Tồn tại 'vùng cấm' trong công bố thông tin bảo hiểm

Kim Lan - 06/07/2018 17:52 (GMT+7)

Nhìn sang các nhóm ngành tài chính như chứng khoán, ngân hàng hay mảng bất động sản, dễ thấy lĩnh vực bảo hiểm còn nhiều hạn chế trong công bố thông tin, ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin của khách hàng.

VNF
Lĩnh vực bảo hiểm được nhìn nhận là còn nhiều hạn chế trong công bố thông tin. (ảnh minh họa)

Đây là quan điểm chung của các chuyên gia bên lề Hội thảo "Đánh giá kết quả thực hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm giai đoạn 2000 - 2017 và định hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm" vừa diễn ra.

Theo Ths. Hồ Thu Hoài, Đại học Tài chính, Điều 82 Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, cùng Thông tư 50/2017/TT-BTC đã quy định về việc công bố thông tin liên quan đến tình hình tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng thực tế, khách hàng, cũng như những đối tượng quan tâm khác vẫn khó có thể tiếp cận thông tin tài chính đầy đủ của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

“Trên website của các công ty bảo hiểm nhân thọ chỉ có thể xem được các báo cáo tóm tắt khoảng 1 trang giấy, không phản ánh đầy đủ tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hiệu quả ra sao, đầu tư thế nào?... Trong khi các thông tin này rất cần thiết, là một trong những cơ sở quyết định tham gia bảo hiểm đối với khách hàng”, bà Thu Hoài cho biết.

Đồng quan điểm, Ths. Phạm Thanh Truyền, Đại học Tài chính bổ sung: “Các hợp đồng bảo hiểm với thời gian trung và dài hạn kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm…, thậm chí trọn đời. Khách hàng phải đóng phí trước, khi hợp đồng đáo hạn hoặc sự kiện xảy ra mới nhận được quyền lợi của mình, do đó, khách hàng có quyền được biết những thông tin cần thiết về tình hình tài chính, kinh doanh của các công ty bảo hiểm để ra quyết định đúng đắn”.

Việc công khai các thông tin cần thiết cũng được nhìn nhận là sẽ giúp khách hàng có thể so sánh các công ty bảo hiểm với nhau; đồng thời tạo động lực cho các doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo niềm tin đối với khách hàng, góp phần hỗ trợ thị trường phát triển bền vững.

Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Hồ Thủy Tiên, Đại học Tài chính - Marketing cho rằng: “Không phủ nhận quy định về công khai tài chính của Nghị định 73 và Thông tư 50 là điểm nổi bật của cơ quan quản lý trong giám sát hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Thông tư 50 quy định rõ doanh nghiệp bảo hiểm cần công bố báo cáo tài chính trên trang tin điện tử của mình, trên báo ra hàng ngày trong 3 số báo liên tiếp.

Ngoài ra, công ty đại chúng còn phải công bố thông tin theo quy định chuyên ngành chứng khoán. Nhưng thực tế, chỉ riêng Bảo Việt Nhân thọ có công ty mẹ - BVH là công ty niêm yết nên việc tiếp cận từ website dễ dàng, còn tại các công ty khác, thông tin công bố trên website không đầy đủ, vắn tắt, gần như không có gì nhiều”.

Thêm vào đó, theo bà Thủy Tiên, việc lấy số liệu từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm rất khó khăn, ngay cả khi sử dụng đến các mối quan hệ với nhân viên cấp cao của công ty. Đây dường như vẫn là “vùng cấm” về thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm.

“Cần minh bạch thông tin hơn nữa để bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm nhân thọ. Thực tế, việc công bố thông tin của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nhất là công ty có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế, dù doanh nghiệp đã gửi đầy đủ báo cáo tài chính cho Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính). Do đó, cơ quan quản lý cần quy định nội dung thông tin công khai chi tiết hơn, giám sát chặt chẽ hơn nữa việc công bố thông tin trên website của doanh nghiệp”, bà Thủy Tiên nói.

Trong khi đó, phản ánh những hạn chế, “vùng cấm” trong công bố thông tin bảo hiểm tại cuộc gặp mặt giữa Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các cơ quan truyền thông trong tháng 6/2018, một số đại diện ngành truyền thông cũng bày tỏ quan điểm cần sớm xóa sổ “vùng cấm” thông tin cho phù hợp với thực tế phát triển của thị trường.

“Còn rất nhiều dư địa phát triển -  đây là điều mà các thành viên thị trường nhận định về ngành bảo hiểm. Nhưng nếu công tác công bố thông tin không sớm được cải thiện, vẫn giữ quan điểm an toàn theo kiểu “xấu che, tốt khoe” thì sẽ kìm hãm sự phát triển này. Nhìn sang các nhóm ngành tài chính như chứng khoán, ngân hàng hay mảng bất động sản, dễ thấy lĩnh vực bảo hiểm còn nhiều hạn chế trong công bố thông tin. Do đó, ngay từ cơ quan quản lý cũng cần thay đổi quan điểm, nhanh chóng cập nhật thông tin thị trường”, trưởng ban điện tử một tờ báo chia sẻ.

Theo ĐTCK
Cùng chuyên mục
Tin khác