Sửa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp: Rất cần những đột phá

Nguyễn Văn Toàn, PCT Vafie - 27/04/2019 07:02 (GMT+7)

(VNF) - Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 đang được nghiên cứu sửa đổi bổ sung. Nhiều ý kiến cho rằng, việc chỉnh sửa lần này cần những đột phá nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập, tạo điều kiện cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

VNF

Tuy vậy, qua hơn ba năm thực hiện, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã bộc lộ một số bất cập:

Về lĩnh vực ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (ĐTKDCĐK) và điều kiện ĐTKD, đây thực sự là rào cản cho quá trình tự do hóa hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, một số lĩnh vực và rất nhiều điều kiện ĐTKD không phù hợp với nguyên tắc các ngành nghề ĐTKDCĐK là các ngành nghề có khả năng ảnh hưởng không tốt đến “quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”. Cần rà soát loại bỏ những ĐKĐTKD không phù hợp, trình quốc hội sửa đổi, bổ sung điều 6 và điều 7 của Luật Đầu tư.

Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp là hai luật chủ đạo trong điều chỉnh hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cách tiếp cận rộng và bao quát nên còn nhiều nội dung thiếu đồng bộ với các luật chuyên ngành. Các luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở... cũng điều chỉnh hoạt động đầu tư của doanh nghiệp ở các phạm vi và mức độ khác nhau nhưng chưa có sự phân định rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong việc xác định hoạt động đầu tư được điều chỉnh theo quy định của Luật Đầu tư hay luật chuyên ngành khác.

Theo báo cáo của ban soạn thảo, một số quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp còn thiếu cụ thể dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện như:

Luật Đầu tư chưa quy định cụ thể khái niệm, mục đích, giá trị pháp lý, phạm vi áp dụng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư phù hợp với từng hình thức đầu tư và nguồn vốn sử dụng, chưa phân định rõ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư với thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định tương ứng của Luật Đất đai và Luật Đấu thầu. Chưa có quy định hợp lý về phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Quy định về hình thức đầu tư, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), thủ tục góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN và thủ tục triển khai dự án đầu tư còn một số nội dung thiếu cụ thể dẫn đến cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện.

Luật Đầu tư chưa làm rõ mục đích, giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; hình thức đầu tư ra nước ngoài chưa thực sự phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam. Đối với doanh nghiệp nhà nước, hồ sơ, trình tự quyết định đầu tư ra nước ngoài chưa được quy định thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Quy định của Luật Doanh nghiệp về việc áp dụng luật chuyên ngành liên quan đến thủ tục thành lập doanh nghiệp dẫn đến phân tán đầu mối đăng ký thành lập doanh nghiệp, chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi có nhu cầu thay đổi hoạt động kinh doanh. Một số quy định về quản trị doanh nghiệp còn thiếu linh hoạt.

Từ những bất cập nêu trên, với mục tiêu tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, gắn với việc thức hiện Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQQ-CP, Nghị quyết 139/NQQ-CP của chính phủ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp lần này tập trung vào ba nội dung chính:

Một là, hoàn thiện các quy định về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh.

Hai là, giảm thiểu các chi phí đầu tư kinh doanh thông qua cải cách thủ tục hành chính, nâng cao quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Ba là, hoàn thiện cơ chế phân cấp và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương trong quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài, đảm bảo hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Như vậy, những bất cập của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014 trong quá trình thực hiện bốn năm qua đã được rà soát, phát hiện, phân tích đề xuất bổ sung, điều chỉnh phù hợp góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy vậy, kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp trong lần sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp còn cao hơn thế.

Thứ nhất, cần đặt Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam với kinh tế toàn cầu, khi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do FTA trong đó có nhiều FTA thế hệ mới đã được ký kết, đang và sẽ được thực thi, rất nhiều cơ hội và không ít thách thức của các FTA đang hiện hữu, muốn tận dụng tốt các cơ hội, vượt qua các thách thức, hiện thực hóa kết quả của hội nhập, chúng ta cần những thay đổi căn bản tích cực theo hướng cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế mà trước hết là hệ thống chính sách, pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Thứ hai, cần đặt Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển mà Việt Nam không thể đứng ngoài, khi nhà nước và chính phủ đang đặt kỳ vọng và quyết tâm rất lớn để tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, tạo bước phát triển bứt phá cho kinh tế xã hội đất nước.

Thứ ba, cũng cần đặt Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp trong bối cảnh phong trào khởi nghiệp đang được phát huy mạnh mẽ, với tinh thần quốc gia khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu Việt (thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu vùng, địa phương và thương hiệu quốc gia) đang là định hướng cho phát triển bền vững.

Thứ tư, trong xu thế hội nhập hiện nay, nhiều quốc gia đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư để cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài FDI nhất là các dự án lớn có công nghệ cao. Trung Quốc vừa thông qua Luật ĐTNN mới với nhiều cải thiện về môi trường đầu tư là một là một minh chứng.

Một số nội dung cụ thể cần nghiên cứu xem xét liệu có thể đưa vào Luật sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp lần này.

Về đầu tư nước ngoài FDI

Sau 30 năm thu hút FDI những thành quả của FDI là không thể phủ nhận. Khu vực FDI đã đóng góp khoảng 20%thu nội địa, gần 20% GDP, đóng góp 70% xuất khẩu, xuất siêu khoảng 25%. FDI đã tạo việc làm cho 4 triệu lao động trực tiếp và 10 trệu lao động gián tiếp, nâng cao trình độ,tác phong và kỹ năng lao động trong đó có lao động kỹ thuật và lao động quản lý.

FDI đã thúc đẩy chuyển giao và phát triển công nghệ, góp phần vào công nghiệp hóa hiện đại hóa. FDI cũng góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo hiệu ứng lan tỏa giúp các doanh nghiệp trong nước phát triển. Bên cạnh đó, FDI cũng góp phần thúc đẩy hội nhập, thúc đẩy cải cách thể chế, cải cách, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, phát triển kinh tế thị trường tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hoạt động FDI trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế:

Thứ nhất, hiệu quả FDI thấp: nhiều doanh nghiệp FDI tập trung khai thác lao động giản đơn, gia công lắp ráp, hàm lượng công nghệ thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng, giá trị gia tăng không cao; thiếu cơ chế ưu đãi thích đáng và cơ chế giám sát thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ theo nguyên tắc của kinh tế thị trường đặc biệt là ở phân khúc công nghệ cao, công nghệ nguồn.

Thứ hai, sự liên kết và tính lan tỏa của các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp nội địa còn rất hạn chế, chưa có những ưu đãi thích đáng để các doanh nghiệp FDI liên kết chiều sâu với các doanh nghiệp nội địa như phát triển công nghiệp phụ trợ, tham gia chuỗi giá trị hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI. Mặt khác chưa có những chính sách và chương trình hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa phát triển để có thể hợp tác và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn.

Thứ ba: về đối tác đầu tư. Tuy đã có quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào Việt Nam, nhưng chúng ta chưa có môi trường đầu tư đủ hấp dẫn và có tính chọn lọc để thu hút được nhiều hơn các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực về tài chính và công nghệ đến từ các nước phát triển có công nghệ cao, công nghệ nguồn đầu tư vào Việt Nam. Theo số liệu của cục ĐTNN, tính đến hết năm 2018, Mỹ đứng thứ 11 trong các quốc gia vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký là hơn 9,3 tỷ USD (trong khi đó mỗi năm Mỹ đầu tư ra nước ngoài khoảng 300 tỷ USD). Tương tự như vậy, tổng số vốn đăng ký của 28 nước trong liên minh Châu Âu - EU đầu tư vào Việt Nam đến tháng 12/2018 khoảng hơn 25 tỷ USD, trong đó Cộng hòa liên bang Đức đứng thứ 18 đầu tư vào Việt Nam với số vốn đang ký gần 1,95 tỷ USD (trong khi mỗi năm Đức đầu tư ra nước ngoài khoảng 70 tỷ USD). Một con số rất khiêm tốn so với tiềm năng thu hút ĐTNN từ Mỹ và EU vào Việt Nam.

Thứ tư: Về lĩnh vực đầu tư, Việt Nam là một nước nông nghiệp truyền thống, có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, song thu hút ĐTNN vào nông nghiệp trong thời gian qua là một bức tranh khá ảm đạm, theo số liệu của Cục ĐTNN, tính đến cuối năm 2018 cả nước có 491 dự án ĐTNN vào nông nghiệp với số vốn đăng ký gần 3,45 tỷ USD, chiếm khoảng 1% tổng số vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, không ít các tiêu cực nảy sinh trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp ĐTNN tại Việt Nam, một số dự án gây ô nhiễm môi trường, chuyển giá trốn thuế, tranh chấp lao động... mà chưa được kiểm soát và xử lý thích đáng theo pháp luật.

Từ những phân tích trên, đầu tư nước ngoài cần một tư duy đổi mới thực sự và căn bản.

Với tinh thần đó, sửa đổi Luật Đầu tư lần này cần có những chuyển biến mang tính đột phá nhằm khắc phục những bất cập, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng và hiệu quả ĐTNN, hiệu lực quản lý nhà nước. Cụ thể: cần hoàn thiện các quy định liên quan đến hình thức M&A, PPP, hoàn thiện chính sách ưu đãi đầu tư theo hướng hình thành khung phân loại có trọng tâm, trọng điểm ưu đãi theo ngành, lĩnh vực gắn với địa phương, vùng lãnh thổ trong từng giai đoạn, ưu tiên thu hút các dự án từ các quốc gia phát triển có công nghệ cao, công nghệ nguồn.

Xây dựng bộ tiêu chí các mức ưu đãi để thực hiện chủ trương hậu ưu đãi một cách minh bạch, ổn định. Bộ tiêu chí ưu đãi được thiết kế thống nhất trong cả nước, được chi tiết hóa phù hợp với điều kiện từng địa phương. Xây dựng cơ chế ưu đãi linh hoạt, bao gồm cả biện pháp phi tài chính nhằm tăng cường khả năng thu hút dòng ĐTNN từ các đối tác tiềm năng, TNCs vào các dự án đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế đất nước.

Về Luật Doanh nghiệp, hiện tại trên phạm vi cả nước có gần 5 triệu hộ kinh doanh có đăng ký, tạo gần 10 triệu việc làm, đóng góp khoảng 13% GDP. Trong khi đó, chưa có văn bản pháp luật nào quy định về quyền và nghĩa vụ, địa vị pháp lý của hộ kinh doanh. Luật Doanh nghiệp 2014 cũng không đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật (điều 1 Luật Doanh nghiệp 2014), song điều 212 của luật này lại quy định “hộ kinh doanh có quy mô nhỏ thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của chính phủ”. Hơn nữa, bản chất hoạt động của hộ kinh doanh không khác gì hoạt động của doanh nghiệp.

Đây thực sự là một bất cập. Trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp lần này, nên chăng, đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, trên cơ sở đó xác định rõ quyền, nghĩa vụ và địa vị pháp lý, có chính sách hỗ trợ phát triển và hỗ trợ chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp.

Tạo bước đột phá trong Luật sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp thực sự là nhu cầu khách quan trong tiến trình đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
'Nhiệt độ toàn cầu tăng 1 độ C sẽ khiến GDP thế giới giảm 12%'

'Nhiệt độ toàn cầu tăng 1 độ C sẽ khiến GDP thế giới giảm 12%'

(VNF) - Theo nghiên cứu mới nhất, thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra còn tồi tệ hơn gấp 6 lần so với tưởng tượng trước đây.

Cận cảnh Tổ hợp khách sạn 5 sao bỏ hoang 15 năm ở Ninh Bình

Cận cảnh Tổ hợp khách sạn 5 sao bỏ hoang 15 năm ở Ninh Bình

(VNF) - Dự án xây dựng tổ hợp khách sạn cao cấp tiêu chuẩn 5 sao Tam Cốc - Bích Động ở Ninh Bình hiện vẫn dở dang, "đắp chiếu" sau 15 năm xây dựng

DN tỷ USD của Bình Dương: Thoái bớt vốn tại Becamex IDC, dự thu chục nghìn tỷ

DN tỷ USD của Bình Dương: Thoái bớt vốn tại Becamex IDC, dự thu chục nghìn tỷ

(VNF) - UBND tỉnh Bình Dương có thể thu về 18.525 tỷ đồng nếu thoái bớt 30,44% cổ phần tại Becamex IDC theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Công ty chứng khoán bị tấn công mạng: Hồi chuông cảnh báo thời 4.0

Công ty chứng khoán bị tấn công mạng: Hồi chuông cảnh báo thời 4.0

(VNF) - Theo chuyên gia, vấn đề an toàn thông tin và quản trị rủi ro luôn được tính đến khi xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, một số cách làm chưa đúng đã dẫn tới sự kém hiệu quả dù đã bỏ ra không ít vốn.

Đất nền Quảng Ninh: Khảo giá 6 khu vực cấm phân lô bán nền trước 'giờ G'

Đất nền Quảng Ninh: Khảo giá 6 khu vực cấm phân lô bán nền trước 'giờ G'

(VNF) - Theo luật mới, Quảng Ninh sắp tới sẽ có 6 khu vực bị cấm phân lô, bán nền. Trước những quy định mang tính ràng buộc, diễn biến phân khúc đất nền tại đây đang cho thấy có nhiều dấu hiệu khởi sắc khi lượng tin đăng bán đất nền, đất dự án tăng mạnh.

Nga tính bổ sung đường ống dẫn dầu vào dự án cấp bách với Trung Quốc

Nga tính bổ sung đường ống dẫn dầu vào dự án cấp bách với Trung Quốc

(VNF) - Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17/5 cho biết một đường ống dẫn dầu thô có thể được bổ sung vào dự án Sức mạnh Siberia 2 (Power of Siberia 2) đã được lên kế hoạch để vận chuyển khí đốt tới Trung Quốc.

Petrol Sao Đỏ: Hơn 8.000 m2 'đất vàng' thương mại dịch vụ chỉ để trồng cây

Petrol Sao Đỏ: Hơn 8.000 m2 'đất vàng' thương mại dịch vụ chỉ để trồng cây

(VNF) - Được giao đất tại vị trí đắc địa của phường Anh Dũng, Quận Dương Kinh - Hải Phòng nhưng Công ty Petrol Sao Đỏ “bỏ quên”, chưa đưa đất vào sử dụng. Mặc dù đã được gia hạn thêm 24 tháng từ tháng 8/2022, nhưng đến nay, mảnh đất vẫn chưa được sử dụng đúng mục đích ban đầu.

Ông Putin bênh vực Trung Quốc sau đòn giáng thuế quan của Mỹ

Ông Putin bênh vực Trung Quốc sau đòn giáng thuế quan của Mỹ

(VNF) - Phát biểu trong cuộc họp báo ở thành phố Cáp Nhĩ Tân trong chuyến công du hai ngày tới Trung Quốc, Tổng thống Nga Putin chỉ trích đòn thuế quan mới mà Mỹ áp lên 18 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc.

Cận cảnh khu du lịch sinh thái thành nơi chăn bò

Cận cảnh khu du lịch sinh thái thành nơi chăn bò

(VNF) - Khu du lịch sinh thái Bình Mỹ - sông Nghèn (thuộc thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) rộng hơn 14 ha, tổng mức đầu tư 26 tỷ đồng bị bỏ hoang thành khu du lịch “ma” suốt 8 năm.

Dow Jones lên đỉnh 40.000 điểm, Haidilao nổi nhất chứng khoán Mỹ tuần qua

Dow Jones lên đỉnh 40.000 điểm, Haidilao nổi nhất chứng khoán Mỹ tuần qua

(VNF) - Thị trường chứng khoán Mỹ đã kết thúc tuần giao dịch trong sắc xanh, khi chỉ số Dow Jones lần đầu tiên đóng phiên trên mốc 40.000 điểm, các chỉ số chính khác cũng ghi nhận mức tăng hàng tuần.