ĐBQH Phạm Văn Hoà: ‘ACV là Công ty cổ phần, giao đất quốc phòng là rất khó’

Đinh Tịnh - 26/03/2019 10:26 (GMT+7)

(VNF) - Hiện sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải với 35 triệu lượt khách/năm (trong khi công suất nhà ga chỉ đạt 25 triệu lượt khách). Hiện Thủ tướng đã đồng ý các phương án mở rộng nhà ga do tư vấn ADP-I (Pháp) thiết kế, nhưng không hiểu sao Bộ giao thông vận tải vẫn chưa triển khai mà lại đưa ra một thiết kế khác, trái với kết luận của Thủ tướng.

VNF
Ảnh ĐBQH Phạm Văn Hoà - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Liên quan đến vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Phạm Văn Hoà - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Xin ông cho biết quan điểm cá nhân về đề án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, nếu theo Bộ GTVT phải 4 năm nữa mới hoàn thành sân bay, ông đánh giá như thế nào về mục tiêu này?

Như đã biết, trong 5 năm qua, tình hình quả tải tại sân bay Tân Sơn Nhất rất căng thẳng, vì vậy Quốc hội mới ban hành nghị quyết cho phép thành lập xây dựng sân bay Long Thành. Việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành tốn kém rất nhiều tiền. Trong khi đó, Tân Sơn Nhất lại không đảm bảo đáp ứng được nhu cầu hàng không Quốc tế.

Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định sân bay Tân Sơn Nhất đang chiếm vị trí rất quan trọng trong thời điểm hiện nay. Do đó, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là tình thế rất cấp bách, khẩn trương và cần thiết để đảm bảo việc tiếp đón hành khách nội địa và Quốc tế đến TP.HCM.

Hiện nay, Thủ tướng Chính Phủ cũng rất là “nóng lòng” trong việc chỉ đạo về tiến độ thực hiện mở rộng Tân Sơn Nhất. Việc Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đã có kết luận của Thủ tướng giao cho tư vấn ADP-I (Pháp) để nghiên cứu phương án là một việc rất đáng hoan ngênh. Việc giao cho tư vấn ADP-I là đảm bảo khách quan minh bạch cùng với đó là trình độ của tư vấn nước ngoài đảm bảo được việc mở rộng Tân Sơn Nhất

Ảnh: Cảng hàng không Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng quá tải

Ông đánh giá như thế nào về đề xuất của Tư vấn ADP-I (Pháp) và sự lựa chọn của Thủ tướng khi phê duyệt quyết định này?

Tôi xin nhắc lại là Thủ tướng đã 2 lần kết luận về phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và đều đồng ý với phương án của tư vấn ADP-I thì tại sao Bộ GTVT lại không chịu thực hiện. Đáng chú ý, tại thông báo kết luận số 142/TB-VPCP ngày 15/4/2018 Thủ tướng đã đồng ý với phương án này.

Nhưng sau đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ lại ký quyết định 1942/QĐ-BGTVT, ban hành ngày 31/8/2018 đề xuất với Chính phủ giao cho Tổng công ty Hãng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện dự án này.

Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ tiếp tục ra văn bản hoả tốc số 477/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vẫn chọn phương án mở rộng Tân Sơn Nhất của tư vấn ADP-I chứ không phải ACV. Điều này khẳng định phương án của tư vấn ADP-I là hiệu quả nhất.

Hiện Bộ GTVT đang đưa ra một phương án khác, vậy Bộ này có cố tình làm trái chỉ đạo của Thủ tướng không, thưa ông?

Tôi đã đọc cả 2 thông báo kết luận của Thủ tướng và quyết định của Bộ GTVT và thấy rằng, Bộ GTVT đang cố tình làm trái chỉ đạo của Thủ tướng. Thủ tướng đã đồng ý phương án của tư vấn ADP-I thì chẳng có lý do gì mà Bộ GTVT lại không thực hiện, có thể thấy rõ Bộ GTVT đang vi phạm chủ trương của cấp trên.

Bộ GTVT làm trái kết luận của Thủ tướng thì phải giải trình, báo cáo Thủ tướng lý do làm trái, tại sao lại chậm chễ việc như vậy?. Đặc biệt, cần phải làm rõ vai trò của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Một vấn đề khác nữa cũng rất đang quan tâm, đó là việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất có một quỹ đất với diện tích rất lớn là đất Quốc phòng đã được Thủ tướng đồng ý cho phép giao quỹ đất này cho TP.HCM và Bộ GTVT để thực hiện mở rộng Tân Sơn Nhất. Tôi cho rằng, đây là điều rất yếu và khách quan được nhân dân và các bộ ngành đã ủng hộ.

Ông đánh giá như thế nào về việc xây dựng nhà ga lưỡng dụng phục vụ chung cho cả quốc phòng và hàng không dân dụng (đón 10 triệu khách) tại Tân Sơn Nhất?

Hiện nay, sân Tân Sơn Nhất là sân bay lưỡng dụng vừa đảm bảo an ninh hàng không và cũng phải đảm bảo an ninh vùng trời phía Nam Tổ Quốc. Do đó, việc xây dựng nhà ga lưỡng dựng là rất cần thiết vừa đảm bảo được an ninh quốc phòng mà lại giảm tải được tình trạng quá tải hàng không dân dụng.

Mặt khác, nếu triển khai theo đề án của Bộ GTVT giao cho ACV là doanh nghiệp cổ phần (có yếu tố nước ngoài) thực hiện, thì việc giao đất cho ACV là rất khó.

Bởi việc giao đất quốc phòng phải tuân thủ các quy định của pháp luật theo luật đất đai, luật đầu thầu. Bộ GTVT không thể nói chọn ACV là có thể chọn được mà phải tuân thủ quy định của pháp luật.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Tin khác