Tìm động lực mới cho nền kinh tế: Chờ đợi ở khu vực tư nhân

TS Nguyễn Đình Cung - 15/08/2022 07:56 (GMT+7)

(VNF) - Đầu tư công có nguy cơ đình trệ do nhiều yếu tố. Do đó, trong bối cảnh này, Chính phủ cần thiết kế động lực tăng trưởng mới khi động lực tăng trưởng đến từ đầu tư công bị giảm sút...

VNF
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM.

Xem lại cơ chế đầu tư công

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 30/6/2022, giải ngân vốn đầu tư công chỉ ước đạt 27,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Theo đó, có 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 6/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Đáng kể, có 25 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm và đặc biệt có 4 cơ quan trung ương đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công được mang ra bàn thảo. Chậm giải ngân gần như đã trở thành một điệp khúc, kéo dài nhiều năm. Không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng thực trạng ấy rất đáng buồn, nhất là với năm nay, bởi 2022 là năm đầu tiên Chính phủ thực hiện chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội với quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng, kỳ vọng là rất lớn.

Chúng ta đều biết để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện các gói kích thích khổng lồ. Năm nay chúng ta mới thực hiện thì đã chậm hơn họ rồi. Quá trình giải ngân lại chậm thêm nữa thì Việt Nam càng khó bứt lên. Trong giai đoạn dịch bệnh, người dân tiêu cả tiền tiết kiệm nhưng tổng cầu vẫn giảm, nên nếu không có sự hỗ trợ đủ lớn của Chính phủ thì tốc độ tăng trưởng không thể nhanh được.

Trong gói hỗ trợ này, “ngôi sao hy vọng” được đặt vào nhóm giải pháp đầu tư công, nếu làm được thì đây sẽ là cú hích rất lớn để đẩy mạnh tăng trưởng, giúp nền kinh tế phục hồi. Song đầu tư công hiện nay rất chậm, vì nhiều nguyên do.

Một là giá nguyên liệu đang tăng cao. Thống kê cho thấy, giá thép đã tăng hơn 40% trong khi giá các mặt hàng vật liệu xây dựng khác như cát, sỏi, tôn... cũng tăng 20% - 25%. Điều này đã làm đội vốn công trình xây dựng, khiến nhiều dự án đầu tư có sử dụng ngân sách nhà nước có nguy cơ đình trệ. Bởi vật liệu xây dựng tăng đã làm thay đổi tổng vốn đầu tư - nội dung quan trọng nhất trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. Khi tổng mức đầu tư thay đổi, chủ đầu tư buộc phải đi xin lại chủ trương đầu tư. Thủ tục này có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí hàng năm. Vì vậy, nếu Chính phủ không chỉ đạo quyết liệt, giải ngân đầu tư công năm nay chắc chắn sẽ thấp. Và đây chính là nguyên nhân thứ hai – nguyên nhân chính sách.

Để giải quyết nút thắt chính sách này, chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần, đó là không thể quyết định tổng mức đầu tư ngay từ trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư bởi đây là yếu tố dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả.

Theo quy định của pháp luật, khi tổng vốn đầu tư thay đổi, chủ đầu tư buộc phải xin điều chỉnh chủ trương đầu tư. Quy định này đang làm chậm trễ rất nhiều dự án đầu tư công lớn hiện nay như Metro ở Hà Nội và TP. HCM... gây tốn kém, lãng phí và không hiệu quả. Vậy nên Chính phủ cần chỉ đạo thật nhanh để giải quyết tình trạng này; thậm chí có thể cần tới cả quyết định phi truyền thống hướng dẫn về thủ tục, thẩm định dự án... để điều chỉnh đồng loạt những quy định liên quan tới tổng mức đầu tư trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.

Xa hơn, chúng ta phải tiến tới sửa Luật Đầu tư công cũng như những quy định liên quan tới chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó tránh “bó cứng” tổng mức đầu tư của dự án. Nếu được, bỏ luôn quy định liên quan tới điều chỉnh chủ trương đầu tư vì trong năm 2021 và vài năm tới, động lực tăng trưởng vẫn đến từ đầu tư công. Có như vậy, chủ đầu tư và nhà thầu mới yên tâm khi tham gia dự án đầu tư có sử dụng ngân sách nhà nước.

Tìm động lực mới cho nền kinh tế

Với tốc độ giải ngân như hiện tại, đầu tư công có nguy cơ đình trệ trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động từ Covid-19. Trong bối cảnh này, Việt Nam nên tìm kiếm động lực tăng trưởng từ đâu? Đây là câu hỏi không dễ để trả lời trong bối cảnh hiện tại.

Hiện tại, doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn do chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Vì vậy, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phải chuyển từ cầm cự sang hỗ trợ phục hồi. Bên cạnh các gói hỗ trợ, các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp vẫn phải là ưu tiên hàng đầu và cần phải quyết liệt hành động. Việc này có thể làm được ngay và có tác động trực tiếp ngay tới khu vực doanh nghiệp.

Về dài hạn, cần phải tìm kiếm động lực mới. Theo tôi, các vùng động lực phải quay trở lại, trong đó tập trung vào khu vực tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (trọng tâm là Hải Phòng) và Đồng bằng sông Cửu Long (với trọng tâm là Cần Thơ). Nếu phát triển được các khu vực này thành vùng động lực, trung tâm logistics thì kinh tế sẽ phát triển. Song để làm được điều này, cần mở ra cơ chế để khu vực tư nhân tham gia.

Rút kinh nghiệm từ phát triển kinh tế các vùng trọng điểm thời gian qua, phải xác định ngay từ đầu vị thế của Hải Phòng trong khu vực. Đó không phải là Hải Phòng của Hải Phòng, phải là Hải Phòng của miền Bắc và của cả nước. Theo đó, động lực tăng trưởng phải đặt trong dài hạn và phát huy được khu vực kinh tế trong nước, không nên quá phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Vì vậy, chúng ta phải thay đổi tư duy, tránh kìm kẹp doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, phải đẩy doanh nghiệp nhà nước ra bên ngoài, để cạnh tranh công bằng và sòng phẳng với các thành phần kinh tế khác; tạo cơ chế để doanh nghiệp nhà nước chọn người tài, phù hợp với mô hình hoạt động của doanh nghiệp.

Tương tự, muốn phát triển Cần Thơ trở thành trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long thì phải có cơ chế mở cửa cho tư nhân tham gia. Bởi chỉ khi doanh nghiệp kéo được hệ sinh thái về địa phương thì vùng đó mới phát triển. Thiết kế động lực cạnh tranh là điều cần làm vào lúc này.

Cùng chuyên mục
Tin khác