Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Như VietnamFinance đã thông tin, ngày 5/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) 2%, đẩy tỷ giá NDT/USD xuống ngưỡng trên 7 Nhân dân tệ đổi được 1 USD. Đây là mức yếu nhất của đồng Nhân dân tệ trong 10 năm trở lại đây.
Đáp lại động thái này của Trung Quốc, trong cùng ngày, Mỹ đã chính thức liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.
Những diễn biến này đã đẩy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lên một nấc thang mới và ngày càng trở nên khó lường.
Để hiểu thêm về các động thái này của hai quốc gia, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).
- Ông từng đưa ra nhận xét rằng trong bối cảnh thương chiến, Trung Quốc sẽ cố gắng giữ giá đồng NDT. Tuy nhiên, diễn biến mới nhất cho thấy điều ngược lại. Vậy, ông cho rằng động thái phá giá đồng NDT của Trung Quốc là chủ động phá giá để tấn công ngược lại Mỹ hay là một biện pháp bất đắc dĩ và mang tính phòng thủ?
TS Phạm Sỹ Thành: Gần đây, The Economist có một bài phân tích khá thú vị cho rằng việc Ngân hàng Nhân dân Trung quốc (PBoC) đưa ra tỷ giá tham chiếu mới chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ đánh thuế 10% với 300 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc từ ngày 1/9 xuất phát từ hai lý do. Thứ nhất, PBoC có đủ dư địa về công cụ điều hành để làm yên lòng các nhà đầu tư – những người đang nắm giữ trái phiếu đồng NDT hoặc nắm giữ NDT. Thứ hai, PBoC đã từ bỏ việc chiều lòng người Mỹ khi thấy đối phương thiếu thiện chí hợp tác trong lĩnh vực đàm phán thương mại.
Cá nhân tôi cho rằng quyết định này đến từ cân nhắc dựa trên các yếu tố của nền kinh tế trong nước hơn là một toan tính chính trị. Trung Quốc sẽ hiểu mức độ rủi ro nếu “chọc giận” Tổng thống Trump – hoặc họ quá tự tin để không quan tâm đến việc người Mỹ sẽ nghĩ gì.
Trong những cân nhắc từ trong nước, việc chủ động làm ổn định tâm lý thị trường đối với tỷ giá là yếu tố quan trọng hàng đầu. Trung Quốc cũng không còn là nước dư giả về dự trữ ngoại tệ để “bảo vệ” tỷ giá bằng mọi giá. Thứ hai, việc thiết lập tỷ giá tham chiếu mới cho một đồng NDT yếu hơn không có nghĩa là hành động “tấn công Mỹ” bằng việc tìm cách triệt tiêu tác động của thuế quan thông qua tỷ giá. Bởi lẽ, lợi thế của hàng xuất khẩu Trung Quốc hiện nay chủ yếu không đến từ giá rẻ mà từ quy mô và chuỗi cung ứng. Đặc biệt tác động tích cực của tỷ giá đến hàng xuất khẩu sẽ không tồn tại quá 3 tháng, nên cuộc chơi tỷ giá là cuộc chơi vô nghĩa nếu dự trữ ngoại tệ không đủ lớn.
- Ngưỡng 7 NDT/1 USD được các nhà quan sát cho là một ngưỡng tâm lý quan trọng. Trung Quốc phá giá đồng tiền ở ngưỡng này dường như là một động thái gia tăng rủi ro cho chính mình, ông nghĩ sao?
Quan điểm của tôi là nếu tiếp tục “neo” vào ngưỡng 7,0 thì rủi ro cho chính Trung Quốc còn lớn hơn. PBoC đã cố gắng giữ mức 7,0 như một mỏ neo tâm lý cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước suốt một năm qua. Điều này là cần thiết để không làm xấu đi môi trường vĩ mô của kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt, không làm đảo ngược nỗ lực giảm tỷ lệ đòn bẩy mà ông Tập Cận Bình đã đề ra nhằm kiểm soát rủi ro tài chính.
Nhưng việc “cố thủ” cũng mất chi phí và có rủi ro. Trước hết, để giữ tỷ giá ổn định trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại và tương lai đàm phán thương chiến chưa rõ ràng, PBoC sẽ phải hy sinh dự trữ ngoại tệ để ổn định tỷ giá – can thiệp bằng cách bán ra USD. Tiếp đó, việc cố thủ càng lâu sẽ càng đẩy cao mức độ đánh cược của thị trường vào việc đồng NDT sớm muộn sẽ mất giá, nó khiến cho các hoạt động đầu cơ nhằm vào đồng tiền này gia tăng. Nói cách khác, sự kiên định của PBoC sẽ phải đánh đổi bằng việc quả bóng tỷ giá liên tục bị bơm ngày càng căng. Sau khi PBoC cuối cùng cũng hạ thấp tỷ giá tham chiếu mới, rủi ro lại chuyển thành những dạng khác. Nhưng điều này là cần thiết, nhất là khi tất cả mọi người đều thấy không có cơ hội cho một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung vào cuối năm 2019.
- Xin ông phân tích thêm về các rủi ro mà Chính phủ Trung Quốc phải đối mặt khi phá giá đồng NDT?
Khi quyết định bảo vệ đồng NDT mạnh, Trung Quốc tính toán đến ba mục đích. Thứ nhất, thực hiện tham vọng quốc tế hóa đồng NDT. Thứ hai, giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài ở lại Trung Quốc. Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh giảm nợ của nền kinh tế - đặc biệt là thu hẹp quy mô của các ngân hàng mờ (shadow banking).
Ở thời điểm này, rủi ro lớn nhất là ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư ở Trung Quốc và dự trữ ngoại tệ của PBoC. Đồng NDT mất mốc 7,0 có thể kích hoạt một làn sóng rút vốn mới (capital outflow), làm đồng NDT chìm sâu hơn nữa. Đồng NDT chìm sâu khiến dòng vốn trong ngắn hạn lại chảy ra ngoài mạnh hơn. Để chặn đứng đà mất giá đó PBoC rất có thể phải hy sinh dự trữ ngoại tệ để ổn định tỷ giá. Như cách họ đã mất 1.000 tỷ USD để ổn định NDT giai đoạn 2015-2016.
Tôi không cho rằng đồng NDT mất giá sẽ tăng gánh nặng trả nợ của Trung Quốc. Nợ nước ngoài của Trung Quốc chiếm 10% tổng nợ, trong đó vay nợ bằng USD cũng không nhiều. Nhưng rõ ràng một đợt bán khống, đánh cược vào đồng NDT rẻ, sẽ diễn ra. Và nếu nó bán tháo đủ lớn, chúng ta sẽ cùng xem cuối năm nay dự trữ của Trung Quốc còn lại bao nhiêu?!
Ngoài ra, mặc dù không hào hứng với việc tham gia vào các hợp đồng mua sắm của chính phủ Mỹ hoặc nhận tài trợ từ quốc gia này, nhưng sau khi được đưa vào rổ SDR của IMF, việc bị coi là thao túng tiền tệ (lần đầu tiên kể từ năm 1994) sẽ là cú đánh mạnh với tham vọng quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc. Nó cũng sẽ ảnh hưởng đến vị thế của Trung Quốc ở WTO. Cả hai tổ chức quan trọng IMF, WTO đều dựa theo nguyên tắc không quốc gia nào được thao túng tiền tệ để tạo lợi thế chuyên biệt cho mình.
Vì vậy, tôi tin rằng PBoC sẽ không theo đuổi một chính sách đồng NDT yếu trong dài hạn và bằng mọi giá. Ngược lại, đồng NDT mạnh sẽ phù hợp và củng cố lợi ích của Trung Quốc hơn.
- Việc Trung Quốc phá giá đồng NDT đến ngay sau khi FED cắt giảm lãi suất. Ông có cho rằng các động thái này của Mỹ và Trung Quốc là những dấu hiệu cho thấy thương chiến đã bước vào giai đoạn chiến tranh tiền tệ? Và ông có cho rằng, không phải thương mại mà tiền tệ mới chính là đích ngắm chủ yếu của Mỹ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc?
