EVN Finance) ra mắt thị trường gói vay tiền mặt.

Đối tượng khách hàng mà Easy Credit nhắm đến là những nhóm khách hàng chưa được các ngân hàng đặc biệt quan tâm và nhóm khách hàng có thu nhập trung bình với mức thu nhập hàng tháng tối thiểu là 4,5 triệu đồng.

“Với Easy Credit, chúng tôi xác định phát triển hoạt động theo mô hình công ty tài chính tổng hợp trên nền tảng sẵn có và tận dụng các xu hướng công nghệ. EVN Finance đã và đang phát triển những sản phẩm mới trên nền tảng vận dụng Fintech, AI, Big Data nhằm cung cấp sản phẩm tài chính công nghệ cao tới khách hàng.

Cụ thể, với sản phẩm vay tiền mặt, chúng tôi áp dụng công nghệ xuyên suốt trải nghiệm của khách hàng, từ giai đoạn khách hàng nộp đơn vay vốn, đến quá trình thẩm định, phê duyệt cho đến quá trình tất toán khoản vay”, ông Bùi Xuân Dũng – Tổng giám đốc EVN Finance chia sẻ.

Ông Geert Jan Ten Hoonte– Giám đốc Easy Credit, cũng cho biết: “Chúng tôi đẩy mạnh việc đa dạng hóa các kênh bán hàng, bao gồm kênh online và các kênh liên kết đối tác để gia tăng khả năng tiếp cận với khách hàng. Với mục đích giúp khách hàng ở vùng nông thôn có khả năng tiếp cận với dịch vụ vay của Easy Credit, chúng tôi sẽ nhanh chóng mở rộng độ phủ của mình. Dự kiến đến cuối năm 2020, chúng tôi sẽ có mặt tại 63 tỉnh, thành trên toàn quốc và có hơn 1 triệu khách hàng”.

Home Credit tròn 10 năm gia nhập thị trường 

Chính thức tham gia vào thị trường Việt Nam từ năm 2008, Công ty tài chính Home Credit là một trong những doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên cung cấp các sản phẩm tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Sau 10 năm, công ty nằm trong top những công ty tài chính dẫn đầu thị trường.

Có mặt ở khắp 63 tỉnh/thành phố, Home Credit hiện đang hợp tác với 5.500 đối tác kinh doanh, sở hữu hơn 9.400 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc.

Home Credit Việt Nam có hơn 7,7 triệu khách hàng trong cơ sở dữ liệu, trong đó có khoảng 4 triệu người chưa từng có lịch sử giao dịch ngân hàng. Thay vì đẩy mạnh cho vay tiền mặt, Home Credit tập trung cho vay mua sắm các vật dụng như xe máy, điện thoại, đồ gia dụng.

Theo thống kê, có tới 51% khách hàng của Home Credit thuộc nhóm lao động phổ thông, phần lớn thu nhập từ 6 - 10 triệu đồng/tháng. Khoản trả góp hàng tháng dao động từ 900.000 đồng cho hàng gia dụng và 2 triệu đồng cho xe máy được xem là phù hợp với phân khúc này.

Home Credit cũng là đơn vị tiên phong đưa ra gói vay 0% lãi suất cho các sản phẩm cho vay trả góp mua xe máy, mua điện thoại và hàng gia dụng.

Số liệu mới nhất từ Home Credit cho hay riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu của Home Credit là 7,4 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Money Forward lập công ty con, nhắm mảng tài chính tiêu dùng tại Việt Nam

Tập đoàn Money Forward - tập đoàn công nghệ tài chính có thị phần lớn nhất trong lĩnh vực phát triển ứng dụng điều hành ngân sách cho cá nhân tại Nhật Bản vào cuối tháng 11 đã thành lập công ty con tại Việt Nam với số vốn đăng ký 910.000 USD.

Theo ông Takayuki Tsuzuki, Tổng Giám đốc điều hành công ty TNHH Money Forward Việt Nam, doanh nghiệp này "có sứ mệnh hỗ trợ phát triển, nâng cấp các sản phẩm đang phổ biến tại Nhật Bản và tham gia nghiên cứu phát triển dịch vụ mới cho thị trường Việt Nam".

Ông Takayuki Tsuzuki cho biết thêm, "Việt Nam có nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào và chất lượng, đồng thời có sự tương đồng về văn hóa nên dễ hợp tác làm việc cùng nhau. Tôi rất vui khi được làm việc với các kỹ sư Việt Nam để phát triển dịch vụ cho thị trường... Trong tương lai gần, Money Forward muốn khởi động một loạt các dịch vụ công nghệ tài chính cho chính thị trường này".

Được thành lập tháng 5/2012, Money Forward Inc. là đơn vị chiếm thị phần lớn nhất tại Nhật Bản trong lĩnh vực cung cấp các ứng dụng công nghệ điều hành ngân sách cho cá nhân và nền tảng dịch vụ điện toán đám mây dành cho doanh nghiệp “Money Forward Cloud Series”.

Từ năm 2017, công ty phát triển thêm những sản phẩm công nghệ tài chính như MF KESSAI - dịch vụ quyết toán chi trả liên ngành, Sira Tama - ứng dụng tiết kiệm tiền tự động, STREAMED - phần mềm ghi sổ kế toán đám mây, Mirai Talk - nơi khách hàng có thể giải quyết mối quan tâm tài chính trực tiếp với các nhà hoạch định tài chính, Manageboard - điện toán đám mây phân tích kinh doanh.

Ngày 29/9/2017, Money Forward được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) và đến tháng 5/2018 công bố kế hoạch thành lập sàn giao dịch tiền mã hóa cũng như thành lập các kênh truyền thông liên quan.

Money Forward hiện có hơn 7 triệu người dùng. Đặc biệt, ứng dụng miễn phí trên nền tảng android dành cho mảng điều hành ngân sách cho cá nhân (Money Forward) đã giành được giải thưởng ứng dụng tài chính cá nhân tốt nhất trên Google Play trong ba năm liên tiếp (2014, 2015 và 2016).

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.