Thanh tra kiến nghị Generali Việt Nam hạch toán giảm chi phí 235 tỷ đồng

Nguyễn Kim - 12/08/2024 09:30 (GMT+7)

(VNF) - Kết luận Thanh tra của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị Bảo hiểm nhân thọ GENERALI giảm chi phí năm 2022 số tiền 235 tỷ; thực hiện rà soát, hoàn thiện thực hiện các quy trình, quy chế theo quy định.

Mới đây, Cục quản lý, giám sát bảo hiểm Bộ Tài Chính mới ban hành kết luận thanh tra chuyên đề bán sản phẩm bảo hiểm qua TCTD, chi nhánh ngân hành nước ngoài tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam.

Tại kết luận thanh tra này, Đoàn thanh tra chỉ ra hàng loạt vấn đề tồn tại của công ty BHNT Generali Việt Nam.

Được biết, năm 2022, Generali Việt Nam khai thác bảo hiểm qua 2 tổ chức tín dụng là Ngân hàng OCB và Ngân hàng Eximbank. Theo đó, năm 2022, công ty có 83.417 hợp đồng có hiệu lực khai thác qua kênh bancas, chiếm 35,5% doanh thu bảo hiểm năm 2022 của công ty.

Đáng chú ý, có 2.441 hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ phát hành qua kênh bancas trong thời gian cân nhắc. Cùng với đó, tỷ lệ hủy bỏ Hợp đồng bảo hiểm năm nhất (sau thời gian cân nhắc) là 52,5%.

Ảnh minh họa.

Hạch toán chi phí hoạt động, doanh thu hủy HĐBH sai quy định

Khi thanh tra chọn mẫu, có 9 trường hợp hủy HĐBH trong 21 ngày, tổng số tiền 540 triệu đồng, công ty đã hoàn trả phí bảo hiểm và thu hồi hoa hồng bảo hiểm, nhưng, công ty hạch toán giảm doanh thu nêu trên không đúng quy định tại Điều 21 và Điều 25 Thông tư số 50/2017/TT-BTC.

Cùng với đó, hàng loạt các chi phí được hạch toán, chi trả không đúng quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể, hạch toán, chi trả các chi phí hỗ trợ trả trước, chi phí hỗ trợ bổ sung chi trả, chi phí hỗ trợ cố định chi trả, chi phí hỗ trợ tiếp thị chi trả, chi phí bán hàng, đều không thực hiện đúng, phù hợp với quy định.

Theo đó, Đoàn thanh tra kiến nghị, hạch toán tăng doanh thu 540 triệu đồng, hạch toán giảm chi phí năm 2022 là 235 tỷ đồng.

Trong đó, giảm chi phí hỗ trợ trả trước 34 tỷ, giảm chi phí hỗ trợ tiếp thị chi trả 19,8 tỷ đồng, giảm khoản hỗ trợ bán hành, đào tạo sản phẩm 721 triệu đồng, giảm chi phí hỗ trợ bán hàng 65,4 tỷ đồng, hạch toán giảm chi phí phụ cấp nhân viên thuộc đại lý 103,8 tỷ đồng.

Chưa có quy định giám sát, kiểm soát đại lý

Cụ thể, quy trình, quy chế của BHNT Generali Việt Nam chưa có quy định về giám sát, kiểm soát đại lý tổ chức trong việc tuân thủ đúng quy tắc đại lý, các nội dung được ủy quyền tại hợp đồng đại lý.

Thêm nữa, Generali Việt Nam chưa có quy định xử lý và trách nhiệm của các bộ phận có liên quan trong việc bàn giao Hợp đồng bảo hiểm; chưa có sự tham gia, kiểm soát của Generali Việt Nam khi đại lý tổ chức xử lý kỷ luật đối với nhân viên ngân hàng vi phạm hoạt động đại lý bảo hiểm.

Khi thanh tra chọn mẫu, Đoàn thanh tra đã nêu ra, có trường hợp nhân viên ngân hàng vi phạm nhiều lần lỗi chậm/không trực tiếp bàn giao Hợp đồng bảo hiểm nhưng công ty chỉ đưa ra hình thưc kỷ luật “Nhắc nhở”.

Có trường hợp nhân viên ngân hành vi phạm nhiều lần lỗi ký thay/để người khác ký thay khách hàng, đại lý cá nhân không hợp tác giải trình, công ty chỉ đưa ra hình thức cảnh báo cấp độ 2 nhiều lần, cho thời gian thử thách và không xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng và biện pháp ngăn chặn phù hợp quy chế xử lý vi phạm kinh doanh do công ty ban hành.

Theo ghi nhận, năm 2022, có 600 trường hợp khách hàng có ý kiến phản ánh liên quan đến Hợp đồng bảo hiểm và nội dung tư vấn bảo hiểm; 1.683 khách hàng không hài lòng về vấn đề như ứng dụng khó sử dụng, hay gặp lỗi, thời gian giải quyết chậm, sản phẩm không vượt trội, liên hệ tổng đài khó khăn, chỉ nhắc phí và không quan tâm chăm sóc khách hàng,…

Đáng chú ý, trong năm 2022, có tới 28/76 phản ánh của khách hành liên quan đến nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm đã được công ty xác định là có sai phạm của đại lý và đã xử lý đại lý.

Lỗ lũy kế hơn 3.000 tỷ đồng

Kết quả kinh doanh năm 2023 doanh thu giảm 16% so với năm 2022, lỗ luỹ kế tới 31/12/2023 là hơn 3.000 tỷ đồng, nợ phải trả lên đến 12.576 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu

Cụ thể, doanh thu thuần về hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ đạt 3.891 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022.

Cùng với đó, doanh thu tài chính tăng mạnh 26% so với năm 2022, đạt 859 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, so với năm tài chính 2022, chi phí tài chính giảm 53%, đạt hơn 35,7 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 44%, đạt hơn 818,8 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ 8% đạt hơn 433 tỷ đồng.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế TNDN năm 2023 đạt gần 777 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2022.

Mặc dù vậy, Bảo hiểm Nhân thọ Generali vẫn chưa thể khắc phục các khoản lỗ luỹ kế từ những năm trước đó. Tính đến 31/12/2023, Bảo hiểm nhân thọ Generali lỗ luỹ kế là 3.146 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn là 4.134 tỷ đồng. Theo đó, Generali có lỗ luỹ kế đạt 43,6% vốn góp của chủ sở hữu.

Cụ thể, cuối năm 2023, Generali có tài sản thuần Quỹ liên kết chung đạt 3.665 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm 2023. Trong đó, phần lớn bao gồm 1.239 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp và 2.180 tỷ đồng tiền, các khoản tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn. Cùng với đó, 2.180 tỷ đồng tiền, các khoản tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn đem lại thu nhập hơn 158 tỷ đồng, 1.239 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đem lại thu nhập gần 73 tỷ đồng. Theo đó, tỷ suất đầu tư thực tế bình quân của Quỹ liên kết chung trong năm 2023 đạt 7,65%.

Tại 31/12/2023, Bảo hiểm Generali có tổng tài sản hơn 16.708 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm 2023. Trong đó, bao gồm hơn 6.066 tỷ đồng tài sản ngắn hạn và hơn 10.641 tỷ đồng tài sản dài hạn. Cùng với đó, tại 31/12/2023, Bảo hiểm Generali có nợ phải trả đạt 12.576 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ hơn 4.131 tỷ đồng. Theo đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đạt hơn 3 lần.

Được biết, BHNT Generali được cấp phép thành lập từ năm 2011 với 100% vốn nước ngoài.

Cùng chuyên mục
Tin khác