Cao tốc Bắc - Nam phía Đông: 'Đội vốn nghìn tỷ vì chậm giải phóng mặt bằng'

Đinh Tịnh - 15/04/2020 01:42 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết: Hiện 10/11 dự án cao tốc Bắc - Nam đều chậm tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), do đó, nhiều dự án bị đội chi phí hàng trăm tỷ đồng như đoạn tuyến: Mai Sơn – QL45; QL45 – Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt...

VNF

"Tiến độ GPMB rất chậm"

Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, năm 2019, có 10/11 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam đã được cấp 5.185 tỷ đồng, các địa phương đã cấp 4.748 tỷ đồng cho công tác GPMB. Theo kế hoạch, các tỉnh sẽ cơ bản bàn giao phần đất nông nghiệp trong năm 2019, hành thành GPMB vào Quý II/2020. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều không đạt chỉ tiêu đề ra.

Đáng chú ý, trong năm 2020, Bộ GTVT tiếp tục cấp 5.103, tỷ đồng và hiện các địa phương đã giải ngân 255,5 tỷ đồng (đạt 5%) cho công tác GPMB.

Nhưng hiện trạng thực tế tại nhiều địa phương chưa hoàn thành công tác bồi thường đất nông nghiệp, bồi thường đất ở (đang ở phương án, chưa được phê duyệt).

"Một số địa phương chưa thi công xây dựng khu tái định cư như: Nam Định, Ninh Bình, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang. Khối lượng di dời công trình hạ tầng kỹ thuật còn rất lớn, hiện mới đang ở bước khảo sát, lập phương án đền bù di dời", Bộ GTVT đánh giá.

Về xây dựng khu tái định cư (TĐC), di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật là hết sức quan trọng, là "đường găng" quyết định tiến độ GPMB của dự án, nhưng hiện rất chậm.

"Nếu các địa phương, các chủ sở hữu không tập trung quyết liệt sẽ không thể hoàn thành GPMB như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ bàn giao toàn bộ trong Quý II/2020", Bộ GTVT nêu rõ.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết: Bộ đã có nhiều văn bản và làm việc trực tiếp với Tập đoàn Bưu Chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)... thống nhất các phương án GPMB, tuy nhiên, hiện tiến độ thực hiện chậm. 

Đối với các khu TĐC, một số địa phương lập dự án xây dựng khu TĐC ngoài đô thị với quy mô các công trình đường giao thông, diện tích lô đất... chưa phù hợp quy định về quy hoạch nông thôn mới, làm tăng diện tích xây dựng khu tái định cư, tăng chi phí GPMB.

"Bộ GTVT đã có văn bản số 11659/BGTVT-CQLXD ngày 5/12/2019 gửi UBND các tỉnh đề nghị rà soát quy hoạch, quy mô xây dựng khu TĐC. Đặc biệt với một số địa phương phải điều chỉnh, phê duyệt lại quy hoạch, thiết kế khu TĐC phù hợp tiêu chuẩn TCVN 10380:2014-Đường giao thông nông thôn, quy định về quy hoạch khu dân cư nông thôn để tiết kiệm tối đa chi phí GPMB", Bộ GTVT cho biết.

Đội vốn nghìn tỷ đồng

Do giải phóng mặt bằng chậm, việc đội vốn là điều khó tránh khỏi, nhẩm tính 10/11 cao tốc Bắc - Nam đã đội vốn lên tới cả nghìn tỷ đồng.

Bộ GTVT cho biết: Hiện nay, kinh phí GPMB thực tế tăng vượt tổng mức đầu tư của Tiểu dự án GPMB (bao gồm cả chi phí dự phòng).

Ví dụ như dự án Mai Sơn – QL45 tăng khoảng 305 tỷ, dự án QL45 – Nghi Sơn tăng khoảng 541 tỷ, dự án Nghi Sơn - Diễn Châu tăng khoảng 443 tỷ, dự án Diễn Châu - Bãi Vọt tăng khoảng 390 tỷ, dự án Cam Lộ - La Sơn tăng khoảng 190 tỷ...

Bộ GTVT đã yêu cầu các Ban quản lý dự án khẩn trương kiểm tra, rà soát kinh phí GPMB tại các địa phương, báo cáo ngay về Bộ GTVT vào cuối tháng 4/2020 để xem xét, xử lý vấn đề này.

Bộ GTVT cũng cho biết, việc bàn giao cơ bản toàn bộ mặt bằng cho dự án vào cuối Quý II/2020 là mục tiêu và nhiệm vụ các tỉnh đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ để phục vụ thi công dự án.

Do đó, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh rà soát, xây dựng tiến độ chi tiết triển khai thực hiện hoàn thành các khối lượng còn lại và kế hoạch giải ngân theo tháng, đáp ứng tiến độ cơ bản hoàn thành trong tháng 6/2020; bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án trước tháng 8/2020.

Bộ GTVT cũng yêu cầu các địa phương rà soát, chuẩn xác lại kinh phí GPMB đúng thực tế để có cơ sở xử lý, thực hiện điều chỉnh, bổ sung phần kinh phí tăng thêm, nhằm đáp ứng kịp thời kinh phí phục vụ cho công tác GPMB, đảm bảo phù hợp, tiết kiệm tối đa chi phí.

Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông được đầu tư trước 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654km, đi qua địa phận 13 tỉnh, gồm: Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó, riêng tổng kinh phí GPMB khoảng 12.401 tỷ đồng, diện tích thu hồi khoảng 4.835ha, tái định cư khoảng 3.690 hộ dân và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB.

Đến nay, toàn bộ 11/11 dự án đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm lập phương án đền bù. Hiện Bộ GTVT đã chi trả tiền đền bù, đủ điều kiện bàn giao mặt bằng là 457,42km/653,61km, đạt 70%. Một số tỉnh đạt tỷ lệ cao hơn là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vĩnh Long.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.