Tiến sĩ Trần Đình Thiên: 'Việt Nam đang đứng trước cơ hội dịch chuyển lịch sử'

Thanh Hà - 04/02/2019 23:53 (GMT+7)

(VNF) - Dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2019, tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng: "Đó là điều thật sự không dễ dàng". Nhưng rồi câu chuyện vào đúng ngày cuối nam 2018 đã dẫn dắt chúng tôi đến những điều thú vị.

VNF
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Lý do được ông đưa ra khá đơn giản nhưng thuyết phục: Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao bậc nhất thế giới. Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc – hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, cũng là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam – lại đang xung đột với mức độ gay gắt ngày càng tăng và khó lường.

Một nền kinh tế chuyển đổi còn khá nhỏ và yếu như Việt Nam, chịu tác động của sự va đập đó, có cả tích cực và tiêu cực, cả nguy lẫn cơ, đều ở cấp độ toàn cầu, thời đại. Dù đang có thế và đà tăng trưởng rất tích cực trong vài năm gần đây, được thế giới đánh giá cao, song không thể chỉ căn cứ vào đó để dự báo những kết quả chắc chắn cho kinh tế Việt Nam năm 2019 được.

- Ông có vẻ thuộc nhóm chuyên gia đưa ra các dự đoán tích cực cho kinh tế, nếu vậy thì kinh tế Việt Nam 2019 có khả năng sẽ diễn tiến như thế nào?

TS Trần Đình Thiên: Thực tế tăng trưởng kinh tế trong hai năm vừa qua khiến cho chúng ta có những dự báo chắc chắn hơn. Cách thức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam nay đã khác trước, không còn chỉ chăm chăm vào mục tiêu “tốc độ tăng trưởng cao” nữa.

Trước kia, chúng ta cứ sống chết lấy tốc độ tăng trưởng cao làm mục tiêu, ít chú trọng mục tiêu ổn định. Điều đó đồng nghĩa với việc Chính phủ ít lo cho doanh nghiệp một cách thiết thân, trong khi doanh nghiệp cần nhất là ổn định để yên tâm đầu tư, qua đó, thúc đẩy tăng trưởng chung.

Khi nhà nước đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng cao lên hàng đầu việc dốc tiền ra để thúc đẩy tăng trưởng mà ít lo lạm phát là việc đương nhiên. Cách làm này không chỉ gây ra bất ổn vĩ mô mà còn đẻ ra mối nguy khác: khuyến khích các doanh nghiệp đầu cơ thay vì đầu tư. Nền kinh tế, vì thế, sẽ yếu đi về dài hạn. Các vấn đề cơ bản của nền kinh tế (các tuyến cơ cấu và hệ thống thể chế thị trường lành mạnh) cũng ít được quan tâm đầy đủ.

Nhưng cách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ từ hai năm nay có sự thay đổi căn bản: vấn đề ổn định vĩ mô được đặt lên hàng đầu, dù đó không hẳn là ưu tiên cao duy nhất. Chính phủ cũng nỗ lực tăng trưởng cao nhưng trên nền tảng ổn định vĩ mô và không được phép “hy sinh” chất lượng tăng trưởng. Ngược lại, phải chuyển hướng sang chất lượng tăng trưởng.

Rõ ràng là một tương quan mới giữa tăng trưởng và ổn định này đã được Chính phủ chú ý xác lập và theo đuổi.

Một sự thay đổi có vẻ đơn giản, không có gì “trời long, đất lở”, song theo tôi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Về thực chất, nó chứng tỏ sự xoay chuyển nền tảng tư duy về mô hình tăng trưởng, trở lại đúng nguyên lý căn bản của kinh tế thị trường.

- Như vậy có vẻ như cách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã đi đúng hướng?

Trách nhiệm mang tính sứ mệnh của Chính phủ là tạo ra một môi trường tự do cho đầu tư đến từ khu vực kinh tế tư nhân. Điều này vốn ít được quan tâm trước đây, nhưng giờ đã thay đổi. Không phải tình cờ mà sau 30 năm chuyển sang kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân mới được Đảng thừa nhận là “động lực quan trọng của phát triển kinh tế”.

Chúng ta đã trở lại được các nguyên lý nền tảng của tăng trưởng kinh tế. Đơn giản thế thôi nhưng hiệu lực đóng góp của nó cho phát triển lại rất mạnh, rất cơ bản. Từ hai năm nay, Chính phủ kiên trì theo đuổi cách điều hành tăng trưởng này. Từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, đứng đầu là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đều đặt quyết tâm cố gắng giữ ổn định vĩ mô, bảo đảm môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp. Đây là điều kiện cần giúp cho đầu tư, phát triển doanh nghiệp tốt hơn. Người ta sẽ yên tâm đầu tư khi giá cả ổn định và tình hình kinh tế trở nên có thể dự báo được.

