Diễn đàn VNF

Cổ phiếu trong nước giảm sàn la liệt, nhà đầu tư ngoại vẫn lạc quan

Trước những thông tin tiêu cực về dịch Covid-19, Chủ tịch Dragon Capital nói với phóng viên vẫn lạc quan về thị trường chứng khoán và sức mạnh nội tại của nền kinh tế Việt Nam.

Cổ phiếu trong nước giảm sàn la liệt, nhà đầu tư ngoại vẫn lạc quan

Tình hình dịch bệnh phức tạp khiến các nhà đầu tư nội đồng loạt bán tháo, thị trường mất điểm. Ảnh: Reuters.

Thông tin xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi gây e ngại cho nhà đầu tư nội, lực bán dâng cao khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh. Riêng trong phiên giao dịch hôm 27/7, chỉ số VN-Index lao dốc 5,3%, mất 44 điểm, lùi về mốc 785 điểm.

Tuy nhiên, trả lời phóng viên, ông Dominic Scriven, chủ tịch Dragon Capital, nhận định "đà giảm của thị trường không kéo dài" và tỏ ra lạc quan về khả năng phục hồi nhanh chóng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Dominic Scriven là một trong những nhà đầu tư ngoại đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam. Quỹ Dragon Capital của ông đã đồng hành với thị trường Việt Nam trong 26 năm qua, 6 năm trước khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động hồi cuối tháng 7/2000.

Phục hồi nhanh

"Dịch bệnh tác động đến rất nhiều ngành nghề. Tuy nhiên, vẫn có một số ngành không bị ảnh hưởng và thậm chí hưởng lợi. Các nhà đầu tư cần có trách nghiệm và nghĩa vụ phân tích. Trước khi phân tích, nên chờ thêm những thông tin tiếp theo về đợt bùng phát mới này", ông Scriven bình luận.

"Nói riêng về Dragon Capital thì chúng tôi không làm gì trong hôm nay (phiên giao dịch ngày 27/7 - PV)", Chủ tịch Dragon Capital tiết lộ.

Theo ông Scriven, trước tác động của dịch bệnh, các ngân hàng trung ương và cơ quan tài chính trên khắp thế giới đã đưa ra những biện pháp mạnh tay như nới lỏng tiền tệ, tăng thanh khoản.

"Điều đáng ngạc nhiên là hầu hết thị trường chứng khoán trên toàn cầu phục hồi với tốc độ nhanh. Có nhiều yếu tố dẫn đến xu hướng này. Một trong số đó là do một bộ phận nhà đầu tư chỉ mua vào khi giá xuống. Vì vậy đây là cơ hội đối với họ", ông Scriven giải thích.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của quý II/2020, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 17,8%. Đây là mức tăng trung bình hàng quý lớn nhất kể từ quý I/1987. Trong khi đó, S&P 500 cũng có mức tăng quý mạnh nhất tính từ quý IV/1998. Nasdaq Composite tăng 30,6%, mức lớn nhất kể từ năm 1999.

Dịch Covid-19 thúc đẩy một số ngành nghề, trong khi nhiều ngành nghề khác đứng trước sự thay đổi lớn. "Khi không di chuyển quốc tế, nhiều người chuyển sang đi du lịch trong nước. Một số lĩnh vực như y tế và thương mại điện tử cũng được thúc đẩy bởi dịch Covid-19. Ngoài ra, ngành vận tải và dịch vụ ăn uống có thể thay đổi", ông Scriven nói nhận định.

Vàng và chứng khoán cùng tăng

Giá vàng thường được thúc đẩy bởi sự lao dốc của thị trường chứng khoán. Nguyên nhân là giới đầu tư muốn tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn, trong đó có vàng. Tuy nhiên, đợt khủng hoảng vì dịch Covid-19 chứng kiến sự gia tăng của cả thị trường cổ phiếu, trái phiếu, vàng và bất động sản ở một số nơi.

Giải thích về hiện tượng này, ông Scriven cho rằng trong cuộc khủng hoảng 10 năm trước, hệ thống tài chính và ngân hàng của rất nhiều nước trên thế giới bị mất khả năng hoạt động. "Hay nói đúng hơn là giới đầu tư lo ngại rằng hệ thống tài chính sẽ sụp đổ. Điều này khiến họ đổ tiền vào những nơi an toàn hơn, đẩy giá vàng tăng mạnh", chủ tịch Dragon Capital giải thích.

Trong các cuộc khủng hoảng trước đó, giới đầu tư đổ tiền mua vàng như một tài sản trú ẩn an toàn. Ảnh: Chí Hùng.

Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng lần này, theo ông, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã đảm bảo rằng hệ thống tài chính sẽ hoạt động bình thường. Yếu tố sợ hãi đã không còn chi phối giới đầu tư.

"Lần này, nỗi sợ hãi không còn là nguyên nhân. Tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu là về tiền tệ", ông Scriven nhận định. Các gói hỗ trợ lớn của hàng loạt chính phủ trên khắp thế giới có thể tạo ra lạm phát và ảnh hưởng đến giá vàng. "Khi cung tiền toàn cầu tăng mạnh, khó mà thoát được khả năng lạm phát trong các năm tới", ông nói thêm.

Đừng để trứng trong cùng một giỏ

Với kinh nghiệm hơn 20 năm đồng hành cùng thị trường chứng khoán Việt Nam, vị chủ tịch quỹ đầu tư cho rằng đà giảm của thị trường không kéo dài.

Theo ông, dù đợt bùng phát mới tạo ra cú sốc, chúng ta vẫn "đủ khả năng dự đoán sức ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế và có các biện pháp giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi".

Tuy nhiên, theo ông Dominic Scriven, đây vẫn là một bài học lớn đối với các nhà đầu tư về quản trị rủi ro, bao gồm rủi ro tài chính và rủi ro phi tài chính.

"Kỹ năng then chốt trong đầu tư chứng khoán là đa dạng hóa danh mục đầu tư. Đừng bao giờ để tất cả trứng trong một giỏ", ông Scriven chia sẻ.

Ông Dominic Scriven trong cuộc phỏng vấn với phóng viên.

"Từ đầu đến giờ, Dragon Capital vẫn luôn theo đuổi chính sách đa dạng hóa. Như vậy, trước những thách thức bất ngờ như dịch bệnh, chúng ta vẫn chịu ảnh hưởng chung nhưng không bị ảnh hưởng quá lớn", ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Scriven, báo chí nước ngoài gần đây dành nhiều lời khen cho Việt Nam về cách đối phó với đại dịch và sức mạnh nội tại của nền kinh tế. "Sự kiện này đã thay đổi cái nhìn đối với Việt Nam của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một thị trường đáng để đổ vốn", ông nhận định.

Theo ông, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc và bức xúc cần tháo gỡ và hoàn thiện.

"Tuy nhiên, không cần quá lo lắng về điều này vì đây là những vấn đề mà bất cứ thị trường chứng khoán nào cũng cần đối mặt. Sau hơn 20 năm sống cùng chứng khoán Việt Nam, có được, có mất, có buồn, có vui, với tôi, đó là một hành trình thú vị", ông chia sẻ.

Tin mới lên