'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính vừa đề xuất Chính phủ trình Quốc hội phương án giảm 30% thuế thu nhập cho tất cả doanh nghiệp trong năm 2020.
Đề xuất này của Ban IV thực chất là việc mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Trước đó, Quốc hội đã thông qua “Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác”, theo đó giảm 30% thuế thu nhập cho các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng.
Để góp thêm một góc nhìn đối với đề xuất của Ban IV, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô – Đại học Kinh tế Quốc dân:
- Theo ông, đề xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi thuế thu nhập của Ban IV có mang nhiều ý nghĩa đối với việc “giải cứu” cộng đồng doanh nghiệp?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Trước đây, tôi đã từng nhấn mạnh các biện pháp hỗ trợ như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là không hiệu quả và không thực chất. Bởi chính sách này chỉ giúp cho một số doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi, chứ không cứu được đa số doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong nền kinh tế hiện nay.
Kết quả khảo sát của chính Ban IV cũng chỉ ra những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt trong tình hình hiện nay và những tháng tới là: không có khách hàng, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ (chiếm 81% câu trả lời); đảm bảo tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn (chiếm 72%); trả tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi (chiếm 53%); trả tiền điện nước - nhiên liệu đầu vào (chiếm 45%) và trả tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng, thiết bị (chiếm 42%).
Như vậy, chính sách hỗ trợ phải hướng tới việc trợ giúp các doanh nghiệp về những khó khăn nêu trên. Nếu ngân sách có thì bù đắp/miễn giảm một phần những chi phí đó cho họ. Việc ưu đãi thuế thu nhập là không cần thiết.
- Vậy theo ông, đâu là động cơ để Ban IV đề xuất như trên?
Có thể thấy các thành viên của Ban IV đều là các đại diện của nhóm doanh nghiệp lớn. Những doanh nghiệp này không nằm trong diện được hưởng ưu đãi đợt I. Do đó, về bản chất, những đề xuất này mang tính có lợi cho những doanh nghiệp của những người đề xuất hơn là vì lợi ích chung của cả nền kinh tế.
Tất nhiên, việc các doanh nghiệp lobby cho chính họ là điều bình thường. Nhưng ở tổng thể lợi ích cộng đồng doanh nghiệp và lợi ích quốc gia, đề xuất này là chưa phù hợp.
- Ông nhìn nhận như thế nào về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng ưu đãi thuế thu nhập?
Theo kết quả khảo sát lần 3 của Ban IV, được thực hiện sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam, có 20% doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi, 2% doanh nghiệp đã giải thể và chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng do đại dịch.
Như vậy, việc ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ làm lợi cho nhóm 2% chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Vậy tại sao nhà nước lại phải dùng ngân sách để hỗ trợ cho họ? Họ đâu có gặp khó khăn mà phải cần hỗ trợ. Trong khi đó, nguồn lực ngân sách của năm nay và thậm chí là các năm tới là rất hạn hẹp.
Có thể nói việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là một phương thức hỗ trợ chưa đúng cách, làm lãng phí nguồn lực, đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp và khiến môi trường kinh doanh xấu đi.
Các doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc đứng trước nguy cơ phá sản vì gánh nặng chi phí sẽ cảm thấy bị phân biệt đối xử, rằng Chính phủ chỉ ưu đãi cho những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có lãi mà không quan tâm họ.
- Nguồn lực ít ỏi phải chăng là nguyên nhân sâu xa khiến Chính phủ khó lòng thực hiện các biện pháp hỗ trợ “thực chất” hơn?
Năm nay chi nhiều mà thu ít, Chính phủ đang phải tăng thâm hụt, tăng vay nợ để bù đắp. Vì vậy, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ chủ yếu mang tính động viên, khuyến khích thôi.
Cũng không ngoại trừ việc vì nguồn lực hạn hẹp mà Chính phủ buộc phải chọn những chính sách hỗ trợ “đỡ tốn kém” nhất, ví dụ như chính sách có ít đối tượng được thụ hưởng hay khó khăn về thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu các biện pháp cũ đã chưa làm hiệu quả thì không nên thiết kế thêm các biện pháp mới. Bởi việc hỗ trợ không đúng, không trúng sẽ chỉ tạo ra sự lãng phí và phản cảm đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
- Chính sách hạ lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn dường như cũng không thật hiệu quả. Góc nhìn của ông về vấn đề này?
Các ngân hàng thừa vốn nhưng cũng không thể hạ chuẩn cho vay, do đó doanh nghiệp nào có chất lượng tài sản kém, có phương án kinh doanh không tạo ra dòng tiền tốt đương nhiên sẽ khó tiếp cận khoản vay lãi thấp.
Nhưng nói vậy cũng để thấy chính sách tiền tệ thường không trợ giúp được các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Bản chất khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa hẳn đã là thiếu tiền để sản xuất mà là thiếu đầu ra cho sản phẩm. Không bán được hàng thì doanh nghiệp sẽ không có nhu cầu vay. Cầu vay đã không có thì lãi suất có giảm nữa cũng không có ai vay.
Mặt khác, những doanh nghiệp duy trì được sản xuất hay thậm chí kiếm lời được nhờ đại dịch sẽ hưởng lợi nhờ khoản vay giá rẻ. Và như vậy, chúng ta thấy, chính sách tiền tệ đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp này.
Chính sách tiền tệ đã trợ giúp cho họ thì không có lý do gì Chính phủ lại dùng chính sách tài khóa để hỗ trợ tiếp.
Vậy nên, nếu Chính phủ có nguồn lực, hãy hỗ trợ cho những lao động mất việc, những doanh nghiệp đang khó khăn theo hướng hỗ trợ chi phí chứ không phải là tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.