Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.
Ngày 16/12/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”.
Tại báo cáo tháng 12/2020, theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988, Việt Nam (cùng với Thuỵ Sỹ) đáp ứng 3 tiêu chí và bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định là thao túng tiền tệ.
Về vấn đề này, trong thông cáo phát đi, Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.
"Việc Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia", phía Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Trong chỉ đạo mới nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ để duy trì đà quan hệ hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai nước.
Các tiêu chí Hoa Kỳ đặt ra để xác định một quốc gia "thao túng tiền tệ" gồm: (i) Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; (ii) Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; (iii) Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng. |
Lý giải về thặng dư thương mại lớn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng có nhiều lý do nhưng chủ yếu do cấu trúc của cán cân thương mại Việt Nam.
Cụ thể, các đặc trưng của Việt Nam về chi phí nhân công rẻ, lao động, tiếp nhận đầu tư nước ngoài, sử dụng tài nguyên... khiến giá hàng hoá xuất đi rất rẻ.
Liên quan đến thặng dư cán cân vãng lai (gồm 2 cấu phần: cán cân thương mại và các khoản chuyền tiền, chủ yếu là kiều hối), bên cạnh yếu tố xuất siêu, kiều hối cũng là yếu tố tác động mạnh. Tuy nhiên, theo TS Trương Văn Phước, đây là yếu tố khách quan, không phải vì tỷ giá cao hay thấp mà người Việt tại nước ngoài quyết định chuyển hoặc không chuyển tiền về.
Về vấn đề can thiệp trên thị trường ngoại hối, TS Trương Văn Phước nhấn mạnh hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua về mặt bản chất là quá trình chuyển đổi ngoại hối, bởi hiện nay pháp luật ngoại hối Việt Nam không cho phép dùng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trong nước. Nhà đầu tư chuyển ngoại tệ vào Việt Nam kinh doanh thì phải chuyển đổi ra tiền đồng.
Do đó, nguồn tiền thu được từ xuất khẩu hay nguồn tiền kiều hối chuyển về nước cũng phải đổi qua tiền đồng để sử dụng.
Ngoài ra, TS Trương Văn Phước còn cho rằng tiền đồng thậm chí còn mất giá rất chậm so với USD, bởi nhiều năm Việt Nam lạm phát cao đến 5-6% nhưng tiền đồng chỉ mất giá 1-2%, trong bối cảnh lạm phát của Hoa Kỳ rất thấp, chỉ chưa đến 2%.
Đồng quan điểm trên, TS Trần Du Lịch khẳng định Việt Nam chưa bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền theo kiểu thao túng tiền tệ để cạnh tranh xuất khẩu. Lý do là kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công nên nếu phá giá đồng tiền sẽ khiến tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, chưa kể còn tăng nợ quốc gia tính bằng tiền đồng.
Vị chuyên gia cũng cho rằng thặng dư thương mại lớn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chủ yếu là do cơ cấu xuất khẩu. Những hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh với doanh nghiệp Hoa Kỳ trên thị trường Hoa Kỳ, tạo điều kiện để người tiêu dùng của Hoa Kỳ được sử dụng hàng hóa rẻ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chỉ mới xuất siêu trong mấy năm gần đây, do đó, cán cân vãng lai chủ yếu được cân đối bằng các nguồn ngoại tệ khác không phải từ thương mại, chẳng hạn như kiều hối.
Dòng kiều hối chuyển về nước để đầu tư và tiêu dùng đều phải được chuyển sang đồng Việt Nam, nên việc Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ ròng thực sự là dịch vụ đổi tiền để phục vụ hoạt động thanh toán trong nước, không phải là công cụ thao túng đồng tiền.
Nêu quan điểm trên trang cá nhân, ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần FPT cho rằng nên nhìn việc Việt Nam bị Mỹ gắn mác "thao túng tiền tệ" theo hướng tích cực. Bởi 3 quốc gia trước đây bị Mỹ gán nhãn "thao túng tiền tệ" là Hàn Quốc (1988), Đài Loan (1988) và Trung Quốc (1992-1994, 2019) đều là những "con rồng châu Á", cho thấy dấu hiệu tốt về sự phát triển kinh tế của đất nước.
Bên cạnh đó, cả Hàn Quốc, Đài Loan (1988) và Trung Quốc (2019) đều chỉ mất có 1 năm là có thể giải quyết xong vấn đề "thao túng tiền tệ" bằng cách rút bớt lượng mua ròng ngoại tệ xuống dưới 2% GDP, từ đó không đáp ứng các tiêu chí "thao túng tiền tệ" và được gỡ bỏ mác "thao túng tiền tệ". Việt Nam hoàn toàn có thể làm như vậy.
Trên quan điểm của người làm nghề chứng khoán, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI nhìn nhận rằng việc thị trường chứng khoán tăng mạnh trong hôm thứ Sáu sau thông tin Hoa Kỳ sẽ áp thuế bổ sung với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam do Việt Nam bị gắn mác "thao túng tiền tệ" hàm ý có thể vấn đề không quá tiêu cực bởi "thị trường luôn đúng và luôn có lý lẽ hơn mọi dự báo của các chuyên gia".
Ông Hưng cho rằng Việt Nam nên biến nguy thành cơ, không sa đà vào trả đũa thương mại mà nên tận dụng cơ hội này để tiến hành đàm phán một hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ, trên cơ sở của Hiệp định CPTPP và bổ sung thêm điều khoản về tỷ giá tương tự như Hiệp định USMCA (Hiệp định thương mại Hoa Kỳ - Mexico - Canada). Đây là hướng đi lâu dài phù hợp với quan hệ đối tác toàn diện của 2 nước.
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.