Để giảm điểm nóng đất đai

TS. Nguyễn Văn Đáng - 28/05/2022 07:35 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 10/5/2022, phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh quản lý đất đai phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân, hiệu quả và công bằng, hài hòa lợi ích giữa các thế hệ, vùng, miền, địa phương.

VNF
Điểm nóng nhất trong chính sách đất đai ở nước ta hiện nay chính là phải bảo đảm công bằng xã hội cho các bên liên quan đến đất.

Điểm nóng đất đai trong cộng đồng

Ngày 4/5/2022, phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại một thực tế nan giải ở nước ta sau hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới là hiện vẫn có tới hơn 70% những vụ khiếu kiện, tố cáo liên quan đến đất đai. Những căng thẳng và mâu thuẫn xã hội kéo dài liên quan đến đất đai đã làm xuất hiện những “điểm nóng đất đai” trong cộng đồng. Do đặc thù thể chế đất đai ở nước ta, những điểm nóng đất đai chủ yếu nảy sinh giữa người dân và chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện chính sách thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Đất do tự nhiên sinh ra nhưng lại không thể gia tăng theo thời gian. Ngược lại, đất có thể bị mất đi bởi thiên tai hay biến đổi hệ sinh thái. Mỗi cá nhân hoặc nhóm có thể “mất đất” khi họ chuyển nhượng các quyền liên quan đến đất bởi việc lấy lại những mảnh đất đó là vô cùng khó, thậm chí là không tưởng với các nhóm yếu thế.

Tranh chấp đất đai trở thành vấn đề nóng trong các xã hội đang phát triển như ở nước ta không chỉ bởi giá trị kinh tế thuần túy. Mỗi mảnh đất đều gắn với vị trí địa lý cụ thể, hệ sinh thái và những giá trị tinh thần được tích lũy và bồi đắp theo thời gian. Sự thay đổi của mỗi mảnh đất có thể ảnh hưởng sâu sắc đến các quan hệ kinh tế - xã hội của mỗi cá nhân, nhóm, và cộng đồng xã hội.

Điểm chung giữa rất nhiều người giàu lên sau hơn 30 năm đất nước đổi mới là họ đều liên quan đến bất động sản nói chung và đất đai nói riêng. Những kẽ hở chính sách đã tạo cơ hội cho một số nhóm thuận lợi tiếp cận và thâu tóm đất đai, giúp họ giàu lên nhanh chóng. Trong khi đó, nhiều người không còn đất lại phải đối diện với khó khăn trong cuộc sống, ức chế về tinh thần do theo đuổi khiếu kiện kéo dài.

Thực tế nêu trên chỉ ra rằng hệ thống chính sách và quản lý đất đai đang tồn tại nhiều bất cập, góp phần làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về thụ hưởng những lợi ích từ đất đai. Tranh chấp, căng thẳng xã hội liên quan đến đất đai cũng từ đó mà ra.

Điểm nóng trong chính sách đất đai

Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII tiếp tục khẳng định chế độ sở hữu toàn dân với đất đai ở nước ta. Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và là chủ thể quản lý đất đai, mỗi người dân có các quyền sử dụng đất chứ không phải quyền sở hữu đối với đất. Thực tế hơn 30 năm đổi mới cho thấy chế độ sở hữu toàn dân giúp người dân Việt Nam có thể bình đẳng về cơ hội và quyền với đất đai nhưng lại cũng chính là yếu tố tạo ra rất nhiều thách thức trong việc bảo đảm công bằng xã hội.

Bởi thế, điểm nóng nhất trong chính sách đất đai ở nước ta hiện nay chính là phải bảo đảm công bằng xã hội cho các bên liên quan đến đất. Những lợi ích từ đất đai phải được phân phối đều khắp đến các nhóm xã hội, chứ không thể chỉ tập trung vào một số nhóm lợi thế như hiện nay. Chúng ta cần nhận thức rằng sự phát triển của một địa phương hay sự giàu lên của một số nhóm xã hội không thể phải trả giá bằng sự bần cùng của nhóm những người không còn đất. Chừng nào mà chính sách đất đai còn tạo ra khoảng cách lớn giữa kẻ được và người mất, chừng đó sẽ vẫn luôn xuất hiện các điểm nóng đất đai.

