Đồng tiền thông thái: Xây dựng thói quen tài chính tốt từ khi còn trẻ
Minh Nhật -
03/10/2024 11:28 (GMT+7)
(VNF) - Với chuỗi hoạt động hấp dẫn như talkshow, tọa đàm, và các cuộc thi tài chính sôi động, sự kiện “Đồng tiền thông thái” không chỉ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về giá trị đồng tiền mà còn thúc đẩy thói quen tài chính tốt từ thế hệ trẻ.
Trong hai ngày, 1 - 2/10, Học viện Ngân hàng phối hợp với Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức chuỗi sự kiện truyền thông giáo dục tài chính năm 2024 với chủ đề “Đồng tiền thông thái”. Chuỗi sự kiện được tổ chức tại Học viện Ngân hàng, dành cho tân sinh viên và sinh viên đang theo học tại các trường Đại học, Học viện và Cao đẳng khu vực Hà Nội.
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Lê Thị Thuý Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN cho biết: “Mục tiêu của chuỗi sự kiện năm nay là trang bị cho sinh viên trên địa bàn Hà Nội nói chung, tân sinh viên nói riêng những kiến thức cơ bản về tài chính - ngân hàng; lịch sử tiền tệ Việt Nam, hiểu về giá trị của đồng tiền; hướng dẫn cách tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, những lưu ý trong việc vay vốn ngân hàng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn chính thức cho người dân, giảm thiểu tín dụng đen...”.
Đồng thời, cung cấp thông tin về các quy định của pháp luật về tiết kiệm, hướng dẫn thủ tục, quy trình gửi tiết kiệm, những lưu ý, cảnh báo cho người dân trong việc gửi tiết kiệm; các quy định của pháp luật về hoạt động thanh toán, giới thiệu, hướng dẫn cách thức sử dụng các sản phẩm dịch vụ thanh toán; những lưu ý, cảnh báo trong sử dụng dịch vụ thanh toán nhằm đảm bảo an toàn, tránh rủi ro cho người sử dụng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng…
Chuỗi sự kiện bao gồm nhiều hoạt động hấp dẫn như: Talkshow tìm hiểu về đồng tiền Việt Nam; tọa đàm về giáo dục tài chính cho sinh viên; cuộc thi hiểu biết về tài chính; chương trình triển lãm gian hàng; các phần thi minigame hấp dẫn tại sân khấu ngoài trời.
Tín dụng tiêu dùng cá nhân là con dao hai lưỡi
Nằm trong chuỗi sự kiện này, đại diện ngân hàng VPBank đã đưa ra những cái nhìn rõ nét liên quan đến tín dụng tiêu dùng cá nhân.
Bà Lê Thị Minh Trang, trưởng phòng Quản lý sản phẩm đầu tư & phân khúc khách hàng trung lưu VPBank cho biết, nhiều người trẻ đang đối mặt với những khoản nợ chồng chất do chưa thực sự hiểu rõ về tín dụng tiêu dùng cá nhân.
“Nhiều bạn trẻ hiện có tâm lý ‘you only live once’ (bạn chỉ sống một lần trên đời). Cùng với đó, sự tiện lợi và đa dạng của các hình thức tín dụng tiêu dùng cá nhân như thẻ tín dụng, vay trả góp, vay cá nhân không thế chấp,… cũng đã đẩy nhu cầu và sự quan tâm đến tín dụng tiêu dùng cá nhân tăng một cách chóng mặt. Song, đi kèm với đó là nhiều rủi ro tiềm ẩn khi mà người dùng không thực sự hiểu hết về các hành thức tín dụng tiêu dùng”, bà Trang cho hay.
Bà Trang cho biết, rủi ro lớn nhất mà nhiều bạn trẻ phải đối mặt đó là không kiểm soát được chi tiêu và chi trả cho các khoản tín dụng, từ đó dẫn đến tình trạng “nợ chồng nợ”. Điều này dẫn đến áp lực tài chính và ảnh hưởng đến điểm tín dụng cá nhân, khiến việc vay vốn trong tương lai gặp khó khăn.
