Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ 'sống khỏe'

Ngọc Thu - 01/06/2023 08:56 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trên sàn chứng khoán ghi nhận kết quả kinh doanh quý I/2023 khởi sắc ở cả hoạt động kinh doanh bảo hiểm lẫn hoạt động tài chính.

VNF

Hoạt động đầu tư đồng loạt khởi sắc

Nhìn chung, kết quả kinh doanh quý I/2023 của các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên sàn chứng khoán đều khả quan với phần lớn doanh thu thuần từ hoạt động cốt lõi ghi nhận tăng trưởng dương. Trong đó, phân nửa các doanh nghiệp bảo hiểm đạt tăng trưởng doanh thu thuần ở mức 2 chữ số và chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp có tăng trưởng âm.

Về lợi nhuận, 7/12 doanh nghiệp bảo hiểm đạt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phải kể đến trước tiên là 3 doanh nghiệp Tổng công ty Cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (HNX: VNR), Công ty Cổ phần PVI (HNX: PVI) và Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: ABI). VNR là doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận “khủng” nhất trong quý I, đạt 150% so với cùng kỳ (gấp 2,5 lần), tương đương đạt 237 tỷ đồng. Kết quả này đã hoàn thành phân nửa kế hoạch cả năm của VNR, có đóng góp của cả hoạt động kinh doanh bảo hiểm và hoạt động tài chính.

Hai doanh nghiệp còn lại là PVI và ABI đều có tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 2 chữ số, lần lượt là 18% và 26%, tương đương đạt 269 tỷ đồng và 70,7 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng của 2 doanh nghiệp đều đến từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và hoạt động tài chính. Riêng ABI, nhờ kiểm soát tốt chi phí trong kỳ, doanh nghiệp đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn PVI.

Các doanh nghiệp bảo hiểm như Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (HoSE: BMI), Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BIC), Công ty Cổ phần Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) lần lượt đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế là 3%, 5%, 7% và 8%, tương đương 73,5 tỷ đồng, 78,9 tỷ đồng, 546 tỷ đồng và 41 tỷ đồng, trong đó đa số nhận lực đẩy từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Cụ thể, ngoại trừ BVH có doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đi ngang trong quý I, 3 doanh nghiệp còn lại đều đạt tăng trưởng doanh thu thuần hoạt động cốt lõi ở mức 2 chữ số. Cụ thể, PTI đạt tăng trưởng doanh thu thuần 10%, BMI là 19% và BIC là 40%.

Bên cạnh hoạt động cốt lõi, hoạt động tài chính cũng là động lực tăng trưởng của 4 doanh nghiệp bảo hiểm nêu trên. Trong đó, riêng BVH có tăng trưởng doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 33%, tương đương gần 3.125 tỷ đồng, bù đắp cho hoạt động kinh doanh cốt lõi kém khả quan.

Dễ dàng nhận thấy, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nhóm tăng trưởng lợi nhuận đều có điểm chung là hoạt động tài chính khởi sắc. Trong đó, phần lớn lãi tiền gửi của các doanh nghiệp này đều đạt tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức cao trong giai đoạn cuối năm 2022 – đầu năm 2023.

Bên cạnh gam màu sáng, một số doanh nghiệp bảo hiểm trong quý I đã phải ghi nhận mức sụt giảm nặng nề trong lợi nhuận sau thuế. Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (UPCoM: BLI) và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (UPCoM: AIC) là 2 doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế sa sút nhiều nhất, lần lượt giảm ở mức 81% và 75%, tương đương đạt 24,6 tỷ đồng và 4 tỷ đồng.

Về BLI, dù hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt tăng trưởng so với cùng kỳ, tuy nhiên các chi phí trong kỳ như chi phí bồi thường, chi phí quản lý doanh nghiệp đều gia tăng hàng chục phần trăm, kèm theo hoạt động tài chính kém sắc làm BLI lọt vào nhóm sụt giảm lợi nhuận “thê thảm” nhất trong quý I. AIC dù quản lý chi phí tốt hơn BLI, tuy nhiên cả hoạt động kinh doanh bảo hiểm và hoạt động tài chính đều sa sút so với cùng kỳ, dẫn đến lợi nhuận sau thuế kém sắc.

Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm PVI (HNX: PRE) và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (HoSE: PGI) lần lượt có mức sụt giảm về lợi nhuận sau thuế trong quý I so với cùng kỳ ở mức 28% và 23%, tương đương đạt 36,5 tỷ đồng và 54,9 tỷ đồng. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc gia tăng các chi phí trong kỳ như chi phí bồi thường, chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp. Doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất có mức lợi nhuận đi ngang trong kỳ là Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (HoSE: MIG) với lãi sau thuế thu về là hơn 68 tỷ đồng.

Tương lai nào cho ngành bảo hiểm?

Tổng doanh thu phí bảo hiểm quý I/2023 ước đạt 59.458 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 39.588 tỷ đồng, tăng 3,1%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 19.870 tỷ đồng, tăng tới 15,2%. Trên thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên sàn chứng khoán, ngoại trừ BVH hoạt động kinh doanh cả bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, đều hoạt động chính trong lĩnh vực phi nhân thọ vốn kinh doanh khởi sắc trong quý vừa qua.

Tuy nhiên, luỹ kế 4 tháng đầu năm 2023, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 52.049 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.289 tỷ đồng, tăng 2,55% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đều đã giảm tốc trong tháng 4/2023.

Đây cũng là thời điểm xảy ra nhiều lùm xùm liên quan đến ngành bảo hiểm, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người tiêu dùng. Niềm tin là yếu tố tiên quyết ảnh hưởng tới quyết định mua sản phẩm bảo hiểm. Việc niềm tin của người tiêu dùng bị lung lay sẽ tác động đến cầu các sản phẩm bảo hiểm trên thị trường, không chỉ lĩnh vực liên quan trực tiếp đến các vụ lùm xùm như bảo hiểm nhân thọ mà lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ cũng khó tránh khỏi tác động dù mang tính gián tiếp hơn.

Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tự tin với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm 2023. Trong đó, MIG là doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ nhất ở mức 75% so với mức thực hiện năm 2022. Nhiều doanh nghiệp khác như PRE, BIC, PGI đều có kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 2 chữ số 10% – 22%. Thận trọng hơn, BMI và VNR chỉ lên kế hoạch tăng trưởng ở mức 9% và 5%. Phần ít doanh nghiệp bảo hiểm còn lại, hoặc là dự kiến lợi nhuận đi lùi, đi ngang hoặc chưa công bố kế hoạch.

Trong một báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng tăng trưởng phí bảo hiểm phi nhân thọ của ngành sẽ dần được cải thiện trong phần còn lại của năm khi các chính sách hỗ trợ mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã triển khai trong những tháng gần đây nhằm kích thích nền kinh tế bắt đầu phát huy tác dụng. VNDirect cũng kỳ vọng các dòng bảo hiểm công nghiệp và thương mại như bảo hiểm tài sản và thiệt hại sẽ tăng trưởng tốt hơn so với các dòng bảo hiểm cá nhân, do bảo hiểm công nghiệp và thương mại sẽ được hưởng lợi từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công và dòng vốn FDI vẫn bền vững.

Cùng chuyên mục
Tin khác