Liên tục trong hai năm qua, lạm phát ở Việt Nam luôn giữ được ở mức dưới 4%. Ổn định khá vững như vậy tạo ra sự tin cậy của doanh nghiệp đối với Chính phủ.

Như vậy, có thể nói chỉ cần đảo cấu trúc đi “một chút thôi” là mô hình tăng trưởng thay đổi hẳn. Theo tôi, đây chính là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất của nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng ta cố gắng tiến hành cả chục năm qua, nhưng mới gặt hái được kết quả bước đầu trong vài năm trở lại đây.

- Theo đánh giá của ông, khu vực kinh tế tư nhân đã có những khởi sắc?

Điều có ý nghĩa “đổi mới lần hai”, rất quan trọng - đó là việc khu vực kinh tế tư nhân “lại được” quan tâm chú ý. Lần trước, cách đây đã hơn 30 năm, khi đường lối phát triển nền kinh tế nhiều thành phần được đưa ra để cứu nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng.

Tất nhiên để khu vực kinh tế tư nhân phát triển thì cần dài hơi, chứ không thể một chốc một nhát được. Nhưng như kinh nghiệm lịch sử cho thấy, chỉ cần biết coi trọng khu vực tư nhân, đừng kỳ thị, phân biệt đối xử nó thì lực lượng này sẽ tự giải quyết tốt vấn đề phát triển và đóng góp của mình. Khi đó, kết quả phát triển mà nó mang lại sẽ là không ngờ tới, thậm chí, còn có ý nghĩa lịch sử to lớn.

Chúng ta biết là mấy năm nay giải ngân đầu tư công rất chậm. Nhưng đầu tư tư nhân “trỗi dậy”, bù lại được phần sụt giảm tăng trưởng có thể gây ra từ đó khả quan một cách bất ngờ.

Trong sự đóng góp tăng trưởng này, phần của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước tuy còn thua kém khu vực đầu tư nước ngoài nhưng đã có khởi sắc tốt hơn rõ ràng. Đặc biệt, các tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam đã bắt đầu trỗi dậy, ngày càng đúng kiểu, đóng góp lớn hơn cả vào tăng trưởng chung lẫn làm trụ cột tốt hơn cho lực lượng doanh nghiệp Việt Nam. Chúng đang tạo ra (mới đang tạo ra thôi) một động thái phát triển mới, một năng lực cạnh tranh và đua tranh quốc tế mới cho nền kinh tế.

Xưa nay, về mặt chính sách, ta chủ yếu quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và nhỏ li ti. Các tập đoàn tư nhân lớn chưa được chú ý. Có thể đây là nguyên nhân chính làm cho thực lực doanh nghiệp Việt Nam, với tư cách là một lực lượng, mãi không mạnh lên được, hàng chục năm vẫn cứ “chậm lớn, khó lớn, không muốn lớn và không dám lớn”.

Vai trò của Chính phủ trong việc cởi trói, tháo gỡ các rào cản cho khu vực tư nhân bắt đầu được phát huy mạnh trong vài năm gần đây. Tuy kết quả chưa được như kỳ vọng mong đợi nhưng bước đầu đã tạo ra được động lực mới, tạo ra lòng tin đối với Chính phủ. Vả lại, việc đẩy hòn đá trì trệ ra khỏi “điểm chết” của nó bao giờ cũng là bước khó nhất. Một khi hòn đá đã nhúc nhích rồi thì nó sẽ lăn với gia tốc tăng lên. Không có gì phải bi quan về kết quả chậm trễ lúc ban đầu.

- Phân tích của ông cho thấy năm 2019 sẽ là một năm kinh tế tiếp tục tốt đẹp?

Như đã nói ở trên, vẫn có khả năng những bất thường và bất ngờ xẩy ra, gay tác động khó đoán lên nền kinh tế Việt Nam. Nguyên nhân là ở bối cảnh quốc tế khó lường.

Nhưng khi giả định cái bối cảnh đó rồi, nếu căn cứ vào đà và thế của nền kinh tế đang có, nhìn theo xu hướng cải cách thể chế và chuyển dịch cơ cấu, có thể tin vào triển vọng tốt lên của nền kinh tế trong vài năm tới. Lý do là những thay đổi đang diễn ra gắn với những vấn đề cơ bản chứ không phải là những giải pháp tình thế.

Tôi nghĩ Thủ tướng không có ý hô hào khi thêm từ “bứt phá” vào thông điệp phát triển cho năm 2019. Ông có những căn cứ vững chắc.

Cần nhấn mạnh thêm là giữa lúc thế giới có rất nhiều chuyện bất ổn, trục trặc và khó dự báo mà Việt Nam vẫn giữ được ổn định và tăng trưởng tốt thì xu thế này giúp lòng tin của thế giới vào Việt Nam sẽ tiếp tục tốt lên. Và đó cũng là một luận cứ tốt cho triển vọng kinh tế 2019-2020 của chúng ta.

- Nhiều người nói tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tới năm 2019 mới ảnh hưởng nhiều tới kinh tế Việt Nam, ông có đồng ý với nhận định này?

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung làm dịch chuyển các chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu thì việc kinh tế Việt Nam ổn định sẽ tạo khả năng dịch chuyển những thứ tốt về Việt Nam. Điều này còn chưa rõ ràng, nhưng đó là một khả năng tích cực. Công thức “Trung Quốc + 1” đang phát huy tác dụng. Môi trường đầu tư tốt sẽ nâng cao vị thế mặc cả và quyền lựa chọn đầu tư của Việt Nam. Và điều này thức sự tốt cho tương lai của nền kinh tế Việt Nam nếu Việt Nam biết tận dụng nó.

Chỗ này cũng nên được nhấn mạnh vì nhiều ý kiến đánh giá là hiện giờ kinh tế Việt Nam còn yếu, khó mà chống đỡ được với các tác động tiêu cực có khả năng rất lớn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Tuy nhiên, đây rõ ràng là một biến cố mang tính lịch sử. Nó tạo ra một thời cơ mang tính lịch sử - thời đại. Cho nên, điểm mấu chốt là cần đánh giá tác động của nó ở khía cạnh tích cực chứ không phải ở mặt tiêu cực của vấn đề.

Rõ ràng là Việt Nam có cơ may gia nhập vào một số chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển mạnh, có thể thoát khỏi tình trạng lệ thuộc tăng trưởng vào bên ngoài, đồng thời chuyển nhanh lên một trình độ công nghệ mới cao hơn.

Tất cả đều là khả năng. Và kết quả tùy thuộc vào nỗ lực cải cách của chính Việt Nam.

Ổn định là một lợi thế. Giờ đây, khi vốn đầu tư đang tính chạy khỏi Trung Quốc, hoặc không đầu tư vào Trung Quốc nữa – chúng có thể chạy sang Việt Nam. Việt Nam đang là một địa chỉ được kỳ vọng, được mong đợi trong công thức “Trung Quốc + 1” đã xuất hiện từ hàng chục năm trước đây.

- Như vậy, trong năm 2019, không khí chung sẽ là tích cực?

Hiện nay tinh thần lạc quan là đúng rồi. Nhưng đúng lúc này phải nhận thức được rằng những cơ hội, lợi ích ngắn hạn có thể gặt hái được từ cuộc đấu của hai cường quốc – nhờ “nhanh mắt, nhanh tay”, không quan trọng bằng việc nhận diện đúng cơ hội lớn cho đất nước, cho nền kinh tế mà tình thế lịch sử, một cơ hội mang tầm thời đại tạo ra và cố gắng tận dụng cho bằng được nó.

Tôi nghĩ ta nên tư duy theo hướng này. Các doanh nghiệp Việt Nam cần có tầm nhìn xa theo cách này: Việt Nam đang có cơ hội cực lớn để bứt phá, phát triển kinh tế.

Khi chúng ta chuẩn bị được năng lực, đã xác định nền kinh tế số là một mục tiêu có tầm quan trọng hàng đầu, thì đây chính là lúc phải lựa chọn đúng và tìm cách gia nhập sớm vào một số chuỗi cung ứng toàn cầu lớn đang dịch chuyển mạnh về loại hình và địa lý, có định hướng vươn lên nhanh về đẳng cấp công nghệ trong các chuỗi đó.

Việc Foxconn tìm địa điểm chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam đang tạo ra cơ hội để Việt Nam tham gia vào chuỗi sản phẩm công nghệ cao của thế giới, giống như Samsung đã và đang làm. Nhưng tôi xin nhắc lại: tất cả chỉ là khả năng. Trong khi nguy cơ biến cơ hội thành thách thức đối với chúng ta là không nhỏ.

Những thay đổi cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam mới diễn ra được vài năm, chưa đủ triệt để và căn bản. Nghĩa là rủi ro vẫn là một nguy cơ lớn.

- Lo ngại nhất trong năm 2019 là gì, thưa ông?

Bên ngoài cũng có tác động tiêu cực. Tác động mạnh đầu tiên có thể nói tới là tỉ giá hối đoái, yếu tố được coi là chỉ báo và công cụ quan trọng nhất để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô.

