Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) rất thẳng thắn khi dùng hai cụm từ “dám chơi” và “cách chơi” khi nói về “cuộc chơi” thành lập đặc khu mà Việt Nam đang tham dự.
“Dù đã muộn, rủi ro, đầy thách thức khi xây dựng đặc khu, nhưng Việt Nam phải dám đánh cược vào cuộc chơi này. Việt Nam cần đột phá thế chế kinh tế, cải cách mở cửa, phải áp dụng những cái mới chưa ai làm thì mới thành công”, ông Thành nói.
Nhưng điều quan trọng là, Việt Nam đang làm điều đó như thế nào?
Nếu đặt câu hỏi về chuyện “dám chơi”, thì việc Việt Nam quyết tâm xây dựng 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã là câu trả lời rõ ràng nhất cho điều đó. Thậm chí, với việc thành lập 3 đặc khu này, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã “chủ động tạo sân chơi mới”, với các thể chế, chính sách đặc biệt thuận lợi, cạnh tranh quốc tế. Và đó là điều quan trọng nhất.
Chính ông Võ Trí Thành cũng đã thừa nhận rằng, Việt Nam đã “dám chơi”, dám đặt cược vào “cuộc chơi” đặc khu, khi mà nhiều đặc khu trên thế giới đã được phát triển thành công từ những năm 1960.
Chia sẻ kinh nghiệm cốt lõi cho việc Trung Quốc phát triển thành công các đặc khu, bà Liu Rongxin (Viện Phát triển Trung Quốc) cũng cho biết, đó chính là sự kết hợp hữu cơ giữa Chính phủ và thị trường. Cụ thể, là thiết lập cơ chế lãnh đạo cấp quốc gia, cung cấp đủ quyền hạn quản lý cho các đặc khu, thậm chí ban quản lý đặc khu còn thực hiện chế độ kiêm nhiệm, một cơ quan có thể kiêm nhiệm 5-8 bộ, ngành, nhưng đồng thời vẫn tuân thủ cơ chế thị trường trong phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư…
“Để phát triển đặc khu, cần tránh hai xu hướng. Một là, chủ nghĩa tự do mới, bỏ qua vai trò của Chính phủ. Hai là, chủ nghĩa can thiệp quá sâu, làm mất tính điều tiết của thị trường”, bà Liu Rongxin nói.
Mô hình chính quyền đặc khu, trao quyền cho chủ tịch UBND đặc khu, song vẫn đảm bảo cơ chế giám sát chặt chẽ mà Việt Nam theo đuổi sẽ tạo ra thể chế vượt trội, đảm bảo những điều kiện cần thiết để Việt Nam xây dựng và phát triển thành công các đặc khu.
“Tất nhiên, cũng cần một sự đổi mới chính sách một cách táo bạo, để đảm bảo các đặc khu hoạt động thành công”, ông Teo Eng Cheong, Giám đốc quốc tế (Singapore, Đông Nam Á và Bắc Á) của Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore) đã “mách nước” các kế để Việt Nam có thể phát triển các đặc khu như vậy.
“Hàng hóa khi làm thủ tục thông quan vào đặc khu kinh tế ở sân bay của Singapore, có đến 90% thủ tục hải quan được giải quyết trong vòng 10 phút. 10% không được thực hiện trong thời gian này phải chuyển lên cấp cao hơn. Nếu các bạn có thể làm được những đột phá như thế này, thì có thể thành công trong xây dựng mô hình đặc khu”, ông Teo Eng Cheong nói.
Ngoài các đề xuất về “cách chơi” này, khi tham gia thảo luận tại Hội thảo về Đặc khu - thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công, tổ chức vào cuối tuần qua tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế cũng thẳng thắn cho rằng, ngoài thể chế vượt trội, cần tập trung nhiều hơn cho các chính sách tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, thay vì chỉ tập trung cho ưu đãi về tài chính.
Thậm chí, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam còn cảnh báo, không cẩn thận sẽ làm phát sinh một “cuộc đua xuống đáy” ưu đãi khi thành lập đặc khu.
Tuy nhiên, một lần nữa, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đại diện cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc khẳng định rằng, thực tế hầu hết các chính sách ưu đãi trong Dự thảo Luật đều đã có.
“Chúng tôi không thiết kế chính sách theo kiểu kẻ một đường kẻ ngang, chỉ lấy các chính sách cao hơn, mà thực tế có những chính sách ưu đãi ở đặc khu còn thấp hơn hiện tại ở nhiều khu vực khác. Ưu đãi cho đặc khu chỉ tập trung cho những ngành nghề ưu tiên”, ông Đông nói. Theo ông, các nhóm chính sách về tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cũng đã được thiết kế nhiều hơn rất nhiều so với ưu đãi về thuế, đất đai…
Một câu chuyện cũ, nhưng tiếp tục được ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kể tại, sau khi được ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam hỏi rằng, lý do nào khiến Quảng Ninh tin là đặc khu Vân Đồn sẽ được phát triển thành công.
Đó là vào 5 năm trước, một nhà đầu tư Mỹ sau khi bay chuyên cơ tới Việt Nam và bay trực thăng đi khảo sát ở Vân Đồn đã đặt ra 4 câu hỏi với chính quyền Quảng Ninh rằng, chủ trương lập đặc khu có được quy hoạch ở tầm quốc gia không? Có bao nhiêu đặc khu kinh tế được xây dựng và vị trí ở đâu? Hạ tầng giao thông kết nối như sân bay, bến cảng bao giờ có? Ai là người có đủ khả năng giải quyết các vấn đề của nhà đầu tư, đảm bảo chịu trách nhiệm đối với nhà đầu tư?.
“Thời điểm đó, chúng tôi dù có rất nhiều quyết tâm, nhưng không có đủ thẩm quyền, điều kiện để khẳng định được, vì thế đành lỡ cơ hội”, ông Thành nói. Theo ông, hiện Quảng Ninh đã giải quyết được những câu hỏi trong quá khứ; cái nào tỉnh làm được thì làm ngay, cái nào vượt thẩm quyền thì chủ động báo cáo lên bộ, ngành, Chính phủ, Thủ tướng để được giải quyết.
Đó là lý do vì sao, Quảng Ninh tự tin với đặc khu Vân Đồn. Có lẽ, đó cũng là câu trả lời chung cho cả Phú Quốc lẫn Bắc Vân Phong, dù hiện tại, Bắc Vân Phong chưa thu hút đầu tư được nhiều.
Ông Trần Đạo Đức, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO chia sẻ, sau khi đầu tư nhiều dự án ở Phú Quốc, Vân Đồn, CEO rất kỳ vọng vào kế hoạch thành lập đặc khu của Việt Nam. Dù tất cả mới bắt đầu, song nhiều kỳ vọng đã được nhen nhóm. Kỳ vọng cả vào việc Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được thông qua vào kỳ họp này, cũng như kỳ vọng vào việc phát triển thành công các đặc khu ở Việt Nam.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.