Thanh Hoá: Dấu ấn FDI từ những dự án tỷ USD

Viết Huy - 23/03/2024 07:17 (GMT+7)

(VNF) - Là một trong 8 khu kinh tế (KKT) trọng điểm của cả nước, KKT Nghi Sơn là trung tâm thu hút các dòng vốn đầu tư vào Thanh Hóa, trong đó có những dự án tỷ USD của các nhà đầu tư nước ngoài. Chính những dự án FDI lớn đã làm nên sức sống cho KKT này và trở thành dấu ấn trong thu hút FDI của Thanh Hóa.

VNF
Ảnh minh hoạ

Trọng điểm Nghi Sơn: Cảng nước sâu và năng lượng

KKT Nghi Sơn có diện tích hơn 100.000 ha được chia làm 55 phân khu chức năng. Với hệ thống giao thông thuận lợi, chính sách ưu đãi, đã biến KKT này thành “rốn” hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Thanh Hóa và cả khu vực Bắc Trung Bộ. Thời gian qua, KTT Nghi Sơn đã thu hút được hàng loạt dự án tỷ USD, nhất là các dự án về năng lượng và cảng biển. Hiện nay, Thanh Hóa đang tham vọng đưa KKT Nghi Sơn thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước.

Trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã cấp mới chứng nhận đăng ký đầu tư cho 19 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 223,8 triệu USD, gấp 2,1 lần về số dự án và 2,86 lần số vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, chấp thuận điều chỉnh vốn cho 8 dự án FDI với số vốn tăng thêm là 63,6 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, vốn góp 11,35 triệu USD, gấp 21 lần so với cùng kỳ. Tổng vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong 2023 ước đạt 453,5 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ.

Lũy kế đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 157 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 14,6 tỷ USD. Trong đó có 75 dự án trong KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp, 82 dự án ngoài địa bàn KTT và khu công nghiệp. Với kết quả này, xứ Thanh vươn lên thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trong đó phải kể đến Khu Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn... là những dự án FDI quy mô lớn lên đến hàng tỷ USD. Nhờ đó, nhiều sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Thanh Hóa có sản lượng trong nhóm dẫn đầu của cả nước như lọc hóa dầu, xi măng, thép...

Với lợi thế vùng nước sâu, đầu tư cảng biển cũng là lĩnh vực hấp dẫn của Thanh Hóa. Hiện đã có 14/21 khu vực cảng tổng hợp hoàn thành và đưa vào khai thác kinh doanh, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 70.000 DWT giảm tải; 7/21 bến cảng còn lại nhà đầu tư đang tiếp tục triển khai xây dựng theo quy hoạch…

Theo số liệu thống kê, các quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Thanh Hóa bao gồm: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Pháp, Đức, Ấn Độ, Bỉ và Ba Lan. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia có số vốn đầu tư cao nhất, với tổng số 19 dự án đang hoạt động, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 6,6 tỷ USD, chiếm 45,2% tổng vốn đầu tư FDI của tỉnh. Trong khi đó, Hàn Quốc đứng đầu về số lượng dự án đầu tư với trên 40 dự án.

Tương quan với các tỉnh miền Trung, Thanh Hóa đang là địa phương dẫn đầu thu hút vốn FDI với chiếm 24%, tổng vốn đăng ký của cả khu vực. Thành công này được đánh giá là kết quả của quá trình tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công khai quy hoạch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực.

3,5 tỷ USD trong 2024: Mục tiêu khả thi

Ngay từ đầu năm 2024, Thanh Hóa kỳ vọng có trên 20 dự án FDI mới sẽ đầu tư vào địa bàn tỉnh. Trong đó có một số dự án lớn như: Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn (vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,5 tỷ USD), dự án Khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hóa của Tập đoàn Sumitomo (400 triệu USD); Dự án Trung tâm thương mại Aeon mall (170 triệu USD), 2 dự án Khu công nghiệp của Tập đoàn WHA (110 triệu USD)…

Đáng chú ý, Dự án Nhà máy điện khí LNG có quy mô đầu tư khoảng 2,5 đến 3 tỷ USD được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030. Dự án có công suất 1500 MW theo Quy hoạch Điện VIII. Đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm đến dự án này. Trong đó có Liên danh Tập đoàn JERA (Nhật Bản) và đối tác SOVICO Holdings đề xuất đầu tư tại Khu vực phía Nam cảng Nghi Sơn.

Theo đề xuất, tổng diện tích quy hoạch khoảng 61,1 ha. Bao gồm: khu vực trên bờ có tổng diện tích 52,3 ha để bố trí tổ hợp nhà máy điện, khu bồn chứa LNG dung tích 230.000 m3, khu tái hóa khí. Khu vực bến cảng LNG có diện tích 4,8 ha có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 97.000 ĐWT (218.000 m3) với công suất tiếp nhận khoảng 2,2 - 2,7 triệu m3 LNG /năm; khu vực trước bến phục vụ neo đậu tàu khoảng 4 ha.

Thời gian qua, Tập đoàn Sumitomo Corporation rất quan tâm đầu tư phát triển và vận hành Khu công nghiệp phía Tây TP. Thanh Hóa với diện tích dự kiến là 650 ha và Trung tâm tiếp vận, đô thị xung quanh khu công nghiệp với diện tích dự kiến khoảng 168.5 ha. Dự kiến dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2024 – 2025 với tổng số vốn khoảng 9.500 tỷ (hơn 400 triệu USD).

Hiện nay, Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long, thuộc Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đang nghiên cứu đầu tư hạ tầng Khu công nghệ – đô thị – dịch vụ phía Tây TP. Thanh Hóa. Nằm cách trung tâm TP. Thanh Hóa hiện tại khoảng 11,2 km về phía Tây.

Để đẩy mạnh thu hút FDI, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn khẳng định quan điểm: “Thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh. Lợi ích của doanh nghiệp là mục tiêu trước mắt và lâu dài của Thanh Hóa”.

Vì thế, Thanh Hóa cam kết luôn luôn đồng hành, là đối tác tin cậy, lâu dài của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến đầu tư kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh coi trọng việc giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo nhiều quỹ đất “sạch” cho nhà đầu tư.

Trong thời gian tới, ngoài những đối tác truyền thống, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… Thanh Hóa đang nỗ lực đa dạng hóa, thu hút thêm các đối tác tiềm năng mới từ Hoa Kỳ, Nga, một số quốc gia châu u khác. Bên cạnh đó, Thanh Hóa tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư lớn đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh để mở rộng quy mô, công suất hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thu hút đầu tư FDI thời gian tới, Thanh Hóa cam kết tập trung cao nhất cho mục tiêu đẩy nhanh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước.

Qua đó, sớm đưa Thanh Hóa hoàn thành mục tiêu thu hút tổng nguồn vốn FDI và đầu tư trong nước (DDI) đạt khoảng 30 tỷ USD giai đoạn 2025 – 2030.

Cùng chuyên mục
Tin khác