Ngành nào dẫn dắt thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022?

Lê Long Giang - 25/02/2022 10:36 (GMT+7)

(VNF) - Do thị trường chứng khoán (TTCK) đã tăng trưởng bùng nổ trong năm 2021 nên sang năm 2022, việc lựa chọn danh mục đầu tư sẽ trở nên khó khăn hơn.

VNF

Năm 2021 ghi nhận sự phục hồi và bứt phá mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ số VN-Index đã tăng gần 36% so với cuối năm 2020 và lọt vào top 10 thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới. 6 nhóm ngành dẫn dắt đà tăng ấn tượng trên gồm: ngân hàng, bất động sản, thực phẩm và đồ uống, tài nguyên cơ bản, vật liệu xây dựng và dịch vụ tài chính, chiếm khoảng 77% vốn hóa của toàn thị trường.

Năm 2022, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng sẽ chậm lại và phân hóa mạnh mẽ hơn, do ảnh hưởng của 5 yếu tố. Thứ nhất là sự bao phủ vắc xin, khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt sẽ là yếu tố đảm bảo cho việc mở cửa trở lại của nền kinh tế và khôi phục hoạt động sản xuất. Thứ hai là các gói hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ mở rộng. Thứ ba là các hiệp định thương mại quốc tế có hiệu lực kết hợp thúc đẩy đầu tư công, tạo ra tăng trưởng mạnh mẽ cả ở thị trường nội địa lẫn hoạt động xuất nhập khẩu.

Thứ tư là làn sóng nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường chứng khoán không chỉ là hiện tượng mà sẽ là xu hướng trong dài hạn, hỗ trợ thanh khoản VN-Index chinh phục những đỉnh cao mới. Thứ năm, thị trường vẫn tiềm ẩn những rủi ro liên quan đến việc đại dịch Covid-19 có thể tái bùng phát với các biến chủng mới.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), các nhóm ngành bao gồm bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, ngân hàng, dầu khí, bán lẻ tiếp tục sẽ là nhóm ngành nổi bật trong năm 2022.

Đối với bất động sản khu công nghiệp, yếu tố hỗ trợ là hạ tầng được cải thiện nhờ các gói đầu tư công được triển khai, cùng với sự chuyển dịch chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư sang Việt Nam. Bên cạnh đó là các chính sách ưu đãi của Chính phủ nhằm thu hút vốn FDI và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, nguồn cung chưa thể mở rộng nhanh chóng nên giá thuê sẽ tăng mạnh tại các khu công nghiệp hiện hữu.

Với bất động sản nhà ở, yếu tố hỗ trợ là sự thiếu hụt của nguồn cung do ảnh hưởng bởi Covid-19, mặt bằng lãi suất thấp vẫn được duy trì, đồng thời đây cũng là kênh đầu tư giúp chống lạm phát. Đặc biệt, gói đầu tư công sẽ giúp hạ tầng được nâng cấp, hoàn thiện và tốc độ đô thị hóa tiếp tục ở mức cao.

Nhóm ngành xây dựng và vật liệu xây dựng được đánh giá là sẽ hưởng lợi trực tiếp từ gói hỗ trợ kinh tế, sự phục hồi của thị trường bất động sản và việc đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là hàng loạt dự án cao tốc sẽ được triển khai trong giai đoạn 2022 -2025.

Trong khi đó, ngành ngân hàng được cho là sẽ tiếp tục đà tăng trưởng và hoạt động mạnh mẽ với mức sinh lời cao. Thêm vào đó, năm 2022 hứa hẹn nhiều kế hoạch tăng vốn “khủng” của các ngân hàng, nhu cầu tín dụng hồi phục (nhất là tín dụng bán lẻ) và thu nhập ngoài lãi tăng trưởng tốt nhờ mảng bancassurance cũng như các dịch vụ trên nền tảng số.

Niềm tin đối với ngành dầu khí trong năm 2022 đến từ sự phục hồi nhu cầu vận tải, du lịch cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp thúc đẩy giá dầu tiếp tục tăng. Ngoài ra, các bất ổn chính trị cũng có thể đẩy giá dầu tăng vọt.

Cuối cùng là các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ. Nhóm ngành này được hưởng lợi từ việc thu nhập gia tăng, nhu cầu chi tiêu phục hồi, tín dụng tiêu dùng được đẩy mạnh và việc mua sắm ngày càng trở nên tiện lợi hơn.

Do thị trường đã tăng trưởng bùng nổ trong năm 2021 nên chúng tôi cho rằng năm 2022, việc lựa chọn danh mục đầu tư sẽ trở nên khó khăn hơn. Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư lựa chọn kỹ càng các mã cổ phiếu tiềm năng, không bỏ qua các tiêu chí như thương hiệu và sự uy tín, các chỉ số kỹ thuật, định giá hợp lý, chất lượng tài sản tốt và cần có chiến lược đầu tư phù hợp để đạt được kết quả đầu tư tốt nhất.

Cùng chuyên mục
Tin khác