Diễn đàn VNF

Vốn của cường quốc

(VNF) - VietnamFinance xin giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình Sách hóa nông thôn, sau chuyến trải nghiệm Ấn Độ gần đây.

Vốn của cường quốc

Đền Lotus ở New Delhi, Ấn Độ

Ấn Độ là quốc gia xấu xí trong mắt nhiều người Việt Nam bởi các thông tin về hiếp dâm, giết phụ nữ, trẻ thất học và nghèo đói xuất hiện tần suất cao trên báo chí và mạng xã hội Việt Nam.

Các phật tử hành hương về nơi Đức Phật giác ngộ, nơi Người truyền pháp và nơi Người vãng sinh thường chia sẻ về sự nghèo đói của người dân ở đó, đặc biệt là nhiều người ăn xin.

Ấn Độ cũng là nơi có nhiều thành phố ô nhiễm hàng đầu thế giới như Mumbai, New Deli. Ấn Độ là nơi từng được cho là ít nhà vệ sinh nhất trên thế giới.

Ấn Độ có hơn 1,35 tỷ dân, đông thứ hai thế giới. Hơn 30 % dân số Ấn Độ là người nghèo. Hơn 200 triệu trẻ em chưa sở hữu một cuốn sách vì giá sách.

Phân biệt đẳng cấp (castism) là vấn đề tồn tại hàng ngàn năm ở Ấn Độ. Tầng lớp thấp nhất là dalit, nghèo khổ và thiếu nhiều cơ hội để vươn lên cao hơn.

Các thông tin trên, đủ cho chúng ta thấy một Ấn Độ có nhiều nan đề. Vậy họ có lối thoát không? Họ có thể trở thành cường quốc bởi sức mạnh kinh tế, chính trị, có vị thế trên trường quốc tế và góp phần giữ vững an ninh ở Châu Á trong những thập kỷ tới hay không? Là người hoạt động xã hội trong lĩnh vực thư viện, tôi quan tâm đến chính trị, tôn giáo, giáo dục, đặc biệt là VỐN XÃ HỘI của Ấn Độ và góc nhìn như dưới đây.

Một quốc gia muốn lớn mạnh, hiển nhiên rằng, là sự tổng hợp nhiều nguồn lực gồm: (i) đội ngũ trí thức định dạng và dẫn dắt xã hội; (ii) triết lý giáo dục và hệ thống giáo dục tương ứng; (iii) hệ thống chính trị cạnh tranh và tự do báo chí; (iv) tầng lớp trung lưu hành động xây dựng quốc gia; và (v) xã hội dân sự lớn mạnh. Dù Ấn Độ đã và đang gặp nhiều nan đề, tôi vẫn thấy họ có đủ vốn liếng để trở thành cường quốc đáng tin cậy trong thế kỷ 21 và lâu dài hơn.

Trí thức định dạng và dẫn dắt xã hội: Trong thế kỷ 20, nhân loại có một nhà đấu tranh mà nhà vật lý vĩ đại Albert Einstein đã nhận xét rằng “Ông ấy là nhà đấu tranh vĩ đại nhất trong mọi thời đại, Gandhi”. Đúng vậy, bằng phương pháp bất bạo động, bất hợp tác, bác ái, dân tộc tự cường, Gandhi đã dẫn dắt mọi tầng lớp nhân dân Ấn Độ giành được độc lập từ nước Anh mà mất rất ít sinh mạng.

Ngày nay, nhân loại vẫn khắc ghi hình ảnh của Gandhi và người dân Ấn Độ đi bộ đòi muối với hành trình gần 400 km. Giá trị hơn, nhiều nhà lãnh đạo phong trào dân sự trên thế giới đã học hỏi và áp dụng phương pháp của Gandhi để tạo ra những thay đổi trong xã hội mà không cần đến đổ máu. Để có một Gandhi vĩ đại, đất nước Ấn Độ đã trải qua một quá trình dài dung dưỡng và lũy tích giá trị của tiền nhân. Những tiền nhân đó là những người khai sinh ra các tôn giáo như Hindu, Đạo Phật, Kỳ na giáo, là vị vua phổ biến Đạo Phật như Asoka, là đại thi hào Targore ảnh hưởng rộng lớn đến nhiều trí thức thế kỷ 20. Trí thức đã đưa vào lòng đại chúng tinh thần bất bạo động, bác ái, cân bằng sinh thái.

Triết lý giáo dục và hệ thống giáo dục tương ứng: Kế thừa hệ giá trị trong tôn giáo và từ những nhà tư tưởng như Targore, Gandi, triết lý giáo dục của Ấn Độ là phi bạo lực, bác ái, cân bằng sinh thái. Theo Gandhi “Giáo dục là nuôi dưỡng sự toàn thiện nhất về thể chất, tri thức và tâm linh trong con trẻ và người lớn". Tuyên ngôn này đi qua mọi thời đại và giá trị với mọi thế hệ và mọi xã hội. Tư tưởng của Gandhi là kế thừa hệ tư tưởng lũy tích nhiều ngàn năm trong tôn giáo Ấn Độ. Đơn cử, tư tưởng xem thế giới là ngôi nhà chung được đúc kết bởi hai từ cổ ‘Vasudhaiva Kutumbakam’. Tuy nhiên, cấu trúc phân biệt đẳng cấp kéo dài nhiều ngàn năm đã và đang là rào cản phát triển của Ấn Độ. Sự phân tầng đẳng cấp đã biến tầng lớp hạ đẳng không thể ngóc đầu dậy. Vậy chính phủ Ấn Độ đang làm những gì để xóa bỏ chế độ phân biệt đẳng cấp?

