Doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư bao nhiêu cho kênh trực tuyến?

Gia Linh - 22/04/2019 06:15 (GMT+7)

Các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường đều có sự đầu tư phát triển công nghệ, mở rộng kênh bán hàng trực tuyến (online) nhằm đẩy mạnh hoạt động bán hàng, phục vụ yêu cầu của người tiêu dùng. Vậy chi phí cho việc đẩy mạnh bán hàng trực tuyến lớn thế nào?

VNF
Doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư bao nhiêu cho kênh trực tuyến? (Ảnh minh hoạ)

Theo tìm hiểu, chi phí đầu tư ban đầu cho mô hình trực tuyến không quá tốn kém, nhưng chi phí khai thác (đưa khách hàng đến trang bán sản phẩm) lại khá đáng kể.

“Khó có thể bóc tách riêng chi phí đầu tư cho phát triển kênh online, vì doanh nghiệp xây dựng một nền tảng công nghệ cho nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, số tiền đầu tư không quá nhiều, nhất là khi phần mềm bán hàng online do chính đội ngũ IT của công ty xây dựng và phát triển.

Tính chung, số tiền đầu tư cho cả hệ thống chỉ khoảng 500.000 - 600.000 USD. Tất nhiên, đây mới chỉ là số tiền đầu tư ban đầu và sẽ phải tốn kém thêm nữa vì các phần mềm công nghệ cần làm mới và chỉnh sửa liên tục”, lãnh đạo một công ty bảo hiểm nhân thọ chia sẻ.

Bên cạnh đó, số tiền đầu tư cho toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin, hệ sinh thái thương mại điện tử (bao gồm cả kênh bán hàng online) với một công ty bảo hiểm có quy mô lớn có thể lên tới 3 - 5 triệu USD, theo tìm hiểu của PV.

Về câu chuyện phát triển kênh trực tuyến, một chuyên gia trong ngành bảo hiểm chia sẻ chi phí đầu tư ban đầu cho mô hình bán hàng online không nhiều bằng chi phí khai thác. Bởi sau khi xây dựng, phát triển phần mềm bán hàng, doanh nghiệp phải tiếp tục đầu tư vào nhiều hình thức để quảng bá mô hình này tới khách.

Bên cạnh đó, nhiều công ty bảo hiểm lựa chọn mở rộng hợp tác với các trang thương mại điện tử để bán bảo hiểm online, chẳng hạn Bảo hiểm FWD đang hợp tác với Tiki.

“Hoạt động hợp tác với các kênh thương mại điện tử không quá tốn kém. Có hai hình thức đầu tư là ký kết hợp tác độc quyền chỉ được bán sản phẩm bảo hiểm của một công ty (chi phí hợp tác độc quyền thường rất cao nên hình thức này chưa phải là lựa chọn của các công ty bảo hiểm) và thứ hai là đưa sản phẩm bảo hiểm lên trang thương mại bán (đối tác được hưởng phí hoa hồng). Hầu hết các công ty bảo hiểm sẽ lựa chọn hợp tác theo hình thức này”, đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ cho biết.

Hiện tại, sau một thời nghiên cứu thị trường và nhu cầu của khách hàng, bắt đầu từ tháng 4/2019, Chubb Life Việt Nam sẽ chính thức triển khai giao dịch bảo hiểm trực tuyến. Như vậy, cùng với các công ty bảo hiểm nhân thọ như FWD, Prudential, Manulife, Generali, doanh nghiệp bảo hiểm đến từ nước Mỹ là Chubb Life - hãng bảo hiểm nổi tiếng với chiến lược phát triển thận trọng cũng đã chính thức bước vào “sân chơi” giao dịch bảo hiểm online.

Tương tự một số công ty bảo hiểm nhân thọ đã triển khai bảo hiểm online, trong giai đoạn đầu triển khai hình thức này, Chubb Life Việt Nam sẽ cung cấp sản phẩm bảo hiểm sức khỏe - Bảo hiểm Hỗ trợ điều trị ung thư - C Care qua kênh này. Toàn bộ quy trình giao dịch từ khâu khách hàng tìm hiểu sản phẩm cho đến phát hành hợp đồng đều được thực hiện trực tuyến/online trên trang web của công ty.

Việc triển khai hình thức bán bảo hiểm online không chỉ là kế hoạch đa dạng hóa kênh phân phối sản phẩm, mà còn là một bước tiến quan trọng trên hành trình “chuyển mình” trong thời đại 4.0. Chính vì thế, cùng với việc phát triển kênh online, Chubb Life cũng xây dựng một hệ sinh thái thương mại điện tử với các giao dịch trực tuyến tại trang thông tin hợp đồng bảo hiểm trực tuyến, gồm yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, điều chỉnh thông tin trong hợp đồng bảo hiểm…

Không riêng Chubb Life, Generali cũng đang phát triển Genova (ứng dụng thông minh 3 trong 1 hỗ trợ tư vấn viên trong việc quản lý thông tin, tư vấn tài chính và nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm) trở thành phần mềm cốt lõi để xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử. Chiến lược giai đoạn 2019 - 2021 của tập đoàn bảo hiểm đến từ nước Ý này nhấn mạnh việc sẽ dành riêng 1 tỷ euro để đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số toàn tập đoàn, trong đó có Việt Nam.

Với câu chuyện đầu tư vào trực tuyến, dù đang đẩy mạnh mô hình online, nhưng hiện tại các doanh nghiệp bảo hiểm không đặt nặng mục tiêu doanh thu, vì tỷ lệ doanh thu bảo hiểm trực tuyến còn rất nhỏ. Thậm chí, theo đánh giá của các chuyên gia, trong vài năm tới, doanh thu khai thác mới đến từ mô hình này vẫn ở dưới mức 10% tổng doanh thu.

“Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp bảo hiểm đang đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng một mô hình mới cho tương lai”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận.

Theo ĐTCK
Cùng chuyên mục
Tin khác