Đại diện của VPBank khuyến nghị, các bạn trẻ nên lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng về cách sử dụng tín dụng và chỉ nên vay khi thực sự cần thiết. Ngoài ra, cũng cần theo dõi và kiểm soát chi tiêu của bản thân, sử dụng các ứng dụng tài chính chuyên để theo dõi chi tiêu và thanh toán nợ đúng hạn. Cuối cùng, một khi quyết định sử dụng tín dụng, người trẻ nên đọc kỹ hợp đồng vay,hiểu rõ mức lãi suất và các khoản phí liên quan.
“Tín dụng tiêu dùng có thể thành con dao hai lưỡi. Các bạn trẻ hãy trở thành một ngươi tiêu dùng thông minh, hiểu rõ nhu cầu, sử dụng tín dụng trách nhiệm để xây dựng tương lai bền vững”, bà Trang nói.
Để không gặp rủi ro khi thanh toán không tiền mặt
Bên cạnh tín dụng tiêu dùng cá nhân, những thắc mắc liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt – một trong những hình thức thanh toán nhiều người trẻ sử dụng cũng được giải đáp tại chuỗi sự kiện trên.
Bà Nguyễn Thị Thúy Giang, Chuyên gia Phát triển sản phẩm, Khối Ngân hàng Bán lẻ, NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho biết, các sản phẩm dịch vụ thanh toán không tiền mặt (TTKDTM) đang được nhiều khách hàng lựa chọn sử dụng vì tính tiện dụng.
“Tính đến hết năm 2023, kết quả triển khai dịch vụ TTKDTM của Việt Nam là hơn 182 triệu TKTT (tài khoản thanh toán) cá nhân, khoảng hơn 80% người trưởng thành có TKTT, trong đó có 35tr TKTT mở bằng eKYC đang hoạt động (TKTT mở bằng eKYC tức là mở tk bằng phương thức điện tử). Bình quân hệ thống xử lí hơn 789 nghìn tỷ đồng/ngày. Một con số rất ấn tượng chỉ sau 3 năm triển khai TTKDTM”, bà Giang cho hay.
Không thể phủ nhận, TTKDTM rất tiện lơi, chẳng hạn như đi mua rau hay đi trà đá cũng có thể quẹt QR để chuyển khoản mà không cần cầm tiền. Tuy nhiên, song song với dịch vụ phát triển mạnh mẽ, người dùng cũng phải đối mặt với ngày càng nhiều các rủi ro khi sử dụng các dịch vụ TTKDTM. Không ít trường hợp bị mất tiền trong tài khoản, hack chuyển tiền sang ngân hàng khác hay thẻ tín dụng bị trừ tiền sau một đêm dù chính chủ không thực hiện giao dịch.
Đại diện SHB cho biết, để tránh rơi vào bẫy của tội phạm, người dùng không nên thực hiện bất kỳ yêu cầu nào từ người tự nhận là công an, cán bộ thuộc cơ quan nhà nước, cán bộ ngân hàng,…; không truy cập/nhập thông tin bảo mật của tài khoản ngân hàng vào trang web/ứng dụng lạ; không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link; không cung cấp thông tin bảo mật như mật khẩu đăng nhập, mã OTP, thông tin tài khoản, thẻ cho người khác.
Để giảm thiểu rủi ro bị mất tiền, người dùng nên tạo cho mình thói quen khi sử dụng app ngân hàng, bao gồm cài đặt hạn mức giao dịch online, hạn mức rút tiền, hạn mức chi tiêu tổng trong ngày; tăng cường sử dụng phương thức sinh trắc học; chỉ truy cập website chính thức/ứng dụng ngân hàng điện tử của ngân hàng; tắt quyền Trợ năng (Accessibility) trên các ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc không xác định an toàn.
Chuỗi sự kiện “Đồng tiền thông thái” năm nay được tổ chức nhằm thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các Đề án của Chính phủ (Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công); nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn chính thức, góp phần giảm thiểu tín dụng đen…
(VNF) - Cầu vượt qua cửa biển Thuận An đang dần được hoàn thành, trên vùng cửa biển mênh mông, cây cầu và tuyến đường nổi lên như 1 nét chấm phá tuyệt đẹp. Công trình cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy phát triển vùng ven biển Thừa Thiên Huế. Xin giới thiệu những hình ảnh mới nhất về cầu vượt biển dài nhất miền Trung của tác giả Minh Tú tham dự cuộc thi 'Đánh thức những miền đất'.