Từ hủy hoại thân thể đến giết người 'mượn xác', những vụ trục lợi bảo hiểm rúng động dư luận

Gia Linh - 14/05/2020 18:34 (GMT+7)

Theo thông tin điều tra ban đầu liên quan đến vụ ông Đỗ Văn Minh - Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà - được xác định là nghi can ra tay sát hại cháu vợ và dựng hiện trường giả. Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan công an đã thu thập được nhiều thông tin quý giá, trong đó có thông tin về gói bảo hiểm nhân thọ. Đây cũng là lần đầu tiên có vụ giết người trục lợi bảo hiểm tại thị trường Việt Nam.

VNF
Bí thư xã giết cháu vợ, dựng hiện trưởng giả nhằm trục lợi bảo hiểm.

Trục lợi bảo hiểm diễn ra ở mọi nơi trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, xét theo thực tế thị trường thì số vụ trục lợi bảo hiểm kiểu giết người “mượn xác” (theo thông tin ban đầu) như vụ việc vừa xảy ra gây rung động dư luận thì không xảy có nhiều.

Ngoài vụ việc trên, thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng đã ghi nhận một số vụ trục lợi bảo hiểm dưới hình thức tự hủy hoại một phần thân thể để đòi tiền bồi thường bảo hiểm.

Chẳng hạn, thời gian trước ở một vài địa phương liên tiếp xảy ra gần 10 trường hợp mua bảo hiểm sau đó bị “tai nạn” cụt ngón tay với những lý do khác nhau (chặt dừa, chặt cây, cưa, chặt giò heo…). Theo những dữ liệu từng khu vực thị trường và các thống kê chuyên môn của ngành bảo hiểm thì đây là hiện tượng rất bất thường.

Một vụ việc khác khá nổi tiếng cũng liên quan đến câu chuyện tự hủy hoại thân thể để đòi tiền bảo hiểm xảy ra vào hồi tháng 5/2016, một người phụ nữ ở Hà Nội thuê người chặt tay và chặt chân, sau đó tạo hiện trường giả bị tai nạn tàu hóa cán để đòi tiền bảo hiểm 3,5 tỷ đồng…

Vụ chặt chân tay trên đã nhanh chóng được công an điều tra ra bởi dấu vết rõ ràng, tuy nhiên có nhiều vụ tự hủy hoại thân thể để nhận tiền bảo hiểm, hay các vụ cố ý khai gian thông tin bệnh để hưởng quyền lợi bảo hiểm chăm sóc sức khỏe nằm viện, thậm chí cả bảo hiểm ung thư…, khiến việc điều tra cực kỳ khó khăn.

Theo ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, có một số vụ việc khó đưa ra bằng chứng rõ ràng về việc trục lợi bảo hiểm nhưng đánh giá qua nhiều yếu tố sẽ thấy có nhiều điểm bất thường. Tuy nhiên xét về lý, các doanh nghiệp bảo hiểm nếu không tìm ra bằng chứng trục lợi, sẽ phải chi trả quyền lơi bảo hiểm.

Thị trường không có số liệu thống kê các vụ trục lợi bảo hiểm qua các năm. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu giai đoạn từ năm 2007 - 2013, có khoảng 52.860 vụ trục lợi với số tiền trên 530 tỷ đồng trong bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam (đó là những vụ doanh nghiệp bảo hiểm điều tra phát hiện được ra bằng chứng, vì thế từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm hoặc khách hàng sau khi biết bị phát hiện tự rút yêu cầu đòi quyền lợi bảo hiểm).

Dù các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chi trả tiền bồi thường những ca nghi trục lợi nhưng trong tương lai, khi các doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp với các bên liên quan điều tra tìm được bằng chứng thì khách hàng (và cả người đã tiếp tay) sẽ vướng vòng lao lý.

Theo Điều 213 Bộ luật hình sự năm 2015 với tội “Gian lận bảo hiểm” quy định hành vi gian lận (trục lợi) bảo hiểm chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 3 đến 7 năm.

Vụ án giết người, đốt xác trên quốc lộ 28 (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) vào rạng sáng 4/5 gây chấn động dư luận. Công an tỉnh Đắk Nông phá án trong 6 ngày.

Cụ thể, qua xác minh, công an phát hiện ông Đỗ Văn Minh - Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà mua gói bảo hiểm mà người thụ hưởng là vợ con ông này có thể lên đến 18 tỷ đồng. Công an cũng xác minh được thông tin: ông Minh nợ hơn 10 tỷ đồng do làm ăn thua lỗ, vợ ông này cũng nợ số tiền khá lớn.

Do vậy, ông Minh lên kịch bản giết cháu vợ và chở đi đốt, tạo hiện trường giả như mình đã chết rồi bỏ trốn về Bình Phước.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy giữa ông Minh và nạn nhân không có mâu thuẫn. Động cơ giết người là do nợ nần, muốn trục lợi tiền bảo hiểm. Vì vậy, ông Minh lên kịch bản giết người, tạo hiện trường giả và lẩn trốn rất chi tiết, tinh vi.

Theo ĐTCK
Cùng chuyên mục
Tin khác