Đại gia Thái mua cổ phần Nước mặt sông Đuống: Chỉ nên cho phép tư nhân tham gia công đoạn sản xuất nước
Thu Trang -
08/11/2019 16:55 (GMT+7)
Trao đổi về thông tin nhà đầu tư Thái Lan vừa mua lại 34% Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) cho rằng, đây là vấn đề an ninh quốc gia, Việt Nam nên cho phép tư nhân tham gia một công đoạn đầu tiên về sản xuất, còn 2 công đoạn sau liên quan đến phân phối và truyền tải, bán lẻ cho người dùng thì Nhà nước cần độc quyền.
- Nhà đầu tư Thái Lan đã mua 34% cổ phần của Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống. Theo ông, đối với thị trường cung cấp dịch vụ công thiết yếu, trong đó có thị trường nước, có nên đặt vấn đề tư nhân trong nước hay tư nhân nước ngoài không?
Thị trường nước sạch trên thế giới thường được tổ chức theo 3 mô hình, trong đó, đa phần là nhà nước nắm toàn bộ quyền cung cấp nước, bên cạnh đó là mô hình kết hợp giữa nhà nước và tư nhân, hoặc mô hình tư nhân cung cấp hoàn toàn.
Nhiều nước trên thế giới cho rằng, hạ tầng cung cấp nước là một trong những phần quan trọng của an ninh quốc gia. Vì vậy, đa phần các quốc gia không chọn giải pháp cho phép nhà đầu tư nước ngoài cung cấp, mà chỉ để cho các doanh nghiệp trong nước tham gia.
- Trong bối cảnh hành lang pháp lý còn chưa đầy đủ như hiện nay, Việt Nam có nên cho tư nhân nước ngoài tham gia thị trường dịch vụ công thiết yếu như nước sạch?
Tôi cho rằng, với bối cảnh hiện nay, Việt Nam nên cho phép tư nhân tham gia một công đoạn đầu tiên về sản xuất, còn 2 công đoạn sau liên quan đến phân phối và truyền tải, bán lẻ cho người dùng thì Nhà nước cần độc quyền. Lý do là các công đoạn này sẽ liên quan về chất lượng, tối ưu hóa chi phí về hạ tầng, cũng giống như điện, nếu các doanh nghiệp tư nhân đều tham gia thì sẽ không hiệu quả.
Tuy nhiên, trong bối cảnh huy động nguồn ngân sách để đầu tư cho cấp nước còn khó khăn, thì việc huy động tư nhân tham gia được khâu đầu tiên và kiểm soát khâu đó như thế nào là một câu hỏi khá lớn.
- Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm gì của thế giới trong việc lấp lỗ hổng pháp lý liên quan đến thị trường cung ứng nước sạch, thưa ông?
Nước Anh sau năm 1989 đã tư nhân hóa hoàn toàn dịch vụ cung cấp nước sạch, nhưng vẫn có một cơ quan giám sát. Cơ quan đó sẽ xác định, đánh giá, xem xét và quyết định giá nước, chứ doanh nghiệp tư nhân không có quyền đưa ra giá nước.
Việt Nam cần có luật về dịch vụ công. Ngoài phần luật, thì phải xem xét việc thực thi như thế nào. Hiện chúng ta đã có Nghị định số 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Về khung khổ pháp lý, chúng ta thiếu một luật định hình nguyên tắc, tổ chức dịch vụ công. Quốc hội muốn xây dựng luật phải mất vài năm, nên cần cân nhắc một nghị quyết hướng dẫn tạm thời các nguyên tắc về dịch vụ công.
- Nghị quyết chỉ đưa ra các nguyên tắc và chúng ta vẫn cần phải xây dựng nghị định và luật riêng về vấn đề này?
Nghị quyết cần nhìn thị trường nước sạch ở thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM sẽ khác với vùng hoàn toàn chưa có thị trường nước sạch ở nông thôn. Ở những vùng chưa có thị trường thì có thể tư nhân tham gia 100%, chứ không nhất thiết phải Nhà nước độc quyền.
Một nghị quyết sẽ đặt ra được các nguyên tắc như vậy và nghị định sẽ xử lý các vấn đề tiếp theo như việc tổ chức thị trường, giai đoạn nào tư nhân tham gia cạnh tranh, những quy định cụ thể cho từng mô hình đô thị và nông thôn, giữa vùng có sẵn hạ tầng với vùng mới hoàn toàn... Song nghị định chỉ có thể khắc phục những lỗ hổng tạm thời, còn về dài hạn thì chúng ta phải có luật.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone