Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập cho mọi doanh nghiệp bị phản ứng: Ban IV nói gì?

Ái Châu Tử - 17/09/2020 07:20 (GMT+7)

(VNF) – Đại diện Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết mục tiêu của việc đề xuất giảm 30% thuế thu nhập cho mọi doanh nghiệp năm 2020 là nhằm củng cố niềm tin và tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp.

VNF
Ban IV đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội phương án giảm 30% thuế thu nhập cho tất cả doanh nghiệp trong năm 2020

Như VietnamFinance đã thông tin, mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội phương án giảm 30% thuế thu nhập cho tất cả doanh nghiệp trong năm 2020.

Đề xuất này đã vấp phải sự phản biện của một số chuyên gia kinh tế, rằng việc mở rộng đối tượng hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 là không cần thiết, không hiệu quả và chưa đảm bảo yếu tố công bằng, thậm chí mang màu sắc “lobby chính sách” cho các doanh nghiệp lớn.

Xem thêm >>> “Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập cho mọi doanh nghiệp là không hiệu quả và thiếu công bằng”

Để rộng đường dư luận, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó giám đốc thường trực Văn phòng Ban IV, người phụ trách chính báo cáo của ban này:

- Bà có thể lý giải nguyên nhân của đề xuất trên?

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy: Từ đầu năm tới nay, Ban IV đã thực hiện 3 cuộc khảo sát về tình hình doanh nghiệp. Ở cuộc khảo sát đầu tiên (tháng 3/2020), gần 43% số doanh nghiệp được hỏi đã kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT và các loại thuế khác. Trong đó mức giảm thuế suất thuế TNDN được kiến nghị phổ biến là 50% cho cả năm 2019 và 2020.

Tại cuộc khảo sát lần 3 (tháng 8/2020), kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp lại được đề cập, mặc dù trước đó 2 tháng Quốc hội đã ra nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho các doanh nghiệp có doanh thu không quá 200 tỷ đồng. Mức kiến nghị giảm vẫn là 50% cho cả hai năm 2019 và 2020.

Như vậy, đề xuất của chúng tôi xuất phát từ nguyện vọng của các doanh nghiệp.

Về kết quả khảo sát lần 3, có 20% doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi, 2% doanh nghiệp đã giải thể và chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Ý kiến phản biện cho rằng chúng tôi đang đề xuất chính sách làm lợi cho nhóm 2% doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trong đó có các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, trong 2% này chỉ có 12,75% là doanh nghiệp lớn, còn 77,5% là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thực tâm, chính sách của chúng tôi không hướng tới nhóm 2% chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Chúng tôi quan tâm tới nhóm 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi. Chúng tôi đã thảo luận rất kĩ rằng có nên đề xuất gì để tạo động lực cho nhóm này không, bởi cứ tiếp tục thế này thì chỉ 3 – 6 tháng nữa, số doanh nghiệp giải thể sẽ gia tăng do mất cân đối thu chi nghiêm trọng.

Chúng tôi thấy rằng việc đề xuất giảm 30% thuế thu nhập cho mọi doanh nghiệp sẽ không làm nhóm 76% này hưởng lợi ngay nhưng đó sẽ là một “phần thưởng”, một động lực để họ nỗ lực kinh doanh, để họ vươn sang nhóm 2% chưa bị ảnh hưởng. Nếu nhóm 76% làm được như vậy, họ sẽ tạo ra hiệu ứng rất tốt cho toàn nền kinh tế.

Cũng cần nói thêm là khi làm khảo sát lần 3, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp sụt giảm niềm tin và động lực kinh doanh rất rõ. Giữa sự kì vọng và những đề xuất với Chính phủ và quyết sách thực tế có khoảng cách rất xa, dù Chính phủ đã rất nỗ lực, xây dựng nhiều gói hỗ trợ. Chúng tôi đề xuất như trên là để khuyến nghị Chính phủ thiết kế chính sách giúp củng cố niềm tin và tạo động lực cho doanh nghiệp.

- Vậy bà có bình luận gì về ý kiến phản biện của giới chuyên gia?

Tôi cho rằng hai bên có cách tiếp cận chính sách khác nhau. Các chuyên gia nhìn vào đối tượng hưởng lợi trực tiếp, còn chúng tôi mong muốn một động lực gián tiếp cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là nhóm 76% đang mất cân đối thu chi.

Khi đưa ra đề xuất giảm 30% thuế thu nhập cho mọi doanh nghiệp năm 2020, chúng tôi không định lượng nếu đề xuất được chấp thuận thì nhà nước mất bao nhiêu tiền. Thực tế, nếu để doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể thì nhà nước còn mất nhiều hơn.

- Về định lượng, Chính phủ ước tính nếu giảm 30% thuế thu nhập cho các doanh nghiệp có doanh thu năm 2020 dưới 200 tỷ đồng thì ngân sách hụt thu 23.000 tỷ đồng. Vậy nếu mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi, con số hụt thu sẽ là rất lớn, trong khi ngân sách nhà nước năm 2020 được dự báo là rất căng thẳng. Ban IV có nghĩ tới điều này không?

Bối cảnh kinh tế năm 2020 khác với năm 2019. Nếu doanh nghiệp có doanh thu âm thì nhà nước cũng không có thuế. Vậy nhà nước lựa chọn hành động như thế nào để có lợi?(!)

Trong báo cáo, chúng tôi đã cân nhắc đề xuất Chính phủ cân đối ngân sách và điều chỉnh mục tiêu thu – chi. Như hiện nay, các địa phương vẫn đang theo đuổi mục tiêu thu ngân sách nhà nước phải bù chi và thu phải đạt dự toán. Điều này khiến doanh nghiệp có thể bị tận thu thông qua tiền thuê đất và các khoản thuế, phí hoặc chịu nhiều đợt thanh – kiểm tra để rà soát tăng thu cho ngân sách.

Cách làm này càng khiến khó khăn của doanh nghiệp thêm “chồng chất” và khiến nền kinh tế chịu nhiều hậu quả cực kì khó khắc phục trong những năm tới đây.

- Về quan điểm phải hỗ trợ chi phí thay vì lợi nhuận, bà nghĩ sao?

Chúng tôi đã đề xuất cả hai hướng hỗ trợ. Bên cạnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, chúng tôi cũng đề xuất chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm dòng tiền chi ra, cụ thể là miễn, giảm, hoãn tiền bảo hiểm, phí công đoàn, không tăng lương tối thiểu, không ban hành phí mới…

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Cùng chuyên mục
Tin khác