Đầu tiên, tôi cho rằng việc PBOC công bố tỷ giá tham chiếu mới theo hướng “thả nổi” tỷ giá là phản ứng lại việc Tổng thống Trump đe dọa sẽ tăng thuế thêm 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu. Bởi về mặt lý thuyết, hệ quả của việc FED giảm lãi suất sẽ có khuynh hướng làm đồng NDT tăng giá, hay nói cách khác là bớt đi áp lực mất giá.
Tiếp đó, cần làm rõ là chúng ta đang nói đến “chiến tranh tiền tệ” theo định nghĩa nào. Nếu theo định nghĩa rằng mỗi bên sẽ cố gắng phá giá đồng tiền để tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của mình thì tôi tin rằng khó có thể áp dụng định nghĩa đó để hiểu diễn biến của vấn đề tỷ giá trong tương quan kinh tế Mỹ - Trung cũng như tình hình kinh tế mỗi nước.
Đối với Mỹ, tỷ giá rõ ràng không phải vấn đề do một mình FED định đoạt, càng không phải vấn đề do Tổng thống Trump quyết định. Đối với Trung Quốc, việc theo đuổi đồng NDT giá rẻ ở thời điểm này sẽ là lợi bất cập hại như những nguyên nhân tôi phân tích ở trên.
Nhưng nếu sử dụng định nghĩa “chiến tranh tiền tệ” là “việc các bên bỏ qua tất cả các quy định và luật lệ về tài chính tiền tệ để áp dụng các biện pháp trừng phạt hoặc trả đũa trong lĩnh vực tài chính” thì tôi tin rằng điều này đã chính thức được kích hoạt. Và nó chưa từng có tiền lệ. Đây là một diễn biến không chỉ bất ngờ với chính các nhà phân tích. Tôi tin là chính PBoC cũng không thể ngờ tới.
- Ông có thể phân tích rõ hơn điều này?
Từ lâu Trung Quốc đã bị Mỹ đưa vào “tầm ngắm” với tư cách một quốc gia “thao túng tiền tệ”. Nhưng 25 năm qua Bộ Tài chính Mỹ đã nhiều lần không sử dụng “nhãn mác” này để gia tăng căng thẳng với Trung Quốc ngay cả khi Tổng thống Trump thúc giục.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi PBoC tuyên bố thả nhẹ tỷ giá tham chiếu về sát mức 7,0 khiến tỷ giá thị trường rơi xuống dưới ngưỡng 7,0, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức gọi Trung Quốc là “quốc gia thao túng tiền tệ”. Điều bất thường là toàn bộ các căn cứ để gọi một quốc gia là “thao túng tiền tệ” đã bị dẹp bỏ sang một bên.
Chúng ta đã biết rằng trước đây, để bị coi là thao túng tiền tệ, Bỗ Tài chính Mỹ sẽ xem xét việc một quốc gia thỏa mãn cùng lúc cả ba điều kiện hay không, gồm: (1) thặng dư thương mại với Mỹ trên 20 tỷ USD; (2) thặng dư tài khoản vãng lãi trên 3% GDP và (3) can thiệp tỷ giá một chiều (làm suy yếu đồng tiền) liên tục từ 8 – 12 tháng.
Vào tháng 5/2019, để siết chặt vòng vây với Trung Quốc, điều kiện (2) đã được điều chỉnh xuống còn 2% GDP và điều kiện (3) giảm xuống còn 6 – 12 tháng.
Nhưng ngay cả khi điều chỉnh như vậy Trung Quốc cũng không th bị coi là thao túng tiền tệ vì một số lý do. Thứ nhất, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc đã liên tục giảm từ 2% GDP (năm 2017) xuống còn chưa đầy 0,5% GDP (năm 2018), một số quý của 2018 còn xuất hiện tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai và dự báo đến 2020 Trung Quốc sẽ là quốc gia thâm hụt tài khoản vãng lai. Như vậy, điều kiện (2) đã không thỏa mãn. Điều kiện (3) cũng tương tự khi mà tỷ giá NDT đã được quyết định nhiều hơn bởi thị trường sau cuộc điều chỉnh mạnh mẽ vào tháng 8/2015.
