Bảo hiểm nhân thọ đẩy mạnh số hóa

Gia Linh - 25/09/2018 08:30 (GMT+7)

Hiện tại, chưa nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thực hiện số hóa toàn diện các thủ tục, hồ sơ cũng như quy trình bồi thường bảo hiểm để rút ngắn thời gian cho khách hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển ngày một mạnh mẽ, việc số hóa được nhìn nhận sẽ là chiến lược tất yếu, giúp các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh và thu hút khách hàng.

VNF
Ảnh minh hoạ.

Là "tân binh" mới gia nhập thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, song FWD là công ty tiên phong trong phân phối sản phẩm bảo hiểm qua kênh thương mại điện tử.

Theo đại diện FWD, số hóa mọi quy trình là một trong những điểm nổi bật của công ty. Ngoài kênh này, FWD còn đẩy mạnh xây dựng thương hiệu thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook… hay kênh Youtube nhằm gia tăng sự tương tác với khách hàng.

“Gần như toàn bộ các giao dịch của FWD hiện không sử dụng tiền mặt và giấy tờ, hoạt động thẩm định được tiến hành tự động, hợp đồng điện tử hay yêu cầu bồi thường bảo hiểm cũng tự động hóa…

Là công ty bảo hiểm mới, FWD có lợi thế để xây dựng và phát triển doanh nghiệp trên nền tảng số hóa”, đại diện FWD cho biết.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam trong một vài năm gần đây đã ghi nhận những thay đổi vượt bậc trong việc chăm sóc, kết nối dịch vụ với các khách hàng nhờ sự phát triển của công nghệ.

Cùng với việc phát triển những sản phẩm đáp ứng theo nhu cầu của từng phân khúc khách hàng, các công ty bảo hiểm nhân thọ đang nỗ lực nghiên cứu để cung cấp ra thị trường những giải pháp nhằm đơn giản và rút ngắn thời gian chi trả bồi thường bảo hiểm cho khách hàng, nhất là với những hợp đồng liên quan đến chi phí nằm viện hay chăm sóc sức khỏe…

Theo quy định, khi nhận đủ hồ sơ, các doanh nghiệp phải giải quyết yêu cầu bồi thường khiếu nại của khách hàng trong vòng 15 ngày.

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp đã tiến hành số hóa hệ thống, chỉ mất một vài ngày để giải quyết vấn đề này, thậm chí nhiều trường hợp hồ sơ được giải quyết ngay trong ngày.

Bên cạnh việc rút ngắn thủ tục, hồ sơ yêu cầu bồi thường và thời gian chi trả bồi thường, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ còn đẩy mạnh triển khai phát triển các phần mềm, ứng dụng nhằm đẩy nhanh quá trình nộp, phê duyệt hồ sơ yêu cầu bảo hiểm của khách hàng.

Ở những công ty bảo hiểm nhân thọ vào thị trường sau và xác định số hóa là chiến lược sống còn như FWD, việc đặt ra yêu cầu 100% số hợp đồng bảo hiểm được nộp và phát hành trực tuyến tiếp nhận qua các kênh phân phối là điều dễ hiểu.

Tương tự, tại một số công ty bảo hiểm nhân thọ đang bán qua kênh bancassurance như BIDV MetLife, Prudential... tỷ lệ nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm trực tuyến cũng đạt gần 100%.

Chẳng hạn, tại Prudential, tỷ lệ hồ sơ bảo hiểm được phát hành trực tuyến của hãng bảo hiểm này hiện đạt 85%. Đây là tỷ lệ trung bình cho các kênh phối phối sản phẩm bảo hiểm bao gồm cả kênh đại lý, bancassurance…  Còn nếu tính riêng bancassurance thì tỷ lệ này đạt 95%.

Tỷ lệ hồ sơ bảo hiểm của Generali Việt Nam được phê duyệt phát hành trực tuyến hiện đạt khoảng hơn 70% số lượng hợp đồng.

Theo đại diện Generali Việt Nam, sắp tới, tỷ lệ hợp đồng được phê duyệt phát hành trực tuyến sẽ được nâng cao hơn vì tất cả các sản phẩm của công ty sẽ có trên các ứng dụng phần mềm.

Được biết, phần mềm trực tuyến Genova của Generali hiện có thể chạy trên cả laptop cũng như các thiết bị di dộng như máy tính bảng, điện thoại... Khi nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm qua Gennova, gần như ngay lập tức nhận được kết quả thẩm định sơ bộ (với hồ sơ đáp ứng đủ tiêu chí).

Với việc đẩy mạnh số hóa, quy trình quản lý khách hàng tiềm năng, tư vấn, chốt hợp đồng... trở nên thuận tiện và chuyên nghiệp. Trước đó, Generali đã đưa vào sử dụng ứng dụng GenClaims để giải quyết bồi thường.

 “Chúng tôi đang làm cập nhật thông tin khách hàng và sẽ tiếp tục giới thiệu rộng rãi ứng dụng GenClaims/GenVita đến nhiều khách hàng hơn nữa”, đại diện Generali nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của PV, tính đến tháng 8/2018, ngoài những công ty trên, không nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có tỷ lệ hợp đồng bảo hiểm được nộp và phát hành trực tuyến ở mức cao.

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trong nhóm này thừa nhận, cùng với việc thúc đẩy giao dịch thanh toán phí bảo hiểm không dùng tiền mặt, việc nâng cao tỷ lệ hợp đồng bảo hiểm được nộp và phát hành trực tuyến ở các kênh phân phối gần như là yêu cầu bắt buộc trong thời đại công nghệ số.

Theo ĐTCK
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.