Ví tiền đang cạn: Băn khoăn mua thẻ chăm sóc sức khỏe hay gói bảo hiểm nhân thọ?
(VNF) - Trước những khủng hoảng của ngành bảo hiểm nhân thọ, một bộ phận khách hàng có sự dịch chuyển nhu cầu bảo vệ tài chính, từ dài hạn sang ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ trước mắt và phù hợp với tình hình tài chính của gia đình
Thẻ CSSK: Đáp ưng nhu cầu hàng ngày và nhanh gọn
Chị Hồng Nhung (25 tuổi) ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, chị mới lập gia đình, vừa sinh em bé, nên cũng muốn tìm hiểu bảo hiểm cho cả nhà. Trước rất nhiều thông tin từ các tư vấn, chị tìm hiểu cả 2 hình thức bảo hiểm là nhân thọ và phi nhân thọ. Trong đó gói nhân thọ dành cho cả gia đình gồm 2 vợ chồng và con nhỏ là khoảng hơn 30 triệu đồng/năm bao gồm các quyền lợi về sinh mệnh, tai nạn, bệnh hiểm nghèo, chăm sóc sức khoẻ. Tuy nhiên, tham khảo xong chị quyết định chỉ tham gia thẻ chăm sóc sức khoẻ cho cả nhà với mức chi phí là khoảng 8 triệu đồng/năm.
“Mục tiêu là chăm sóc sức khoẻ, quyền lợi của thẻ rời cao hơn hẳn, đúng thời điểm mà thu nhập bị giảm sút nên tôi quyết định tham gia phi nhân thọ, mặc dù biết rằng số tiền 8 triệu đồng nếu 1 năm không dùng đến quyền lợi cũng sẽ mất đi. Nhưng tham gia bảo hiểm là mua bán rủi ro mà”, chị Nhung nói thêm.
Tương chị, theo chị Thu Trang (33 tuổi) ở Quốc Oai, Hà Nội, gia đình chị có tham gia bảo hiểm nhân thọ từ 2019, tuy nhiên hợp đồng chỉ có quyền lợi nằm viện, không có thẻ CSSK. Tham gia được 5 năm nhưng thời điểm này thu nhập giảm sút, vừa rồi chị phải nhờ tư vấn giảm quyền lợi để giảm phí, đồng thời chọn tham gia thẻ phi nhân thọ cho cả gia đình với mức giá hơn 11 triệu đồng/1 năm.
“Sau mấy lần đi viện, tôi quan tâm đến quyền lợi sát sườn hơn, biết là cuộc sống có rất nhiều rủi ro nhưng ốm đau, tai nạn vẫn là những rủi ro dễ gặp phải nhất. Vì thế tôi quyết định giảm các quyền lợi của hợp đồng nhân thọ để tham gia thẻ CSSK”, chị Trang chia sẻ.
Anh Mạnh Quyết (36 tuổi) ở Nghệ An cũng có biết, mới tham gia gói bảo hiểm sức khoẻ cho cả gia đình gồm cả bố mẹ vợ, với mức mức phí hơn 13 triệu đồng/1 năm, mặc dù được tư vấn cả nhân thọ. Anh Quyết cho rằng, bảo hiểm nào cũng tốt, nhưng thẻ CSSK đang phù hợp với gia đình hơn, vừa là quyền lợi “sống”, vừa là mức chi phí hợp lý.
“Dù biết không ổn định bằng nhân thọ, nhưng với tài chính hiện tại thì tôi vẫn chọn thẻ CSSK không kèm với nhân thọ, chấp nhận mất đi hơn 13 triệu đồng/1 năm để bảo vệ cả nhà. Nhưng nhỡ không may xảy ra rủi ro ốm đau tai nạn, thì sẽ được chi trả theo thực tế chi phí trong hạn mức của thẻ. Hơn nữa cũng hơi e ngại vì nhân thọ thời gian quá dài”, anh Quyết nhấn mạnh.
Mỗi loại bảo hiểm có chức năng riêng
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý I/2024 ước giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2023, ước đạt 53.295 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 33.740 tỷ đồng, giảm 10,9%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 19.555 tỷ đồng, ngược lại tăng 9,8%.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, việc khai thác qua kênh bán chéo bảo hiểm của ngân hàng (Bancassurance) của một số công ty bảo hiểm top đầu và khủng hoảng truyền đã ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ thị trường này. Trong khi đó, lĩnh vực phi nhân thọ ghi nhận tăng trưởng, một phần do nhu cầu ngắn hạn của khách hàng là chăm sóc sức khoẻ tăng cao.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, con số tăng trưởng của mảng phi nhân thọ trong quý I/2024 có thể kể đến nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là yếu tố tâm lý tác động, khi 2023 là thời điểm khủng hoảng của ngành nhân thọ, người dân có xu hướng "e dè", tìm đến các giải pháp ngắn hạn là bảo hiểm phi nhân thọ.
