(VNF) - Theo Nghị quyết số 54/2017/QH14, Quốc hội đã cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế đặc thù cho TP. HCM. Tuy nhiên, TP. HCM có tới 5 dự án nhóm A (dự án quốc gia) với tổng mức vốn đầu tư là 12.954 tỷ đồng, vẫn không được bố trí vốn.
Đỏ mắt chờ… tiền
Dự án xây dựng rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ được UBND TP. HCM phê duyệt năm 2019 với quy mô đầu tư 2.000 chỗ và phòng tập luyện đa năng 300 chỗ. Thời gian thực hiện dự án đến năm 2022. Diện tích sử dụng đất là 10.000 m2.
Đây là một trong những dự án văn hóa quy mô và hiện đại mang tầm cỡ quốc gia của TP. HCM. Mức vốn bố trí giai đoạn 2016-2020 là 17,5 tỷ đồng, năm 2019 là 10,5 tỷ đồng, năm 2020 là 7 tỷ đồng và năm 2021 là 285 triệu đồng. Tuy nhiên tới nay, dự án vẫn chưa triển khai thi công vì chưa có vốn.
Dự án rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ vẫn chỉ là bản vẽ vì thiếu vốn
Dự án xây dựng nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch có số vốn dự tính là 1.508 tỷ đồng, nằm ở khu chức năng số 1 tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, được HĐND TP. HCM thông qua chủ trương đầu tư hồi tháng 10/2018.
Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Vị trí nhà hát được xây tại góc cầu Thủ Thiêm 2 (hướng từ quận 1 qua Thủ Thiêm), kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ bằng cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn.
Ngoài nhà hát, nơi đây còn có các công trình quan trọng như: quảng trường trung tâm; trung tâm hội nghị triển lãm; trung tâm triển lãm quy hoạch, bảo tàng... Đây sẽ là công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của TP. HCM. Tuy nhiên, dự án tạm ngừng bố trí trong giai đoạn 2021-2025 vì chưa ban hành quyết định đầu tư, mặc dù đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018.
Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, phường An Phú, quận 2 dự toán số vốn đầu tư là 8.004 tỷ đồng. TP. HCM đã có chủ trương đầu tư từ năm 1994, diện tích đất quy hoạch ban đầu hơn 400 ha. Đến năm 2018 dự án được điều chỉnh xuống còn 186,7 ha để tổ chức tuyển chọn phương án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.
Dự kiến khu liên hợp phục vụ tối đa khoảng 100.000 người (trong đó vận động viên khoảng 10.000 người; khán giả, nhân viên, báo chí… khoảng 80.000 người, khách vãng lai khoảng 10.000 người. Thế nhưng, từ đó đến nay dự án vẫn bỏ hoang hóa do chưa bố trí vốn.
Tương tự như vậy, dự án xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh của TP có tổng mức đầu tư 958,6 tỷ đồng và dự án xây dựng trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp của TP thông qua một đầu số viễn thông duy nhất giai đoạn 2019 – 2025 có tổng mức đầu tư là 958,6 tỷ đồng. Theo báo cáo, hai dự án này sẽ thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 do giai đoạn trước chưa giải ngân, tuy nhiên đến nay, chỉ được bố trí hơn 200 triệu đồng. Ban quản lý dự án đỏ mắt chờ tiền…
Cần trách nhiệm cụ thể
Báo cáo của UBND TP. HCM cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt 86,06% tổng kế hoạch vốn giao.
Tuy nhiên, ngày 28/7, tổ công tác của đoàn giám sát về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Quốc hội, làm việc với lãnh đạo TP, đã chỉ rõ việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trong một số trường hợp của TP. HCM còn chưa phù hợp.
Cụ thể, năm 2018, có tình trạng không trình HĐND xem xét, cho ý kiến về danh mục và mức vốn phân bổ cho từng công trình sử dụng các nguồn vốn, vẫn có tình trạng bố trí kế hoạch vốn cho 10 dự án không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, bố trí vốn cho các dự án khởi công mới trong khi chưa bố trí đủ kế hoạch vốn thu hồi tạm ứng đối với dự án đã ứng trước kế hoạch vốn.
Năm 2019, TP đã bố trí kế hoạch vốn cho 27 dự án vượt 149,6 tỷ đồng so với kế hoạch đầu tư công trung hạn, bố trí vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản cho một số dự án chưa đúng quy định … Tỷ lệ dự án được kiểm tra, giám sát, lập báo cáo giám sát thấp . Năm 2020-2021, TP bố trí 28 dự án vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trong khi đó, có nhiều dự án “đỏ mắt” chờ vốn mà 5 dự án loại A như trên là điển hình.
Tổ công tác đề nghị UBND TP làm rõ nguyên nhân và vướng mắc trong việc bổ sung kế hoạch vốn dẫn đến chậm trễ trong việc thi công dự án xây dựng rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ đồng thời, làm rõ dự án này có được bố trí trong giai đoạn 2021-2025 hay không?
Đối với hai dự án nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch và khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, đây là hai dự án tạm ngừng bố trí trong giai đoạn 2021-2025 vì chưa ban hành quyết định đầu tư, mặc dù đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018 . Tổ công tác đề nghị TP làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm trễ trong việc ban hành quyết định đầu tư, dẫn đến việc không được bố trí vốn cho giai đoạn 2021-2025.
Đối với việc xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh và dự án xây dựng trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp, năm 2021 TP chỉ được bố trí với mức 245 triệu đồng là mức rất thấp dẫn tới tình trạng dự án chờ vốn kéo dài, lãng phí nguồn lực đất đai. Tổ công tác đề nghị UBND TP chỉ rõ nguyên nhân cấp vốn nhỏ giọt và báo cáo giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm mức bố trí vốn đúng quy định.
Theo một thành viên của đoàn giám sát, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công ì ạch trong thời gian qua còn do tinh thần, trách nhiệm của chủ đầu tư chưa cao, năng lực của các nhà thầu, tư vấn còn hạn chế, chưa tập trung xử lý triệt để công tác đền bù giải phóng mặt bằng... Trong đó, tình trạng trả đi trả lại hồ sơ làm kéo dài thời gian thực hiện các dự án diễn ra khá phổ biến.
“Trong khi xây dựng và lựa chọn dự án, TP đã căn cứ tiêu chí về tính cấp thiết, quan trọng, có tác động mạnh mẽ đến kinh tế-xã hội của địa phương, việc tạm dừng triển khai các dự án này sẽ tác động không nhỏ tới kế hoạch đã đề ra của TP, gây bức xúc trong dư luận. Lãng phí nguồn lực đất đai, nguồn lực đầu tư do chậm trễ giải ngân là không nhỏ, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022, là căn cứ để đánh giá năng lực cán bộ”, thành viên này cho biết.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone