Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
- Kinh tế tư nhân chưa bao giờ có được vị thế như hiện nay, nhưng dường như ông vẫn còn điều gì trăn trở?
TS Nguyễn Đình Cung: Nếu xét theo thời gian, chúng ta có thể nhận thấy chủ trương, chính sách đã thay đổi nhiều, từ việc coi khối kinh tế tư nhân là bất hợp pháp sang đến việc thừa nhận kinh doanh tồn tại hợp pháp vào năm 1990. Sau đó, doanh nghiệp tư nhân được phép kinh doanh những gì mà cơ quan nhà nước cho phép vào năm 1999. Và từ năm 2000, khối kinh tế tư nhân được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Về chính trị mà nói, từ không thừa nhận đến thừa nhận là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế, tiến tới là động lực quan trọng của nền kinh tế là đã có bước tiến thay đổi rất lớn. Tuy nhiên, chừng đó vẫn là chưa đủ động lực để cho khu vực này bứt phá. Hiện nay chúng ta vẫn coi một bên doanh nghiệp nhà nước là lực lượng vật chất chủ yếu, một bên thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân thành động lực quan trọng, điều này có gì đó chưa cân bằng.
- Nhìn lại con đường phát triển mấy chục năm qua của kinh tế tư nhân, điều đọng lại trong ông là gì?
Sau hơn 35 năm Đổi mới, kinh tế tư nhân Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Nhưng điều tôi muốn chia sẻ là khi mới có Luật Doanh nghiệp, không khí đổi mới rất mạnh mẽ, tràn ngập khắp nơi. Nhiều diễn đàn trao đổi, tranh luận về mở cửa, về các thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp tư nhân cũng hào hứng, tham gia vào không khí này rất nhiệt tình. Không cuộc thảo luận nào về Luật Doanh nghiệp, về bãi bỏ giấy phép con thiếu tiếng nói của các doanh nghiệp tư nhân, các hiệp hội. Sự thành công trong thực hiện Luật Doanh nghiệp 1999 có công lớn từ sự hào hứng của người dân.
Nhìn lại, các doanh nghiệp, thương hiệu lớn của Việt Nam bây giờ hầu hết khởi nghiệp từ Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty năm 1990 và Luật Doanh nghiệp 1999. Điều này giúp cho sau hơn 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã có những thương hiệu bước chân ra thế giới, những tỷ phú đứng chung bảng xếp hạng tỷ phú toàn cầu. Nhưng, đáng tiếc, cho đến nay, bóng dáng thế hệ kế tiếp vẫn chưa thật sự rõ nét.
- Vì sao bóng dáng kế cận tiếp nối vẫn chưa thật sự rõ nét?
Trước tiên, phải thẳng thắn thừa nhận, môi trường kinh doanh chưa thực sự tự do, có nhiều rủi ro... đó là những rào cản khiến khu vực doanh nghiệp tư nhân “không dám lớn”. Trên thực tế, ở mức độ nào đó, doanh nghiệp tư nhân được tự do kinh doanh, an toàn hoạt động nhưng họ vẫn cảm nhận chưa an toàn vì hệ thống pháp luật của chúng ta chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Công chức từ trung ương đến địa phương có quyền lớn, tuỳ ý can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tư nhân cũng gặp rủi ro khá lớn về mặt thể chế. Một dự án có thể đang triển khai bị chặn lại, một doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tốt có thể bị thanh tra, có thể từ một lỗi từ bình thường trở thành lỗi trầm trọng. Điều này tạo dư địa cạnh tranh không lành mạnh, đối thủ có thể lợi dụng tạo ra chỗ hở để cơ quan nhà nước can thiệp vào. Khi có tranh chấp, đặc biệt tranh chấp giữa nhà nước và doanh nghiệp thì không có toà án xử lý công bằng.
Nguyên nhân tiếp theo phải kể đến là, thị trường các nguồn lực méo mó, chưa được đẩy mạnh, sự phân bổ nguồn lực phát triển của Việt Nam vẫn theo kiểu xin - cho... đã làm thụt lùi sức sáng tạo của doanh nghiệp tư nhân.
Xin được minh chứng điều này bằng câu chuyện của xúc xích Đức Việt. Trước đây, doanh nghiệp này là minh chứng điển hình về một ông chủ doanh nghiệp có nghề, tâm huyết, nhưng đành phải dừng cuộc chơi và bán lại doanh nghiệp bởi “họ hiểu làm to nữa thì chết”. Nếu là nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp chỉ phải đối diện với rủi ro thương trường nhưng ở đây ngoài thị trường, họ đối diện với hàng loạt rủi ro từ chính sách, thể chế. Vì thế, dù phát triển nhanh, doanh nghiệp tư nhân vẫn chỉ dám nép mình trong chừng mực nào đó, họ không muốn lớn, không dám lớn.
