Diễn đàn VNF

‘Hộ kinh doanh giống doanh nghiệp tư nhân, không thể tách 2 chủ thể này trong 2 luật khác nhau’

(VNF) - “Hộ kinh doanh thực chất là cá nhân kinh doanh, phải đưa về đúng bản chất pháp lý do 1 cá nhân làm chủ, giống với doanh nghiệp tư nhân, đều là loại hình tổ chức kinh tế không có tư cách pháp nhân, hoàn toàn giống nhau về bản chất pháp lý, do vậy không thể và không có bất cứ lý do gì để tách riêng 2 chủ thể này để điều chỉnh trong hai luật khác nhau là Luật Doanh nghiệp và Luật về hộ kinh doanh”, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật BASICO, nói.

‘Hộ kinh doanh giống doanh nghiệp tư nhân, không thể tách 2 chủ thể này trong 2 luật khác nhau’

Luật sư Trương Thanh Đức

Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội muốn tách hộ kinh doanh thành luật riêng

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa có báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 43 (khai mạc ngày 23/3).

Một trong những nội dung chính của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp (Điều 1, Điều 2 và Chương VIIa của dự thảo luật).

Đáng chú ý, Ủy ban Kinh tế đề xuất ban hành luật riêng về hộ kinh doanh. Có 4 lí do được Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu ra cho đề xuất này.

Một là xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi Luật, chứ không thể quy định bằng Nghị định.

Hai là việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là không phù hợp vì hộ kinh doanh chưa thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp.

Ba là hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo Luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, mặt khác có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh; bên cạnh đó lại chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh.

Vì vậy, việc quy định hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp dẫn đến phải mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới và phải bổ sung đầy đủ các nội dung tương tự như quy định từ Chương 1 đến Chương 8 của Luật Doanh nghiệp hiện hành, bao gồm từ quyền thành lập, quyền và nghĩa vụ, trình tự, thủ tục thành lập, hồ sơ đăng đủ các nội dung tương tự như quy định từ Chương 1 đến Chương 8 của Luật Doanh nghiệp hiện hành, bao gồm từ quyền thành lập, quyền và nghĩa vụ, trình tự, thủ tục thành lập, hồ sơ đăng ký, cơ quan cấp đăng ký và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý hộ kinh doanh, dừng, chấm dứt hoạt động, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh... ngay trong Luật Doanh nghiệp

Bốn là số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn; vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất để điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể hộ kinh doanh, tương tự như các hợp tác xã quy định tại Luật Hợp tác xã.

Chỉ tách hộ kinh doanh thành luật riêng khi giải quyết được 3 vấn đề cơ bản

Đưa ra ý kiến về hộ kinh doanh, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật BASICO, cho biết hộ kinh doanh đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1966 . Từ sau năm 1976 đến trước khi ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2005, chủ thể này được gọi là “hộ kinh doanh cá thể” .

Ông Đức khẳng định hộ kinh doanh không phải là nằm ngoài luật hay chưa được luật điều chỉnh, mà đã được đề cập đến cả trong 3 Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và 2014. Tuy nhiên vì các đạo luật này giao cho Chính phủ quy định chi tiết cho nên có thể nói Luật Doanh nghiệp tuy có điều chỉnh những vẫn gần như bằng không.

“Đó là vấn đề bất cập rất lớn trong bối cảnh hệ thống pháp luật kinh doanh đã được liên tục hoàn thiện bằng nhiều đạo luật và đã có rất nhiều thay đổi. Thậm chí đến nay, các quy định của Chính phủ hạn chế đối với hộ kinh doanh như là chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm và sử dụng dưới 10 lao động là trái với quy định rằng quyền dân sự (trong đó có quyền tự do kinh doanh) chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”, ông Đức nói.

Ông Đức cũng chỉ ra rằng bằng việc thừa nhận “hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi Luật, chứ không thể quy định bằng Nghị định”, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đồng ý rằng hộ kinh doanh phải được quy định cụ thể trong luật.

Mặt khác, vì hộ kinh doanh đã được đề cập trong 3 đời Luật Doanh nghiệp từ hơn 20 năm qua, nên quan điểm  “đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là không phù hợp vì hộ kinh doanh chưa thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp” của Ủy ban Kinh tế trở nên không hoàn toàn xác đáng.

Nói về mô hình hộ kinh doanh, ông Đức đồng ý rằng xét về bản chất pháp lý, hộ kinh doanh khác biệt với công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần.

Tuy nhiên, vị Chủ tịch Công ty luật BASICO nhấn mạnh về bản chất pháp lý, hộ kinh doanh 1 thành viên (1 chủ) hoàn toàn tương tự như doanh nghiệp tư nhân. Chỉ có hộ kinh doanh có nhiều thành viên (nhiều chủ) thì mới không giống bất cứ loại hình kinh doanh nào ở trong nước cũng như trên toàn thế giới và cần phải được thay đổi. Vì vậy, về nguyên tắc hộ kinh doanh cần được đối xử như đối với doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, vì phải có lộ trình giải quyết một cách hiệu quả và phù hợp nhất với thực tế, nên Quốc hội cần luật hóa theo hướng duy trì gần như toàn bộ hiện trạng, ngoại trừ những vấn đề xét thấy hợp lý hơn và thuận lợi hơn cho mô hình kinh doanh này, như có thể kinh doanh tại hơn 1 địa điểm và thuê trên 10 lao động.