Nhưng điều mà chúng ta cần lo ngại, và điều mà thị trường toàn cầu sẽ phản ứng mạnh mẽ dù chưa có sự trừng phạt nào cụ thể mà Mỹ áp với Trung Quốc, là những ứng xử dựa trên luật lệ giữa hai nước sẽ không còn ý nghĩa nữa. Nói cách khác, điều này cho thấy mâu thuẫn giữa hai quốc gia bắt đầu vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Và nó là thể hiện cho sự đứt gãy những kết nối nền tảng mà hai quốc gia này xây dựng suốt 40 năm qua.
- Theo lý thuyết, khi một đồng tiền bị tấn công (bị ép buộc) đến mức phải phá giá, dự trữ ngoại hối của quốc gia đó sẽ bị ăn mòn theo thời gian. Chính phủ quốc gia đó sẽ phải tiến hành các biện pháp đối phó tiếp theo như: giảm dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, thắt chặt dòng chảy ngoại tệ ra bên ngoài và cuối cùng là cắt giảm sản xuất. Những biện pháp này đều rất đau đớn - chúng ta có thể nhìn thấy trường hợp của Nga (sau sự biến Crimea). Liệu Trung Quốc có lặp lại kịch bản này?
Từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã bơm vào nền kinh tế 3.700 tỷ NDT (khoảng 530 tỷ USD) để kích thích nền kinh tế. Nhưng khác với giai đoạn 2008 – 2010 và 2015 – 2016, lần này gói kích thích tiến hành thông qua chính sách tài khóa và lại chủ yếu dựa vào công cụ cắt giảm thuế (thuế VAT, thuế tiêu dùng, thuế nhập khẩu...) nên không tạo ra bong bóng nợ mới.
Bên cạnh đó, trong các công cụ của chính sách tiền tệ, cắt giảm dự trữ bắt buộc cũng được dùng nhiều hơn, trong khi lãi suất kỳ hạn một năm không đổi. Điều đó cho thấy Bắc Kinh thực sự muốn kiểm soát tỷ lệ đòn bẩy. Nhưng khi kinh tế tăng trưởng chậm lại do các yếu tố bất trắc đến từ chính sách của Mỹ, có thể Trung Quốc sẽ phải nới lỏng tiền tệ bằng việc cắt giảm lãi suất. Và điều đó sẽ đảo chiều chính sách.
Ngoài ra, mất cân bằng bên ngoài (đo lường bằng đóng góp của xuất khẩu ròng đối với tăng trưởng) cũng có thể thêm trầm trọng khi đồng NDT yếu đi. Điều này làm nỗ lực tăng trưởng dựa vào “nội nhu” chịu thêm thử thách.
Cuối cùng, việc hạn chế luồng vốn đổ ra bên ngoài sẽ làm các sáng kiến lớn của Trung Quốc như Vành đai, Con đường và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc bị chậm lại.
- Việc NDT mất giá, một cách trực tiếp ảnh hưởng tới VND. Khả năng VND phá giá theo là cao. Ông cho rằng với các diễn biến tiền tệ như hiện nay, mức phá giá VND có cao hơn thế?
Tôi cho rằng việc FED giảm lãi suất khiến áp lực mất giá của VND giảm xuống. Ngoài ra, dòng vốn nước ngoài trực tiếp và gián tiếp vẫn liên tục đổ. Lượng cung ngoại tệ của Việt Nam cũng đang dồi dào. Vì vậy, mức phá giá 1,5-2% vẫn nằm trong biên độ dao động 3% mà Ngân hàng Nhà nước (SBV) đưa ra.
Nhưng kinh nghiệm của tôi là cần theo sát động thái của cả FED và PBoC. Việc dựa vào tỷ giá hữu hiệu thực (REER) để xem xét đồng VND đắt lên bao nhiêu phần trăm so với NDT có thể giúp xác định ngành xuất khẩu nào của Việt Nam bị thiệt. Số liệu thường cho thấy các ngành nông lâm, thủy sản đang chịu bất lợi thế. Nhưng chúng ta đều biết rằng thúc đẩy xuất khẩu không phải trọng tâm chính sách của SBV.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.