TS Nguyễn Trí Hiếu: 'Phương Tây không mặn mà với bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam'

Trần Lưu - 15/05/2019 12:48 (GMT+7)

(VNF) - Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, làn sóng đầu tư nước ngoài vào bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam chủ yếu đến từ các nước xung quanh, còn phương Tây không mặn mà lắm.

VNF
TS. Nguyễn Trí Hiếu

Tham luận tại hội thảo “Xu hướng mới và cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nửa cuối 2019” được tổ chức vào sáng 15/5, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận hiện đang có làn sóng đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.

"Trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Từ phương Tây thì tôi không thấy nhiều, họ có lẽ không mặn mà lắm với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam như các nước xung quanh, đặc biệt là Trung Quốc", ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, bất động sản nghỉ dưỡng là ngành liên quan và chịu tác động trực tiếp từ tình hình thế giới. Người mua bất động sản nghỉ dưỡng, bên cạnh người trong nước còn có người nước ngoài đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

"Thế giới đang có những dấu hiệu khủng hoảng, trong đó cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang có những diễn biến căng thẳng. Hai bên liên tục trả đũa nhau bằng việc áp thuế. Khi thế giới có khủng hoảng thì một số sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có du lịch. Vì vậy, bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc có rủi ro trong tình hình thế giới thực sự có nhiều biến động, dù cho nửa năm qua thị trường này vẫn đang phát triển khá tốt", TS Hiếu nhận định.

Chuyên gia này cũng lưu ý rằng trong khủng hoảng của thế giới, Việt Nam sẽ có độ trễ so với tình hình thế giới, độ trễ này có thể từ 6 tháng đến 1 năm.

"Như năm 2008 khi Mỹ khủng hoảng thì Việt Nam vẫn an toàn và Việt Nam cho rằng chúng ta miễn nhiễm với khủng hoảng thế giới. Nhưng sang năm 2009 thì sự ảnh hưởng này là rất lớn, trong đó ảnh hưởng đến bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng" TS Hiếu lấy ví dụ.

Đánh giá về việc Ngân hàng Nhà nước đề xuất tăng hệ số rủi ro cho vay mua nhà lên 150% cho các gói vay trên 3 tỷ đồng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc siết tín dụng lại như vậy sẽ tác động đến thị trường bất động sản, các nhà kinh doanh sẽ không mặn mà, nhưng quản lý tốt thì việc siết chặt này của ngân hàng là hợp lý.

Bất động sản cao cấp là cần thiết vì Việt Nam hiện nay có rất nhiều người có tiền. Đây là phân khúc họ rất quan tâm và đó cũng là động lực cho các nhà đầu tư. Nhưng cũng cần cẩn thận, vì nếu cung vượt cầu thì đây cũng là phân khúc khởi đầu cho khủng hoảng và sẽ kéo theo cả thị trường.

Về bất động sản nghỉ dưỡng, hiện nay pháp lý còn lấn cấn về loại hình condotel, chưa rõ là bất động sản để ở hay kinh doanh. Do đó, TS Hiếu kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nhanh chóng giải quyết vấn đề pháp lý để ngân hàng yên tâm khi nhận thế chấp, người mua nhà an tâm về quyền sở hữu. Hiện nay một số địa phương đã cấp sổ cho condotel, nhưng tương lai của sổ đỏ này như thế nào thì không ai rõ.

Với các nhà đầu tư cá nhân, ông Hiếu cho biết đối tượng phù hợp với bất động sản nghỉ dưỡng là người có tiền. Người có nhu cầu đầu tư cần chọn chủ đầu tư uy tín và có khả năng tài chính; chọn dự án có vị trí đắc địa, cơ sở hạ tầng đầy đủ; chọn khu vực và dự án được thiết kế và xây dựng phù hợp với phong cách quốc tế; chọn các dự án đang được thiết kế và xây dựng theo mô hình thành phố thông minh. Nhà đầu tư cần lên kế hoạch tài chính phù hợp để đảm bảo khả năng mua hay tài trợ bất động sản.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng lưu ý các nhà đầu tư cần đưa ra một bài toán tài chính cẩn trọng, cần sự tư vấn của chuyên gia tài chính và pháp lý. Với các nhà đầu tư dùng bất động sản để kinh doanh thì sử dụng phương pháp tính giá trị hiện tại của dòng tiền tạo ra từ kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng.

Cùng chuyên mục
Tin khác