FE Credit khuyến cáo bảo mật thông tin, tránh tình trạng không vay tiền nhưng vẫn bị đòi nợ

Anh Phan - 17/08/2020 13:03 (GMT+7)

(VNF) - Bị nhắc nợ là trường hợp rất phổ biến khi FE Credit tiến hành thu hồi nợ, người bị gian lận thường khó chịu, thắc mắc khi không vay hoặc không có giao dịch nhưng vẫn bị nhắc nợ.

VNF
FE Credit khuyến cáo bảo mật thông tin, tránh tình trạng không vay tiền nhưng vẫn bị đòi nợ. (Ảnh minh hoạ)

FE Credit vừa có khuyến cáo đến khách hàng về một số hình thức gian lận thường gặp và cách thức phòng tránh.

Theo đó, có 5 hình thức gian lận phổ biến khách hàng thường gặp. Với hình thức gian lận thẻ tín dụng, các đối tượng thường yêu cầu chủ thẻ cung cấp thông tin 2 mặt trước và sau của thẻ tín dụng để thực hiện các giao dịch trực tuyến mà không cần thẻ vật lý. Chủ thẻ chỉ phát hiện ra khi kiểm tra sao kê hằng tháng hoặc khi chủ động kiểm tra lịch sử giao dịch trên ứng dụng FE Mobile App, Zalo hoặc trang tra cứu trên website của FE Credit.

Một số đối tượng gian lận cũng đã đánh cắp thông tin cá nhân khách hàng để gian lận khoản vay. Cụ thể, một số nạn nhân bất cẩn làm mất giấy tờ, đi cầm cố hoặc để lộ các thông tin cá nhân như chứng minh nhân dân, bằng lái xe… và bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng các thông tin này để đăng ký vay qua ứng dụng. Sau khi nhận khoản tiền được giải ngân thì các đối tượng lừa đảo trốn tránh nghĩa vụ trả nợ và không thanh toán cho công ty.

Với hình thức yêu cầu chia sẻ mã bảo mật (OTP), các đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng, nhân viên công ty tài chính, công an, cán bộ có thẩm quyền… yêu cầu người dùng đọc số OTP (6 mã số được gửi đến tin nhắn) để thực hiện giao dịch nhận tiền giải ngân, thực hiện thanh toán trực tuyến.

Cùng với đó, theo FE Credit, có rất nhiều trường hợp khách hàng không có mặt tại địa điểm cho vay, mua trả góp xe máy, điện thoại khi phải bổ sung giấy tờ nhưng vì chủ quan tin tưởng nhân viên tư vấn nên đã đồng ý để nhân viên ký thay, giả chữ ký để hoàn thiện chứng từ, dẫn đến các tình trạng làm giả hồ sơ, sai thông tin so với lúc tư vấn ban đầu.

Bên cạnh đó, có một số trường hợp các đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên FE Credit đến tận nhà nạn nhân để thu thẻ với lý do thẻ bị lỗi hoặc khách hàng cần hủy thẻ. Thậm chí, các đối tượng này đã rất tinh vi khi đeo bảng tên giả, mặc áo có in logo công ty, ghi giấy tay nhằm tăng tính thuyết phục khi gặp khách hàng.

Cũng theo FE Credit, nếu thiếu bảo mật thông tin như những trường hợp trên, khách hàng có thể gặp hậu quả khôn lường.

Theo đó, khách hàng có thể bị nợ xấu. Cụ thể, nạn nhân là khách hàng không ý thức được các khoản nợ hoặc các giao dịch thẻ phát sinh. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thông tin tín dụng của chủ thẻ hoặc dẫn đến các trường hợp nạn nhân không đi vay nhưng vô tình bị nhắc nợ mới phát giác mình đang bị ghi nhận nợ xấu.

Khách hàng cũng có thể vô tình phải chịu trách nhiệm khoản vay mà mình không đăng ký. Khách hàng sẽ phải chịu trách nhiệm nếu vô tình/cố ý để lộ thông tin dẫn đến việc làm tăng dư nợ.

Bị nhắc nợ là trường hợp rất phổ biến khi FE Credit tiến hành thu hồi nợ, người bị gian lận thường khó chịu, thắc mắc khi không vay hoặc không có giao dịch nhưng vẫn bị nhắc nợ.

Theo đó, FE Credit khuyến cáo khách hàng cần có phương án chủ động phòng tránh gian lận, lưu ý và cách tự bảo vệ bản thân khỏi gian lận bằng cách: không cung cấp hình ảnh, giấy tờ tùy thân cho người khác; không chia sẻ OTP cho bất kỳ ai kể cả người thân hay nhân viên FE Credit; không đồng ý để bất cứ ai ký thay hồ sơ, giấy tờ.

Cùng với đó, để phòng tránh gian lận, khách hàng không nên cung cấp thông tin cá nhân cho các bên không liên quan, đặc biệt khi được yêu cầu để xử lý nhanh chóng hơn. Khách hàng cần khai báo ngay khi có nghi ngờ phát sinh giao dịch gian lận hoặc bị làm giả hồ sơ vay.

Khách hàng FE Credit cũng được khuyến cáo chủ động tải ứng dụng FE Mobile, theo dõi Zalo hoặc website của FE Credit để tra cứu và cập nhật thông tin khoản vay thường xuyên; liên hệ ngay với tổng đài của FE Credit báo sự cố trong trường hợp mất thẻ.

Cùng chuyên mục
Tin khác