Công ty tài chính đang 'hái ra tiền' cho các ngân hàng

H.M - 16/08/2018 14:58 (GMT+7)

Thị trường cho vay tiêu dùng phát triển mạnh giúp các ngân hàng sở hữu công ty tài chính ghi nhận các khoản lãi lớn hàng nghìn tỷ đồng từ hoạt động này. Đặc biệt đây đều là các ngân hàng tập trung rất mạnh vào mảng bán lẻ và khách hàng cá nhân.

VNF
Công ty tài chính đang được coi là "gà đẻ trứng vàng" cho các ngân hàng.

Nửa đầu năm tài chính 2018, ngân hàng tiếp tục trở thành lĩnh vực kinh doanh hiệu quả nhất với hàng loạt khoản lãi lớn từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, đóng góp hầu hết vào tăng trưởng của các ngân hàng vẫn là nguồn thu từ tín dụng cho vay, tuy nhiên tại một số ngân hàng, nguồn lợi nhuận chính lại đến từ hoạt động cho vay tiêu dùng từ các công ty tài chính thành viên.

Công ty tài chính “hái ra” tiền cho ngân hàng

Trong nhóm ngân hàng thương mại niêm yết hiện nay có 3 nhà băng ghi nhận lợi nhuận từ mảng cho vay tiêu dùng qua công ty tài chính gồm VPBank, HDBank và MBBank. Cả 3 ngân hàng này nửa năm qua đều nằm trong nhóm 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống. MBBank thu về khoản lợi nhuận lên tới 3.829 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức lợi nhuận cao nhất mà nhà băng này tạo ra được trong nửa năm tài chính.

Trong khi đó, VPBank thu về khoản lợi nhuận trước thuế tăng 34%, đạt 4.375 tỷ đồng, cũng là kỷ lục lợi nhuận nửa năm của ngân hàng này. Còn con số bên phía HDBank là 2.063 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái.

Đóng góp vào những khoản lợi nhuận nghìn tỷ này phải kể tới lợi nhuận lớn tới từ công ty tài chính thành viên chuyển về ngân hàng mẹ. Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank cho biết mục tiêu lợi nhuận năm 2018 của ngân hàng là 10.800 tỷ đồng và gần 50% đến từ Công ty tài chính FE Credit. Theo ông Lưu Trung Thái - Tổng Giám đốc MBBank, dự kiến lợi nhuận năm 2018 MBBank tăng khoảng 47% so với năm trước và có sự đóng góp lớn từ Công ty tài chính Mcredit.

Cho vay nhỏ, thu lãi lớn

Một điểm đáng chú ý trong hoạt động cho vay tiêu dùng chính là dư nợ tín dụng của các công ty này chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với dư nợ ngành ngân hàng nhưng lại mang tới khoản lợi nhuận rất lớn.

Tại VPBank, nơi công ty tài chính vốn được coi là “gà đẻ trứng vàng”, đóng góp tới 50% tổng lợi nhuận thì dư nợ cũng chỉ chiếm khoảng 22% cho vay. Lãnh đạo Fe Credit cho biết tăng trưởng tín dụng nửa năm qua đạt gần 4%, tương đương 45.000 tỷ đồng dư nợ cho vay.

Tại HDBank, Công ty tài chính HD Saison với dư nợ ước tính khoảng 9.900 tỷ đồng. Tuy vậy, công ty tài chính này 6 tháng qua mang về cho ngân hàng hơn 400 tỷ đồng, tương đương 20% tổng lợi nhuận hợp nhất và tăng 70% so với cùng kỳ.

Tại MBBank, theo tính toán dư nợ tại Công ty tài chính Mcredit của ngân hàng này hiện chỉ chưa tới 1.000 tỷ đồng nhưng dự kiến năm 2018 sẽ đóng góp cho ngân hàng mẹ khoảng 300 tỷ đồng lợi nhuận.

Vẫn là “gà đẻ trứng vàng”

Mảng cho vay tiêu dùng “béo bở” và đầy tiềm năng khiến các ngân hàng không ngừng tìm cách gia tăng thị phần, trong khi các nhà băng khác cũng muốn thành lập công ty tài chính mới để nhảy vào thị trường này. Mới đây nhất, tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB cho biết công ty tài chính của ngân hàng này đang trong giai đoạn tuyển dụng nhân sự, hoàn thiện cơ cấu tổ chức… và dự kiến sẽ đi vào hoạt động ngay trong tháng 7 năm nay.

Vietcombank có kế hoạch sau khi bán một phần vốn của công ty cho thuê tài chính trực thuộc sẽ thành lập công ty tài chính tiêu dùng. Vietcombank thoái hơn 10,9% vốn tại Công ty Tài chính Ximăng vào cuối năm 2017. Bên cạnh đó, SeABank đã chính thức mua lại Công ty tài chính Bưu điện từ Tập đoàn VNPT.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài như Credit Suisse, Deutsche Bank, Lion Asia... cũng không ngừng tìm cách “nhảy” vào thị trường đầy tiềm năng này bằng các thương vụ M&A hay ra quyết định đầu tư trong thời gian qua.

Tại Việt Nam, thị trường tài chính tiêu dùng dù phát triển được 10 năm và chuẩn bị cán mốc 1 triệu tỷ đồng nhưng mới chỉ dừng lại ở bước khởi đầu khi mới chỉ có 5-6 công ty tài chính thực sự hoạt động.

Ước tính, hiện chỉ khoảng 1/4 nhu cầu vay tiêu dùng của khách hàng được đáp ứng trong khi hầu hết người dân ở nông thôn, khu công nghiệp, dân nghèo thành thị... - đối tượng chính của tài chính tiêu dùng vẫn còn khá xa lạ với hình thức vay vốn này. Bởi vậy, với các điều kiện thuận lợi như hiện nay, không khó để tin vào một tương lai khá xán lạn cho thị trường tài chính tiêu dùng và dự kiến, đây vẫn là “gà đẻ trứng vàng” cho các ngân hàng sở hữu trong vòng một thập kỷ tới.

Theo Lao động
Cùng chuyên mục
Tin khác