Việt Nam hiện đang ở thế lưỡng nan. Việt Nam bị “kẹp” giữa một bên là ông nhập khẩu nhiều nhất (Trung Quốc) và một bên là ông xuất khẩu tới nhiều nhất (Mỹ). Hai ông này “đánh nhau” khiến thế lưỡng nan của Việt Nam càng gay gắt đặc biệt.

Lâu nay Việt Nam ở trong tình thế tỉ giá hối đoái thường được đánh giá cao. Với đồng tiền được đánh giá cao, mức độ khuyến khích sản xuất nội địa và xuất khẩu hàng Việt Nam bị giảm thấp; cơ cấu kinh tế nghiêng về lắp ráp, gia công; lại bị kẹt vào nợ nước ngoài khá lớn.

Trong tình thế đó, điều chỉnh tỷ giá cho đồng Việt Nam khi đồng đô la Mỹ lên giá mạnh, đồng nhân tệ xuống giá sâu là bài toán không dễ giải quyết để được lợi cả đôi đường.

Đây là bài toán khó, cần tập trung trí tuệ để tìm kiếm lời giải thực tiễn. Mấy năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã giải quyết khá thành công bài toán này. Tuy nhiên, giờ đây là một tình thế đặc biệt. Chắc chắn cần đến một cách tiếp cận mới, khác thường để đưa ra lời giải có lợi nhất.

Nhưng tôi nghĩ tinh thần chung vẫn là phải điều chỉnh tỉ giá linh hoạt, đến mức uyển chuyển, để đảm bảo nền kinh tế không bị sốc nếu có biến cố lớn bất thường xẩy ra.

- Nhưng thường thì bên cạnh những khó khăn luôn có cơ hội, thưa ông?

Thị trường Mỹ “chặn” hàng Trung Quốc thì tạo cơ hội cho hàng Việt Nam vào Mỹ. Cơ hội đó có nhưng không phải là nhiều cho Việt Nam. Vấn đề là cơ cấu hàng Việt Nam “mỏng”, ít thứ thay thế. Nếu chúng ta cứ tưởng có nhiều chỗ, nhiều thứ có thể thay thế, sẽ dễ dẫn tới chỗ định hướng làm cho nguồn lực của doanh nghiệp phân tán, dàn trải. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng Việt Nam đã ký mấy Hiệp định Thương mại thế hệ mới. Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), rồi Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), tới đây còn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) nữa…

Điều đáng chú ý là nguy cơ nhiều doanh nghiệp tập trung lo “kiếm chác” lợi ích ngắn hạn, ví dụ như tranh thủ sự lên xuống của tỉ giá để lách vào thị trường Mỹ “kiếm” một ít, lách vào thị trường Trung Quốc “kiếm” một ít.

Tất nhiên là không nên từ bỏ cơ hội đó nhưng không nên, không được phép lăn xả vào đó mà bỏ đi những cơ hội lớn, quên mất một cơ hội lịch sử hiếm có đang xuất hiện và chắc chắn không kéo dài mãi.

Nhưng phải thấy rằng cơ hội này không ‘dễ xơi’. Cơ hội càng lớn thì càng khó “xơi”. Và muốn ‘xơi” thì phải có năng lực. Đó là điều các doanh nghiệp cần được cảnh báo trong năm 2019.

Phải lật đi lật lại các vấn đề. Phải chú ý đến những va đập giữa hai nền kinh tế khổng lồ này khi mà Việt Nam ở ngay chính tọa độ trung tâm. Trong lúc ta thực lực chưa mạnh, đà cải cách đang lên, nền kinh tế đang cần thêm rất nhiều nỗ lực. Nền kinh tế đang chuyển đổi giống tình trạng của một con rắn đang lột xác, tuy đang lúc lớn lên nhanh nhưng còn rất yếu, rất dễ bị tổn thương.

Điều này càng đòi hỏi phải tỉnh táo, phải có một tầm nhìn chiến lược, phải biết tập trung toàn lực để nắm bắt cho được cơ hội lịch sử hiếm hoi này.

Năm 1986, chúng ta đã mở ra cơ hội cho kinh tế tư nhân và nền kinh tế đã thành công. Giờ đây, sau 30 năm, một lần nữa, cơ hội lại mở ra, giao sứ mệnh cho kinh tế tư nhân. Nhưng lần này, với kinh nghiệm đã có, phải làm bài bản hơn. Thật bài bản, bởi thời điểm này cực kỳ có ý nghĩa, gắn với thời điểm dịch chuyển rất lớn của thế giới. Dịch chuyển cả về mặt công nghệ lẫn cấu trúc sức mạnh, cấu trúc thị trường…

- Xin chân thành cám ơn ông, chúc ông và gia đình một năm mới 2019 an khang, thịnh vượng!

Cùng chuyên mục
Tin khác