Diễn đàn VNF

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Có tình trạng ‘nói 1 đằng làm 1 nẻo’

(VNF) - Nói về quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh, TS Tô Hoài Nam, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng vẫn còn hiện tượng nói 1 đằng, làm 1 nẻo, để gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Có tình trạng ‘nói 1 đằng làm 1 nẻo’

Trên thực tế vẫn còn hàng ngàn quy định bất cập đang “hành” doanh nghiệp.

Trong báo cáo về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Trần Văn Sơn cho biết tính đến ngày 15/6, các bộ, cơ quan đã thực hiện cập nhật, công khai 12.451 quy định kinh doanh vào Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, gồm 4.243 thủ tục hành chính; 800 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; 2.678 yêu cầu, điều kiện; 818 chế độ báo cáo; 77 thủ tục kiểm tra chuyên ngành với 3.831 sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; 77 quy định cấm, trong đó đã duyệt công khai 9.440 quy định.

Đồng thời, các bộ, ngành cũng cập nhật được 352 quy định dự kiến ban hành trong 9 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 591 phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh để tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp (trước khi trình Thủ tướng Chính phủ) hoặc theo dõi quá trình thực thi, sửa đổi văn bản (sau khi phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). 

Bình luận về con số cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành trong nửa đầu năm nay, TS Tô Hoài Nam, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), nhận định về mặt thống kê thì việc cắt giảm 641 quy định kinh doanh là một con số rất ấn tượng, đáng ghi nhận, giúp doanh nghiệp có điều kiện môi trường hoạt động thuận lợi hơn, dễ thở hơn. 

"Tuy nhiên vẫn còn hiện tượng 'nói một đằng làm một nẻo', nói là tạo điều kiện, giảm cái này, cái kia có khi lại đưa ra những lý do khác để gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thực trạng này không thể trong một thời gian ngắn giải quyết được triệt để những hiện tượng này", ông Nam cho hay.

Là người thường xuyên theo dõi quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), cho hay hiện nay khái niệm về các loại điều kiện kinh doanh khá mù mờ nên báo cáo của các bộ, ngành và ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp có thể trái ngược nhau. 

Thông thường, một điều kiện kinh doanh có nhiều quy định trong đó, nếu cắt giảm thực chất phải bãi bỏ cả điều kiện kinh doanh với một ngành chứ chỉ cắt giảm vài quy định, thủ tục hồ sơ, giấy tờ thì chưa thể gọi là cắt giảm điều kiện kinh doanh. Điều này dẫn tới độ vênh giữa báo cáo bộ, ngành và cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp. 

"Cắt giảm điều kiện kinh doanh chỉ là một phần, hiện chưa có động thái nào liên quan đến cải cách thêm ở bên dưới để xử lý tình trạng bộ, ngành đẻ thêm các điều kiện kinh doanh mới, đồng thời giám sát việc phát sinh điều kiện kinh doanh mới", ông Đồng nhấn mạnh.

Viện trưởng IPS cho rằng cần thay đổi tư duy của cơ quan ban hành điều kiện kinh doanh, vì Chính phủ thúc ép, các bộ, ngành, địa phương có thể cắt giảm nhưng chỉ là "phần ngọn còn phần gốc" chưa thay đổi nền tảng, cơ chế đẻ ra điều kiện kinh doanh bên dưới vẫn còn nguyên, chưa được cải cách. 

Hiện có tình trạng mâu thuẫn lợi ích khi cơ quan ban hành điều kiện kinh doanh chính là cơ quan cấp phép, dẫn đến việc các bộ, ngành thích cài cắm điều kiện trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Thực trạng này phổ biến ở hầu hết các ngành như ngành in, kinh doanh phân bón, hóa chất... 

"Lợi ích làm cho các cơ quan ban hành, thực thi rất khó công tâm, vì đẻ ra một thủ tục giấy phép thì doanh nghiệp phải làm thủ tục, phải nộp hồ sơ, điều kiện càng mơ hồ thì doanh nghiệp càng dễ bị ách lại, buộc họ phải bôi trơn", ông Đồng cho hay.

Để quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh đi vào thực chất, ông Đồng khuyến nghị cần thay đổi theo hướng bộ, ngành ban hành quy định nhưng cơ quan thực thi thủ tục nên giao cho địa phương hoặc một văn phòng thực thi thủ tục hành chính, như vậy sẽ không còn lợi ích khi ban hành chính sách, các bộ, ngành sẽ thôi thiết kế ra những chính sách phức tạp.

Tin mới lên