‘Vốn của nền kinh tế đang mắc kẹt trên thị trường tài sản’

Ái Châu Tử - 31/12/2023 11:42 (GMT+7)

(VNF) – Theo PGS.TS Phạm Thế Anh: Vốn của người dân và doanh nghiệp bị mắc kẹt trên thị trường tài sản đang là vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.

VNF

Năm 2023 đã chính thức khép lại với kết quả tăng trưởng GDP 5,05%, đánh dấu năm tăng trưởng thấp thứ 3 trong 12 năm qua (2011 – 2023), chỉ lớn hơn 2 năm dịch bệnh là 2020 và 2021.

Là một năm đầy ắp sự kiện, 2023 đã cho giới quan sát cả sự hi vọng và lo âu, cả những niềm vui lẫn sự trăn trở. Để nhìn lại một năm đầy cảm xúc này, Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thế Anh – Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân:

- Ông đánh giá như thế nào về kết quả tăng trưởng năm qua?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Điểm tích cực là nền kinh tế đã thể hiện sự phục hồi qua các quý: quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%, quý IV tăng 6,72%, tính chung cả năm tăng 5,05%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn là rất thấp so với thời kỳ bình thường. Điều này phản ánh sự khó khăn lớn cả về phía cung và cầu của nền kinh tế.

Theo đó, đối với phía cầu, tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu năm qua đều gặp khó khăn. Cụ thể, về tiêu dùng, có hai yếu tố khiến sức mua suy giảm mạnh là thu nhập của người dân đi xuống, đồng thời tỷ giá và lãi suất trong những tháng đầu năm không ủng hộ cho hành vi tiêu dùng. Đặc biệt đáng ngại là tâm lý bi quan tăng cao của người dân, khiến họ chuyển hành vi từ chi tiêu sang tiết kiệm. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy sự ảm đạm của các trung tâm thương mại, tuyến phố mua sắm, cửa hàng kinh doanh trong năm nay – một biểu hiện rõ nét của việc sức mua giảm sút, bất chấp số liệu thống kê chính thức là bao nhiêu.

Về đầu tư, năm nay có những mặt được lẫn mặt chưa được. Mặt được là Việt Nam vẫn thu hút FDI ở mức khá, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng yếu ớt. Trong đó, Việt Nam chứng kiến sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang một cách khá mạnh mẽ, dẫn đến sự “lên ngôi” của các khu công nghiệp ở phía Bắc (các tỉnh: Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh…). Ngoài ra, việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ cũng mang đến kì vọng về sự gia tăng của dòng vốn FDI chất lượng cao từ các nước Âu – Mỹ.

Đầu tư công năm nay cũng có điểm sáng là được đẩy mạnh hơn năm trước. Tuy nhiên, đầu tư công của Việt Nam vẫn chưa tránh được tình trạng dàn trải, chưa được phân bổ theo nguyên tắc ưu tiên hiệu quả cao nhất.

Về đầu tư tư nhân thì tình hình rất đang lo ngại do triển vọng xuất khẩu kém và thị trường bất động sản đóng băng. Khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp trong những quý đầu năm 2023 rất khó khăn do lãi vay rất cao, trong khi khả năng tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu hoặc vay mượn bằng trái phiếu doanh nghiệp không có nhiều hiệu quả, thậm chí không thực hiện được.

Về xuất khẩu, năm nay Việt Nam xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp, song thực tế mà nói xuất khẩu không phải điểm sáng lớn. Ta chỉ thấy sự phục hồi nhẹ vào giai đoạn cuối năm, khi tồn kho xuống thấp và nhu cầu của thế giới tăng lên để phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm. Vì vậy, sự phục hồi này chưa bền vững, nhất là khi chính sách tiền tệ của các nước lớn về cơ bản vẫn đang thắt chặt, dẫu cho lạm phát đã có tín hiệu tốt. Nhìn chung, chúng ta mong đợi xuất khẩu tiếp tục hồi phục, nhưng tăng trưởng 2 chữ số như giai đoạn trước trong thời gian tới là rất khó.

Đối với phía cung, Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tự chủ được hàng tiêu dùng. Dù giá trị gia tăng chưa cao nhưng năng lực sản xuất của Việt Nam những năm qua đã được cải thiện rõ nét. Đó là điều kiện tiên quyết để Việt Nam chống được lạm phát. Một yếu tố may mắn nữa là kinh tế Trung Quốc năm qua gặp khó khăn, khiến lạm phát tại quốc gia này rất thấp, giúp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, bao gồm cả nguyên vật liệu và hàng tiêu dùng, đều thấp. Nhờ đó, Việt Nam kiểm soát lạm phát tương đối tốt.

Vấn đề của Việt Nam về phía cung năm qua chính là khả năng cung ứng trên thị trường bất động sản đang gặp vấn đề, do nhiều dự án bị vướng mắc pháp lý và doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận vốn.

PGS.TS Phạm Thế Anh – Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân

- Như vậy có thể thấy, kinh tế 2023 chứa đựng nhiều vấn đề hơn thành tựu. Vậy đến thời điểm này, nhìn lại các vấn đề nổi cộm của năm, ông cảm thấy điều gì là đáng lo ngại nhất?

Tôi cho rằng nỗi lo lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là môi trường kinh doanh nhiều rủi ro, chậm được cải thiện. Điều này đã kéo dài vài năm nay chứ không chỉ riêng năm 2023.

Chúng ta biết rằng khó khăn của kinh tế Việt Nam đến từ cả tác động tiêu cực bên ngoài lẫn vấn đề nội tại. Tác động bên ngoài không quá đáng ngại vì trước sau kinh tế thế giới cũng hồi phục, Việt Nam rồi sẽ có kết quả lớn trong xuất khẩu và thu hút FDI. Nhưng môi trường kinh doanh trong nước lại là một câu chuyện rất lâu dài. Từ những hiện tượng bề nổi như vướng mắc trên thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản chưa thể giải quyết, đến vấn đề nền tảng là sự ổn định của chính sách đều khiến giới đầu tư – kinh doanh băn khoăn, chưa an tâm khi đưa ra quyết định đầu tư lâu dài. Những vụ án được điều tra, xét xử suốt những năm qua đã phơi bày thực trạng vô cùng đáng ngại, sai phạm diễn ra ở rất nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Những sai phạm này lại có nguy cơ liên lụy tới hoạt động kinh doanh, tới sự sống còn của doanh nghiệp.

Mối lo lớn thứ hai là hiện nay, một lượng lớn vốn của người dân và doanh nghiệp bị mắc kẹt trên thị trường tài sản, như: bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Sự mắc kẹt này khiến việc khơi dậy tiêu dùng, đầu tư tư nhân trở nên rất khó khăn.

Với hệ thống ngân hàng, tình trạng mắc kẹt này cũng là một mối đe dọa không nhỏ, do hầu hết các khoản vay được thế chấp bằng bất động sản. Khi bất động sản đóng băng, người vay không thể trả nợ, ngân hàng bất đắc dĩ trở thành “nhà kho sổ đỏ”, ôm một đống tài sản kém hoặc không có thanh khoản. Điều này khiến các ngân hàng chịu đựng rủi ro lớn. Và khi rủi ro tăng lên, việc sàng lọc, giải ngân càng bị siết chặt lại. Việc tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, vì vậy, đã khó lại càng trở nên khó hơn.

Điều này cũng phần nào giải thích tại sao lãi suất huy động dù đã giảm mạnh nhưng lãi suất cho vay không giảm tương xứng, ấy là vì rủi ro tín dụng của nền kinh tế tăng lên. Lãi suất được giữ ở mức cao để bù đắp cho rủi ro đó. Hiện nay, rất ít doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng với lãi suất 6% - 7%. Hầu hết doanh nghiệp, nhất là khối bất động sản, xây dựng đang phải chịu mức lãi suất cao, có thể đến hai con số.

- Phân tích của ông cho thấy nợ xấu có thể diễn biến xấu như cách đây một thập niên?

Thực tế là nợ xấu của các ngân hàng đã tăng lên rất đáng kể trong năm qua và không có gì đảm bảo việc này sẽ dừng lại. Dù rằng Việt Nam đã có kinh nghiệm xử lý nợ xấu, song quy mô thị trường ngày nay đã lớn hơn rất nhiều so với mười năm trước, mức độ phức tạp cũng gia tăng, do vậy không thể chủ quan trong việc kiểm soát và tính phương án giải quyết.

- Bên cạnh câu chuyện nợ xấu ngân hàng là nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp. Năm 2023 là một đỉnh cao về đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã lâm vào cảnh “vỡ nợ kỹ thuật” (không trả được nợ khi đến hạn), phản ánh sức lực đã cạn kiệt. Năm 2024 tiếp tục là một đỉnh cao đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, và với sức lực của nhiều doanh nghiệp đã cạn như hiện nay, liệu “bom” trái phiếu có nổ?

Đó là một rủi ro hiện hữu, khiến không chỉ nhà điều hành mà cả giới đầu tư, kinh doanh lẫn giới quan sát đều hết sức lo lắng. Chính phủ đang làm mọi cách để giải quyết vấn đề này, ngay từ đầu năm 2023 với Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp và sau đó là cả một năm “giải cứu” bất động sản đầy nỗ lực. Tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản vẫn đang là trung tâm của mọi vấn đề, cần phải được tháo gỡ nhanh chóng nhất có thể. Các cơ quan chức năng cần khơi thông, tháo gỡ được những vướng mắc trên những phân khúc đáp ứng nhu cầu thực của người dân. Hi vọng rằng thị trường này sẽ “tươi tỉnh” hơn trong năm 2024, giúp các doanh nghiệp có thể vượt qua thời khắc sinh tử và cũng giúp nền kinh tế tránh được sự tổn thương.

- Ông nhìn nhận như thế nào về triển vọng kinh tế năm 2024?

Với tình hình kinh tế hiện nay, tôi cho rằng động lực tăng trưởng sẽ tới từ bên ngoài. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn, không thể kỳ vọng tăng trưởng cao mà không nhìn vào sự phục hồi của thế giới. Kinh tế thế giới ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam qua mấy góc độ. Một là xuất khẩu, sau một năm vất vả thì hi vọng 2024, xuất khẩu của Việt Nam sẽ khởi sắc cùng với đà phục hồi của các nền kinh tế lớn. Xuất khẩu khởi sắc thì FDI cũng sẽ nhiều lên, do bản chất FDI vào Việt Nam cũng là để hướng ra xuất khẩu. Ngoài ra, về điều kiện tài chính, việc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới hạ lãi suất sẽ giúp Việt Nam Đồng ổn định, qua đó khiến các điều kiện tài chính dễ thở hơn.

Nhưng quan trọng hơn, muốn kinh tế thực sự khởi sắc thì bên cạnh sự hỗ trợ từ môi trường bên ngoài và mặt bằng lãi suất, lạm phát thấp ở trong nước, Việt Nam phải cải thiện được môi trường kinh doanh, lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Ngoài ra, tôi cũng hi vọng năm 2024, Chính phủ sẽ cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cũng như duy trì chính sách hỗ trợ thuế cho người dân và doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cùng chuyên mục
Tin khác