Đưa phát thải ròng về 0: Kỳ vọng vào tài chính xanh và công nghệ blockchain
TS Phạm Nguyễn Anh Huy -
12/01/2023 09:45 (GMT+7)
(VNF) - Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy, Giảng viên cấp cao Đại học RMIT, chia sẻ về các giải pháp công nghệ và tài chính bền vững có khả năng hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu trở thành một vấn đề toàn cầu nghiêm trọng, nhiều quốc gia đã và đang hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tại Việt Nam, Chính phủ đã có những nỗ lực vượt bậc trong việc chống lại biến đổi khí hậu bằng cách phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2016, theo đuổi Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và thực hiện Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, thành công của các biện pháp này còn phụ thuộc vào tác động kinh tế và tài chính của chúng lên các doanh nghiệp địa phương.
Theo kết quả sơ bộ của một dự án nghiên cứu mà tôi đang dẫn dắt, các lĩnh vực gây ô nhiễm có xu hướng bị "trừng phạt" sau khi Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Những kết quả này tương đồng với kết quả từ những nghiên cứu khác của chúng tôi tại các nước phát triển như Singapore và Pháp.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng một số doanh nghiệp tư nhân và FDI tại Việt Nam sử dụng các nguồn năng lượng gây ô nhiễm như than vẫn chưa bị pháp luật trừng phạt. Lợi nhuận của các công ty này thậm chí còn tăng lên khi sử dụng các nguồn năng lượng không thân thiện với môi trường. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần có cách tiếp cận chặt chẽ hơn nếu muốn đạt được các mục tiêu về môi trường đã đặt ra.
Bên cạnh nỗ lực quản lý, chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực tham gia vào thị trường trái phiếu xanh. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về phát hành trái phiếu xanh. Hơn 80% số trái phiếu này là trái phiếu chính phủ theo báo cáo Tài chính Bền vững ASEAN – Thị trường năm 2021 do Climate Bonds Initiative và HSBC công bố.
Sự tăng trưởng theo cấp số nhân của thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam, cũng như việc phân bổ số tiền thu được từ trái phiếu cho các dự án xanh đủ điều kiện đều là những tín hiệu tốt. Tuy nhiên, cần có cơ chế giám sát và định lượng hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính của các dự án này, hay nói cách khác là đo lường thành công của các dự án được tài trợ bởi trái phiếu xanh.
Chính phủ cũng đang có kế hoạch thí điểm hạn mức phát thải và mô hình mua bán phát thải từ năm 2025, nhưng mốc thời gian này có thể không đủ để giúp Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải năm 2030.
Để đạt được những mục tiêu trên, Việt Nam cần nỗ lực không chỉ của chính phủ mà còn của các bên liên quan khác như khu vực tư nhân. Nhiều công ty đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 nhưng hầu hết không có kế hoạch cụ thể để thực hiện điều đó.
Hiện tại, cách tiếp cận phổ biến nhất là thông qua thị trường bù đắp carbon và các công ty có thể mua bù đắp carbon để đạt được mục tiêu giảm phát thải. Tuy nhiên, cách tiếp cận này đáng bị chỉ trích vì những doanh nghiệp hoặc quốc gia giàu có thể dễ dàng bù đắp lượng khí thải CO2 của họ, trong khi tác động lâu dài đến môi trường không được đảm bảo vì các dự án được tài trợ bằng số tiền chi tiêu cho các khoản bù đắp carbon này có thể không hiệu quả.
Do đó, cần có một cơ chế đảm bảo rằng các công ty không chỉ mua lượng carbon bù đắp mà còn phải nỗ lực thực sự để giảm lượng khí thải CO2 của họ. Ngoài ra, khu vực nhà nước và tư nhân ở Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến các phương pháp thu giữ hoặc giảm phát thải CO2 (cả về quy định và đầu tư).
Ví dụ, công nghệ thu giữ không khí và chất lỏng trực tiếp (DAC) được coi là cách hiệu quả nhất để giảm lượng khí thải CO2. Các phương pháp khác cũng nên được xem xét như hấp thụ carbon địa chất và sinh học mặc dù chúng có thể kém hiệu quả hơn so với DAC.
Một khía cạnh khác cũng cần được chú ý là khả năng theo dõi, ghi chép và giám sát dữ liệu phát thải vì nó đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Ví dụ, “token hóa CO2” được coi là một cách tiếp cận hiệu quả để xử lý và theo dõi phát thải một cách hiệu quả, đáng tin cậy và chính xác hơn.
Mã token CO2 (đại diện cho một tấn CO2 được thu giữ, lưu trữ hoặc đo lường) có thể được đúc và sẵn sàng giao dịch sau khi được kiểm chứng bởi một bên xác nhận. Mã cũng có thể bị đốt nếu chủ sở hữu chọn sử dụng nó để bù đắp lượng khí thải carbon của họ.
Phương pháp mã hóa CO2 này được kỳ vọng sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong cơ chế giao dịch phát thải và thị trường bù đắp cacbon hiện tại, qua đó cải thiện quy trình hạch toán cacbon, tăng cường tính thanh khoản của phát thải CO2 và cho phép các chương trình/thị trường giao dịch phát thải khác nhau liên kết với nhau một cách dễ dàng.
Ngoài lợi ích của token hóa, công nghệ blockchain dự kiến sẽ cải thiện báo cáo về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Đây là những báo cáo có dữ liệu thường không minh bạch, không đáng tin cậy và khó theo dõi ở cấp độ doanh nghiệp. Ở cấp độ quốc gia và khu vực, một vấn đề lớn đối với các kế hoạch mua bán khí thải là dễ gặp phải hành vi gian lận, chẳng hạn như gian lận mua bán carbon. Blockchain có thể là công cụ quý báu để tăng tính minh bạch của báo cáo và tăng khả năng truy xuất nguồn gốc phát thải.
Với việc áp dụng công nghệ blockchain, các doanh nghiệp ít có khả năng thực hiện hành vi gian lận khí thải carbon hơn vì chính phủ có thể dễ dàng theo dõi lượng khí thải ở cấp độ doanh nghiệp trong thời gian thực. Công nghệ blockchain cũng sẽ giúp các bên liên quan sử dụng hiệu ứng cộng đồng, chuyển đổi nỗ lực cá nhân thành nỗ lực cộng đồng để thúc đẩy đổi mới hơn nữa nhằm chống lại tác động của biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone