Tài chính tiêu dùng

TGĐ Interloan: 'Cơ hội lớn từ thị trường 3,8 tỷ USD đang chờ các nhà đầu tư tài chính'

(VNF) - Với kinh nghiệm cả chục năm trong ngành tài chính - ngân hàng, ông Trần Đại Dương, Tổng giám đốc công ty Interloan là một trong những doanh nhân trẻ tại TP. HCM đang nhìn thấy những lợi thế và cơ hội đang có từ thị trường fintech Việt Nam.

TGĐ Interloan: 'Cơ hội lớn từ thị trường 3,8 tỷ USD đang chờ các nhà đầu tư tài chính'

Ông Trần Đại Dương là một trong những doanh nhân trẻ tại TP. HCM đang nhìn thấy những lợi thế và cơ hội đang có từ thị trường fintech Việt Nam

Ông chia sẻ riêng với VietnamFinance:

"Cùng với sự phát triển của công nghệ và các mô hình dịch vụ mới ra đời, theo tôi, ngành công nghệ tài chính (fintech) là lĩnh vực đang phát triển rất nhanh trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đang được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng nhất cho các dịch vụ fintech nhờ các yếu tố sau. Đầu tiên, việc kiểm soát thành công dịch COVID trong năm 2020, chúng ta đang sở hữu được hưởng lợi thế từ sự chuyển dịch của nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam có dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào với trên 54 triệu người, nhu cầu sử dụng internet, điện thoại di động lớn và cởi mở với sản phẩm công nghệ mới.

Các yếu tố này kết hợp với nhau mở ra cơ hội, sân chơi lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính, miếng bánh hấp dẫn với doanh thu được Euromonitor; GlobalData, Bain and Temasek dự đoán lên tới 3,8 tỷ USD vào năm 2025".

 

- Tuy nhiên, trong lĩnh vực này đang gặp phải cản trở lớn về minh bạch trong thu nhập của các cá nhân, ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng ngược lại đây là cơ hội cho các doanh nghiệp fintech sáng tạo và tạo ra các sản phẩm đột phá.

Bài toán dành cho doanh nghiệp trong lĩnh vực fintech dựa trên những vấn đề chưa được mô hình truyền thống giải quyết, thông tin chưa rõ ràng. Từ đó, fintech sẽ tìm kiếm phương pháp mới và mở ra cơ hội cho riêng mình.

Ví dụ, trước đây khi mà người lao động muốn vay thì họ cần phải có hợp đồng lao động và phải trực tiếp tới quầy để in sao kê lương từ tài khoản ngân hàng. Hiện nay, với thế mạnh công nghệ, các doanh nghiệp fintech tìm kiếm nguồn thông tin thay thế cùng với các thuật toán tiên tiến để tìm ra mô hình đánh giá tín dụng phù hợp, giúp người lao động có thể sử dụng dịch vụ tài chính số ngay trên điện thoại di động, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Thị trường chưa phát triển toàn diện chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp fintech khai thác.

- Trong 3 năm trở lại có rất nhiều doanh nghiệp fintech, nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có đơn vị nào thật sự tỏa sáng trong lĩnh vực này, ông nhận thức vấn đề này như thế nào?

Việt Nam đã có những fintech nổi bật, thậm chí đã có những kỳ lân trong lĩnh vực thanh toán.

Còn đối với các fintech trong khoảng 03 năm trở lại đây, theo tôi có hai yếu tố để thị trường có các doanh nghiệp nổi bật.

Thứ nhất là thời gian. Dịch vụ trung gian thanh toán cần 10 năm để có các doanh nghiệp như MOMO hay VNPAY là những điểm sáng dẫn đầu thị trường về lĩnh vực này. Các fintech về dịch vụ tín dụng cần thêm thời gian cọ xát thị trường, thay đổi sản phẩm, chiến lược để có được các doanh nghiệp nổi bật. 

Thứ hai là khuôn khổ pháp lý. Ngoài lĩnh vực thanh toán, Việt Nam chưa có quy định pháp lý rõ ràng về các hoạt động fintech. Theo tôi, khi hình thành được khuôn khổ pháp lý, các doanh nhân khởi nghiệp, quỹ đầu tư, khách hàng sẽ tự tin để phát triển và mở rộng quy mô doanh nghiệp.

- Lãi suất cho vay của một số fintech cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng, vì vậy họ đang gặp phải định kiến từ xã hội là các chuyên “cho vay nặng lãi”, theo ông vì sao vậy?

Do một số doanh nghiệp biến tướng, lợi dụng cái tên fintech để hoạt động, dẫn tới định kiến fintech với hoạt động cho vay nặng lãi cũng là điều không thể tránh khỏi.

Về lãi suất cho vay, Bộ luật hình sự và Bộ luật dân sự đã có quy định rất rõ ràng về lãi suất. Người dùng có thể tham chiếu thông tin này để biết mình có bị rơi vào tình trạng “cho vay nặng lãi” hay không. Lãi suất của các dịch vụ phụ thuộc vào chiến lược và phân khúc khách hàng của từng doanh nghiệp fintech.

Với các doanh nghiệp fintech, theo tôi cần thực sự quan tâm tới hai yếu tố sau để phân biệt mình với “cho vay nặng lãi”:

Thứ nhất, sản phẩm phải tạo ra phải mang lại lợi ích thực tế, cụ thể cho khách hàng.

Thứ hai, chất lượng dịch vụ sau giải ngân, đặc biệt là quy trình quản lý, nhắc thanh toán thân thiện, với mục tiêu giúp đỡ khách hàng vượt qua các giai đoạn khó khăn tài chính.

- Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, sản phẩm ứng lương mà ông đang phát triển nhắm đến các mục tiêu nào?

Chúng tôi nhận thấy rằng việc chênh lệch ngày nhận lương và ngày cần chi tiêu là một vấn đề với Người lao động. Sản phẩm chính mà tôi đang làm, được thiết kế linh hoạt như một giải pháp công nghệ kết nối cho vay. Cụ thể, công ty chúng tôi sẽ đóng vai trò là sàn kết nối nhân viên tại các doanh nghiệp, theo đó các đối tượng có thể cho vay lẫn nhau và doanh nghiệp hỗ trợ cho nhân viên khi gặp vấn đề khó khăn về mặt tài chính.

Hiện chúng tôi đang ở giai đoạn tìm kiếm mức độ phù hợp giữa sản phẩm với thị trường (product market fit). Chúng tôi đang thực hiện các điều chỉnh sản phẩm trên tệp khoảng 10.000 người dùng hiện tại để tìm ra gói sản phẩm tốt nhất cho khách hàng là lao động nhận lương.

Nhận thấy những cơ hội rất rõ ràng, do đó chúng tôi đang xây dựng một doanh nghiệp sáng tạo các sản phẩm tài chính hấp dẫn, hữu ích với người dùng. Chúng tôi cũng đang xây dựng một đội ngũ tài năng, chia sẻ niềm tin về việc mang lại các giá trị cụ thể cho thị trường công nghệ tài chính.

Nói cách khác, công ty Interloan mà chúng tôi đang gầy dựng, hướng tới trở thành doanh nghiệp đầu tiên xuất hiện trong tâm trí của người lao động hưởng lương khi nghĩ tới dịch vụ tài chính.

- Với cá nhân ông, ông nhìn thấy cơ hội nào cho các nhà fintech của Việt nam?

Đối với cá nhân, tôi tin rằng, chúng ta đang ở trong thời điểm tốt, phù hợp và thị trường hiện tại là cơ hội lớn đối với tôi. Đặc biệt, những chương trình, đề án hỗ trợ của Chính phủ, hệ thống tài chính ngân hàng, tôi tin rằng 2021 sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp fintech, khai thác miếng bánh 3,8 tỷ USD màu mỡ.

Tin mới lên