“Ngoài việc giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, trong những năm trước măt cơ bản không được làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh”, ông Đức lưu ý thêm.

Đối với quan điểm tách hộ kinh doanh thành luật riêng, ông Đức cho rằng việc này chỉ có thể được với điều kiện phải giải quyết được ba vấn đề pháp lý cơ bản.

Thứ nhất, Luật mới chỉ điều chỉnh loại hình hộ kinh doanh có một thành viên (1 chủ) giống như đối với doanh nghiệp tư nhân hiện nay. Không thể thừa nhận hộ kinh doanh là một tổ chức kinh tế không có tư cách pháp nhân nhưng lại có từ 2 thành viên trở lên, vì như vậy là đi ngược lại nguyên tắc pháp lý cơ bản, là các chủ thể giao dịch dân sự chỉ có thể là cá nhân hoặc pháp nhân.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 101 về “Chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân” - Bộ luật Dân sự năm 2015, hộ kinh doanh nói riêng, các tổ chức không có tư cách pháp nhân nói riêng, không được phép là một chủ thể pháp lý trong các quan hệ pháp luật. Hình thức hộ kinh doanh có từ 2 thành viên trở lên hiện nay chỉ là sự liên kết, hợp tác của các cá nhân.

Thứ hai, Luật mới không thể đặt tên là Luật về hộ kinh doanh, mà chỉ có thể đặt tên là Luật về cá nhân kinh doanh hoặc tương tự. Nguyên nhân là hộ kinh doanh 1 thành viên phải là cá nhân kinh doanh không có tư cách pháp nhân hoặc công ty TNHH 1 thành viên có tư cách pháp nhân. Nếu chấp nhận hộ kinh doanh có từ 2 thành viên trở lên thì lại buộc phải thay đổi bản chất, có thể là công ty hợp danh hoặc công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần, có tư cách pháp nhân.

Thứ ba, phải đổi tên Luật Doanh nghiệp thành Luật công ty tương tự như Luật năm 1989, để điều chỉnh về hoạt động kinh doanh của các tổ chức có tư cách pháp nhân, đồng thời hoặc chuyển vào Luật về cá nhân kinh doanh hoặc tương tự.

Ở đây có hai lựa chọn, hoặc là chỉ quy định về cá nhân kinh doanh, xóa bỏ doanh nghiệp tư nhân hoặc là quay trở lại Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1989 như trước đây và coi tất cả các hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh cũng là doanh nghiệp tư nhân với những yêu cầu hết sức đơn giản (tùy theo quy mô có thể là doanh nghiệp từ siêu nhỏ cho đến lớn, nếu như không bị giới hạn 10 lao động).

Ông Đức nhấn mạnh: “Hộ kinh doanh thực chất là cá nhân kinh doanh, phải đưa về đúng bản chất pháp lý do 1 cá nhân làm chủ, giống với doanh nghiệp tư nhân, đều là loại hình tổ chức kinh tế không có tư cách pháp nhân, hoàn toàn giống nhau về bản chất pháp lý, do vậy không thể và không có bất cứ lý do gì để tách riêng 2 chủ thể này để điều chỉnh trong hai luật khác nhau là Luật Doanh nghiệp và Luật về hộ kinh doanh”.

Tựu trung lại, ông Đức cho rằng giải quyết vấn đề hộ kinh doanh, có 3 yếu tố phải xem xét gồm: yếu tố pháp lý, yếu tố kinh tế và yếu tố thực tế.

Về yếu tố pháp lý, nhà nước cần phải chuẩn hóa. Chủ thể kinh doanh chỉ có thể là pháp nhân hoặc cá nhân, nên hộ kinh doanh cũng chỉ có thể là một cá nhân duy nhất, nếu không muốn chuyển thành pháp nhân.

Về yếu tố kinh tế, chỉ có thể là công ty hoặc cá nhân kinh doanh, nên hộ kinh doanh cũng chỉ có thể là một cá nhân duy nhất (hộ kinh doanh “cá thể”) hoặc doanh nghiệp tư nhân, nếu không muốn chuyển thành công ty.

Về yếu tố thực tế, có thể chấp nhận lịch sử để lại, tạm thời giữ nguyên tên gọi là hộ kinh doanh, nhưng buộc phải thay đổi về yếu tố pháp lý và kinh tế. Do đó có thể nghĩ đến giải pháp pháp chấp nhận hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp tư nhân, nhưng chỉ đòi hỏi những yêu cầu như hiện nay, ít nhất là trong 10 năm.

Tóm lại, hộ kinh doanh chỉ có thể là cá nhân kinh doanh, không có tư cách pháp nhân và hoàn toàn tương tự như doanh nghiệp tư nhân, nhưng vẫn có thể chỉ giữ lại tên gọi, dù được quy định trong Luật Doanh nghiệp hay trong một đạo luật riêng.

“Không thể chậm trễ hơn nữa trong việc sửa sai, nhưng cũng không nên dẫn đến một cái sai khác là coi hộ kinh doanh là một loại chủ thể thứ ba, ngoài hai loại chủ thể là cá nhân kinh doanh và pháp nhân thương mại.

“Cái khó, cái lúng túng của chúng ta chính là ở chỗ không nhận diện đúng về hộ kinh doanh và không mạnh dạn định nghĩa lại, xác định lại, chuẩn hóa lại cho đúng bản chất của hộ kinh doanh”, ông Đức nói.

Tin mới lên