Điểm nóng thứ hai là “sự lỏng lẻo và mù mờ thể chế đất đai”. Điển hình nhất là chưa tách bạch vai trò chủ thể đại diện quyền sở hữu toàn dân và quyền quản lý của nhà nước với đất đai, chưa phân biệt quyền sử dụng đất công và quyền sử dụng đất tư để có hình thức quản lý phù hợp, chưa minh định cách tính giá trị đất sát thực tế khi bị thu hồi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội… Sự chưa cụ thể của các khái niệm pháp lý đã tạo cơ hội cho cán bộ thực thi chính sách diễn giải tùy tiện theo hướng có lợi cho hành động của mình, hình thành các quan hệ thân hữu, dễ tạo ra bất bình nơi những người bị thiệt hại.

Điểm nóng thư ba là việc đề cao vai trò của chính quyền trong quản lý và thực thi chính sách đất đai. Hiện nay, các chính quyền địa phương là chủ thể đầy quyền lực, có thể quyết định cả quy hoạch đất, quản lý và mục đích sử dụng đất, cũng như định giá đất. Những giao dịch quyền sử dụng đất là nhu cầu tất yếu trong nền kinh tế thị trường nhưng sự can thiệp sâu của chính quyền vốn đặc trưng bởi cơ chế hành chính, đã khiến thị trưởng trở nên méo mó. Đây cũng chính là đặc điểm có thể thúc đẩy sự lạm quyền trong thực thi chính sách, xâm phạm lợi ích công, tạo ra căng thẳng xã hội.

Hài hòa lợi ích và công bằng xã hội

Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định nguyên tắc nhất quán trong suốt hơn ba thập kỷ đổi mới, đó là: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 5 mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh yêu cầu quản lý đất đai phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân, hiệu quả và công bằng, hài hòa lợi ích giữa các thế hệ, vùng, miền, địa phương. Cũng có nghĩa, để giảm thiểu những điểm nóng đất đai thì việc tiên quyết là bảo đảm công bằng xã hội trong thụ hưởng các lợi ích liên quan đến đất đai.

Từ góc nhìn quản trị quốc gia, yêu cầu hài hòa lợi ích từ đất đai chỉ có thể thực hiện được thông qua các điều kiện thể chế để các chủ thể đa dạng có thể thực sự có tiếng nói và vai trò trong quy trình chính sách đất đai. Hệ thống quản trị đất đai hiện đại sẽ kết hợp được cả cơ chế hành chính, cơ chế thị trường, và cơ chế tự nguyện để các chủ thể có thể thực hiện các giao dịch quyền sử dụng đất một cách công khai, minh bạch dựa trên sự đồng thuận. Các quyết định chính sách đất đai không chỉ xuất phát từ lăng kính của chính quyền, hoặc bị chi phối bởi các nhóm lợi ích. Nhu cầu, nguyện vọng, mong đợi lợi ích của các nhóm xã hội đa dạng, đặc biệt là các nhóm yếu thế, cần phải là một yếu tố được tính đến trước mỗi quyết định chính sách đất đai.

Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII tiếp tục nhấn mạnh nhu cầu hiện đại hóa công tác quản lý và cung ứng dịch vụ đất đai. Thực tế cho thấy, bên cạnh việc đổi mới hệ thống quản lý nhà nước, chúng ta cần hướng đến xây dựng hệ thống quản trị đất đai hiện đại theo hướng giảm bớt sự can dự trực tiếp của chính quyền vào các quan hệ và giao dịch quyền sử dụng đất. Nhờ đó, những xung đột lợi ích liên quan đến đất đai sẽ được giải quyết thông qua sự cạnh tranh, thương lượng, và thỏa hiệp chứ không phải sự áp đặt của cơ chế hành chính.

Vai trò của chính quyền trong một nền quản trị đất đai hiện đại là ban hành và thực thi chính sách, phát triển thị trường quyền sử dụng đất công khai, minh bạch, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể tham gia thị trường, thực hiện hành động cần thiết để hỗ trợ các nhóm yếu thế, qua đó bảo đảm công bằng xã hội, chứ không nên can thiệp quá sâu và làm thay các chức năng của thị trường.

Cùng chuyên mục
Tin khác