- Vì đâu nên nỗi, thưa ông?
Ở Việt Nam chưa thực sự có một môi trường thuận lợi để một startup đi từ ý tưởng lên thành “kỳ lân”, để các doanh nghiệp nhỏ dần thành doanh nghiệp vừa, rồi doanh nghiệp lớn. Phải nói thật, nếu cứ làm theo quy định hiện hành thì không thể có chỗ cho các ý tưởng đổi mới, sáng tạo. Rồi khi bắt đầu đi vào kinh doanh, lớn hơn chút, doanh nghiệp sẽ đối mặt với hệ thống quản lý nhà nước phức tạp và đầy rủi ro.
Cùng với đó là tư duy xã hội và quản lý hay nghi ngại, làm sao có ít vốn mà làm được nhiều thế, chắc là có mánh khóe, lừa đảo, hay câu chuyện đấu giá đất thấp cũng nghi ngờ, thấy giá cao cũng nghi ngờ. Hình thức cho vay ngang hàng (P2P) không phải lý do của những vụ lừa đảo, mà vì lòng tham và lợi dụng lòng tham của mọi người, nhưng cần phải rạch ròi để không vì thế mà không cho xuất hiện cái mới...
Theo tôi, nguyên nhân chính là các cơ quan quản lý thiếu nguyên tắc quản lý, không hiểu rõ bản chất của kinh tế thị trường, không thấy rõ đâu là việc của thị trường, của doanh nghiệp, đâu là việc của cơ quan quản lý nhà nước, nên cứ thấy khác là sợ, không dám làm.
Đội ngũ start-up ở Việt Nam rất đông đảo, giàu ý tưởng, nhưng phần nhiều phải dịch chuyển sang các thị trường khác như Singapore, Mỹ… để phát triển. Sang đó, họ có thể không thành công hoặc không thành công ngay, nhưng họ huy động được vốn, có các công ty công nghệ, các quỹ đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm, các công ty công nghệ và cả một hệ sinh thái dẫn dắt, hỗ trợ, đưa ra thị trường. Đó là các bước đầu tiên để hình thành một doanh nhân, doanh nghiệp thực sự.
Thế hệ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam gần như đã tự xoay xở làm tất cả, kể cả sự chuẩn bị cho thế hệ kế cận. Nhưng có vẻ như các ngành dịch vụ đang hấp dẫn các doanh nghiệp hơn là các ngành sản xuất, chế biến, chế tạo.
- Có thể hiểu ý của ông là nên thúc đẩy các ngành sản xuất, chế biến, chế tạo hơn là các ngành dịch vụ?
Tất nhiên, chúng ta cần thúc đẩy nền tảng công nghiệp. Ngôi nhà thông minh hay ô tô thông minh vẫn cần sản xuất, cần máy móc, con chip... Các doanh nghiệp tư nhân cũng nên được coi là lực lượng chủ lực, chứ không thể trông vào doanh nghiệp nhà nước. Nhưng, có thể cần sự kết hợp giữa doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân để xây dựng, phát triển, làm chủ công nghệ.
Lúc này, nền kinh tế Việt Nam cần những doanh nghiệp có thể cạnh tranh sòng phẳng ở thị trường quốc tế, dù đó là doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước. Thế hệ doanh nhân thành công kế tiếp của Việt Nam sẽ xuất hiện trong hành trình này, tôi tin như vậy.
Nhưng để làm được điều này, thể chế cũng không thể mãi nhìn vào thành phần kinh tế và vấn đề cần giải quyết tại thời điểm hiện nay là tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, thực thi luật lệ hiệu quả, công bằng để doanh nghiệp tư nhân yên tâm, không sợ lớn nữa.
- Ông có kiến nghị như thế nào để giải quyết vấn đề này?
Đầu tiên phải sửa tư duy, sửa vai trò, chức năng của nhà nước trong nền kinh tế thị trường, rồi mới sửa hệ thống văn bản pháp luật. Tư duy phải là thị trường, để thị trường phân bổ nguồn lực, để thị trường vốn hóa tài sản...
Cùng với đó, các thị trường nhân tố sản xuất như đất đai, lao động... phải hoàn thiện, để tránh quan hệ thân hữu. Hệ thống pháp luật phải đồng bộ, thống nhất. Yêu cầu đầu tiên có lẽ là bỏ thanh tra ngành... Nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật, phải có cơ chế khởi kiện ra tòa. Hãy để các bên tự bảo vệ quyền của mình, cả bên nhà nước và doanh nghiệp bằng cơ chế tòa án. Kinh tế thị trường cần sự phát triển của hệ thống tòa án...
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.