Bộ Công an: Cả nước hiện có 210 băng nhóm liên quan tín dụng đen

Việt Cường - 13/01/2019 20:08 (GMT+7)

Lực lượng cảnh sát hình sự đang rà soát làm rõ hơn 200 băng nhóm liên quan hoạt động tín dụng đen với gần 2.000 đối tượng.

VNF
Bộ Công an: Cả nước hiện có 210 băng nhóm liên quan tín dụng đen. (Ảnh minh hoạ)

Theo Bộ Công an, cả nước hiện có 210 băng nhóm với khoảng 2.000 đối tượng liên quan hoạt động tín dụng đen. Thực hiện cao điểm đấu tranh, trấn áp các tội phạm đảm bảo an ninh trật tự Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, lực lượng công an sẽ tăng cường, xác minh, xử lý các đường dây cho vay nặng lãi trong dịp này.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 4 năm gần đây toàn quốc xảy ra hơn 7.600 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến tín dụng đen. Trong số này có 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản. Cùng với đó có khoảng 2.000 vụ lừa đảo, lạm dụng huy động vốn với số lượng hàng nghìn tỷ đồng gây vỡ nợ dây chuyền.

Hiện nay, lực lượng cảnh sát hình sự đang rà soát làm rõ hơn 200 băng nhóm liên quan hoạt động tín dụng đen với gần 2.000 đối tượng giống như các đường dây bị bóc dỡ ở Thanh Hóa, Bắc Ninh, Đắk Lắk…

Thiếu tướng Lương Tam Quang - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết hoạt động tín dụng đen gần đây hoạt động hết sức phức tạp, len lỏi từ nông thôn đến vùng cao, đồng bào dân tộc. Để chào mời người vay, một số nhóm tín dụng đen sử dụng mạng xã hội, ứng dụng di động lôi kéo khách hàng, sau đó cho vay trực tuyến.

Nhiều người tuy không thuộc đường dây này nhưng do hám lợi nên mượn tiền của người thân, các nhóm tín dụng đen để cho vay nhằm hưởng lãi suất chênh lệch. Khi con nợ mất khả năng chi trả hoặc bỏ trốn, người trung gian bị các nhóm tín dụng đen siết nợ.

Theo Thiếu tướng Lương Tam Quang, điều nguy hiểm là tín dụng đen thường gắn với tội phạm có tổ chức và thường núp dưới các vỏ bọc là cơ sở kinh doanh, dịch vụ cầm đồ, cơ sở kinh doanh tài chính, danh nghiệp, công ty đòi nợ thuê.

Hiện nay, hoạt động tín dụng đen có xu thế tạo vỏ bọc kinh doanh hợp pháp dưới dạng các cơ sở kinh doanh tài chính, công ty, doanh nghiệp để hoạt động. Hiện nay, Bộ Công an đang tháo gỡ vướng mắc trong chính sách hình sự và đang thống nhất đề xuất để  xử lý nghiêm hoạt động này với hình phạt phải đủ sức răn đe để hoạt động này không thể tái diễn”.

Theo VOV
Cùng chuyên mục
Tin khác