Hệ thống chính trị cạnh tranh và tự do báo chí: Hiện Ấn Độ có 8 đảng lớn tham chính trên quy mô quốc gia và nhiều đảng cấp bang có đăng ký. Hệ thống chính trị dân chủ đã tạo nền tảng cho thủ tướng Modi đương nhiệm, vốn xuất thân thuộc tầng lớp thứ 3 trong xã hội Ấn Độ, đã dẫn dắt đảng của ông tranh cử thành công vào năm 2014. Thế giới đã gọi Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất hành tinh bởi những thành công trong gần hai thập niên qua. Nhờ tự do báo chí của nền chính trị dân chủ, các nan đề của xã hội được công bố rộng rãi, tinh thần hiến pháp được truyền tải đến đại chúng để xóa dần chế độ phân biệt đẳng cấp, xã hội dân sự thấm dần trong đời sống xã hội, tỷ lệ người nghèo đã giảm xuống trong hai thập niên qua. Theo dự báo, tầng lớp trung lưu sẽ chiếm 41% dân số Ấn Độ vào năm 2025 với khoảng 580 triệu người.

Tầng lớp trung lưu hành động xây dựng quốc gia: Ấn Độ từng là thuộc địa của Anh nhưng nhà đấu tranh vĩ đại Gandi, trí thức và tầng lớp trung lưu dẫn dắt số đông giành lại độc lập bằng phương pháp bất bạo động. Ngày nay, tầng lớp trung lưu Ấn Độ luôn hướng tới người nghèo bởi chính họ và cha mẹ họ đã trải qua những giai đoạn đói nghèo và họ đã nỗ lực thoát nghèo. Họ đồng cảm với sự thiếu thốn và khổ đau của những người nghèo và hỗ trợ hào phóng khi đồng bào gặp thiên tai. Nhiều người trẻ thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có đã thành những người tiên phong về các ngôi làng lan truyền các giá trị của giáo dục đến cộng đồng cũng như làm cho người làng quê hiểu rõ những chương trình của chính phủ dành cho giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và các bậc học cao hơn.

Nhiều thanh niên trung lưu xuất thân nông thôn đã tình nguyện về làng quê hướng nghiệp học sinh cũng như giúp các em thấy các cơ hội trong tương lai. Hơn thế nữa, họ còn huấn luyện học sinh nông thôn tham gia các kỳ thi tiến tới các bậc học cao hơn và có được cơ hội học tập ở các trường hàng đầu trên khắp Ấn Độ.

Xã hội dân sự: Là một quốc gia dân chủ, tự do báo chí, tầng lớp tinh hoa liền mạch trong hàng ngàn năm cùng với tầng lớp trung lưu có tôn giáo dẫn dắt, Ấn Độ ngày càng lớn mạnh. Chẳng hạn, hiện tại có nhiều nhóm chung tay giải quyết nạn đói sách ở nông thôn Ấn Độ như Pratham Books, Gyan-Kye đã mang cơ hội đọc sách cho hơn 50 triệu trẻ em nông thôn Ấn Độ.

Từ 5 nhóm vốn trên, ngày nay, chúng ta thấy những công ty hàng đầu toàn cầu được lãnh đạo bởi những CEO sinh ra ở Ấn Độ hoặc người gốc Ấn Độ. Các kỹ sư, bác sĩ, nhà kinh tế, nhà khoa học Ấn Độ là đội ngũ được tuyển dụng nhiều hơn trong các công ty tư nhân và tổ chức chính phủ trên toàn cầu. Ấn Độ là quốc gia có giải Nobel đứng thứ 3 Châu Á.

Ngoài 5 nhóm vốn trên, các biểu thị mặt ngoài dưới đây mà tôi thấy ở thành phố Pune, bang Marahastra, phần nào cho thấy một Ấn Độ văn minh trong tương lai.

1. Các quán ăn cấm bán rượu bia. Tất cả các cửa hàng rượu bia phải có giấy phép hoạt động. 40 năm qua, bang Marahashtra không cấp bất cứ giấy phép bán rượu nào.

2. Tắc đường, một số người dựng xe của họ bên vệ đường, tình nguyện phân luồng, tư vấn những người khác chọn hướng đi tốt nhất.

3. Chó hoang nhiều trên đường phố và hiền từ. Người ta đối xử với chó như bạn.

4. Cử nhân, kỹ sư, công nhân kỹ thuật có năng lực tiếng Anh làm việc toàn cầu.

5. Trẻ em được học thiền và yoga từ tiểu học.

6. Đi chợ, đi siêu thị, xe máy và ô tô không phải gửi. Ban đêm, người dân không cần đưa xe vào nhà và không cần khóa.

7. Nhiều người dân thường xuyên biểu tình nếu chính quyền địa phương lạm quyền, tham nhũng.

Tin mới lên