Đổi tên từ trạm thu phí sang trạm thu giá: Sự máy móc của Bộ Giao thông vận tải
Lê Nguyễn -
23/05/2018 14:06 (GMT+7)
(VNF) – Việc Bộ Giao thông vận tải đổi tên các trạm thu phí thành trạm thu giá đã và đang tạo ra những phản ứng gay gắt trong dư luận xã hội. Trong khi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể giải thích việc đổi tên là làm theo quy định của Chính phủ thì không ít ý kiến lại cho rằng việc dùng từ “thu giá” là máy móc, thậm chí sai về ngữ nghĩa.
Ngày 22/5, trả lời báo chí tại hành lang Quốc hội về vấn đề đổi tên trạm thu phí sang trạm thu giá, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết “Đó là quy định của Chính phủ, chuyển từ Bộ Tài chính sang Bộ Giao thông vận tải. Mình phải xem BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp, mà doanh nghiệp thì ấn định giá. Còn phí thì mang tính chất nhà nước. Chỉ thế thôi”.
Bình luận về việc sử dụng từ “trạm thu giá” thay cho “trạm thu phí”, dịch giả Nguyễn Việt Long cho biết: “phí”về bản chất là một khoản tiền phải nộp cho một vụ việc nào đó còn giá là giá trị quy đổi ra tiền tệ. Giá là khái niệm trừu tượng, không phải vật cụ thể cầm nắm được để thu nên không thu được.
“Từ điển tiếng Việt giải thích giá là biểu hiện giá trị bằng tiền. Từ ‘thu giá’ chẳng những không có trong từ điển mà nó còn phi logic. Chúng ta có thể nói thu tiền, thu phí, thu cước… nhưng không thể nói thu giá được”, ông Long khẳng định.
Theo ông Long, “phí” và “giá” không phải là hai khái niệm loại trừ nhau như Bộ Giao thông vận tải quan niệm để có thể thay thu phí bằng thu giá. Bằng chứng là trong “phí” luôn luôn có mức giá cao hay thấp. Chẳng hạn ta có thể nói phí dịch vụ này có các mức giá ưu đãi cho đối tượng nào đó (trẻ em, người già, người khuyết tật…). Còn không bao giờ ta nói "miễn giá" cả mà chỉ nói "miễn phí".
Đứng trên góc độ luật pháp, ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho hay pháp luật hiện hành có 2 đạo luật liên quan đến câu chuyện phí – giá là Luật phí, lệ phí và Luật Giá.
Luật Phí và lệ phí định nghĩa phí là khoản tiền trả cho dịch vụ công. Trước đây đường sá do nhà nước đầu tư thu tiền, nên gọi là phí sử dụng đường bộ. Đến khi tư nhân đầu tư xây đường thì đó không còn là dịch vụ công nữa, vì vậy nếu gọi là phí sử dụng đường bộ thì sẽ trái luật.
“Dịch vụ đường bộ lúc này trở thành một quan hệ dân sự, không còn là đối tượng của Luật Phí, lệ phí mà chuyển sang Luật Giá. Chính vì thế, nó được gọi là giá dịch vụ đường bộ (cũng giống như giá dich vụ spa, giá dịch vụ vận tải, giá dịch vụ du lịch...)
“Cái sai ở đây là mấy ông làm BOT và cả Bộ Giao thông vận tải đã máy móc. Đổi tên từ phí dịch vụ đường bộ sang giá dịch vụ đường bộ thì đúng nhưng đổi từ trạm thu phí thành trạm thu giá thì quả là máy móc”, ông Đức nhận định.
Theo ông Đức, nếu Bộ Giao thông vận tải muốn tránh từ "phí" thì vẫn có thể gọi là trạm thu, trạm thu tiền, trạm thu ngân. “Chứ quả thật là trạm thu giá thì nghe hài hước quá”, ông Đức nói.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.