Thứ hai, có lý do đến từ việc tái tục hàng năm, Việt Nam là thị trường thường tái tục vào đầu năm, trong đó chủ yếu là mảng bảo hiểm thương mại, bảo hiểm doanh nghiệp, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm kỹ thuật…đây là thời điểm phải đóng phí mới. Đồng thời, 2023 cũng là một năm khá an toàn, việc thẩm định tái tục tương đối suôn sẻ, dẫn đến kết quả tích cực của mảng phi nhân thọ.
Chia sẻ với VietnamFinance, bà Nguyễn Mai Phương, Giám đốc đối tác của Fuse cho rằng, có 3 lý do khiến tại sao người dân hiện nay lựa chọn tham gia thẻ sức khoẻ gia tăng. Đầu tiên là ưu điểm về mặt chi phí, chỉ từ vài trăm ngàn, rất bình dân nên đại đa số người dân có thể tham gia. Thứ hai, thực tế hiện nay chi phí ý tế liên tục tăng cao, kể cả các bệnh viện công, bảo hiểm sức khoẻ là cách để người thu nhập trung bình vẫn có thể sử dụng các dịch vụ y tế trung và cao cấp. Cuối cùng, tâm lý một bộ phận người tham gia sợ đóng phí dài hạn, ràng buộc quá lâu, kèm theo những lùm xùm của bảo hiểm nhân thọ trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Bà Phương cũng lưu ý rằng, bảo hiểm sức khoẻ vẫn là giải pháp tạm thời của người dân với việc mong muốn sử dụng y tế cao cấp hay tránh rủi ro tài chính trong các tình huống khẩn cấp. Bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khoẻ vẫn là hai phạm trù khác hẳn, mỗi sản phẩm có chức năng riêng nhưng bổ trợ lẫn nhau.
“Bảo hiểm sức khoẻ là phương án “ngắn hạn”, thiếu tính ổn định hơn và không thể thay thế bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, muốn nhận được sự lựa chọn và tin tưởng, ngành bảo hiểm nhân thọ cần có nhiều hành động thực tế để lấy lại niềm tin của người dân”, bà Mai Phương nhấn mạnh thêm.
Đồng quan điểm, theo chị Lê Thị Lan, Chuyên gia hoạch định Tài chính cá nhân, với các vấn đề sức khỏe cần thăm khám thông thường, tác động (chi phí phát sinh) nhỏ hơn so với tử vong, bệnh nặng, tai nạn. Tuy nhiên tần suất gặp lại cao hơn, nên cũng là loại bảo hiểm cần có. Với bệnh nghiêm trọng, tai nạn lớn, tử vong, tần suất gặp thấp hơn nhóm thông thường nêu trên nhưng ngược lại tác động (tổn thất tài chính) lại lớn hơn rất nhiều, có thể khiến tài chính gia đình lâm vào khốn khó.
Do đó, sẽ là thiếu sót nếu chỉ quan tâm tới bảo hiểm sức khỏe (dành cho các vấn đề sức khỏe thông thường) mà bỏ qua việc trang bị dự phòng tài chính cho các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, mà bảo hiểm sức khỏe không thể đảm bảo.
“Bảo hiểm hiện nay là “đo ni, đóng giày”, hoàn toàn có thể kết hợp một kế hoạch bảo vệ tài chính gồm cả nhân thọ và phi nhân thọ, vừa đúng với nhu cầu y tế, lại bảo vệ dài hạn trước những rủi ro lớn. Do đó, khách hàng trước khi tham gia cần chia sẻ đầy đủ mong muốn với tư vấn viên để có được phương án tối ưu”, chị Lan lưu ý thêm.
Tự tin có 'bảo hiểm lo' rồi tá hoả khi phải trả gần 140 triệu viện phí
- Chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng mạnh trong quý I/2024 16/05/2024 01:24
- 'Tiền tôi đóng bảo hiểm mà lại không cho tôi rút" 16/03/2024 10:04
- Bảo hiểm phải tập trung vào nhu cầu thực sự của khách hàng 26/11/2023 10:15
Cảnh đìu hiu ở Chợ trung tâm Móng Cái chuyên bán hàng Trung Quốc
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone