Chính phủ muốn linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

Hoàng Minh - 09/11/2024 10:15 (GMT+7)

(VNF) - Sáng 9/11, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án Luật Việc làm (sửa đổi) với điểm nhấn là điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

Cụ thể, người lao động và người sử dụng lao động sẽ chỉ đóng tối đa 1% tiền lương/quỹ tiền lương tháng, đồng thời Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm 1% từ ngân sách trung ương.

Theo Chính phủ, mức đóng cố định 1% tiền lương tháng như luật hiện hành chưa đảm bảo tính linh hoạt để đối phó với những biến động của thị trường lao động và các tình huống bất thường như thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế hoặc khi Quỹ đã kết dư lớn.

Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, Uỷ ban Xã hội Quốc hội đề nghị cân nhắc. Cơ quan này lo ngại việc linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp có thể gây ra sự bất ổn trong hệ thống bảo hiểm, ảnh hưởng đến tính thống nhất của các chế độ thụ hưởng và làm giảm nguồn thu vào quỹ bảo hiểm. Uỷ ban Xã hội cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Chính vì vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ cân nhắc, lấy ý kiến các bộ, ngành, người chịu tác động, đánh giá tác động để bảo đảm quyền lợi của bên liên quan và bảo toàn quỹ.

Nhiều đại biểu quốc hội cho rằng điều chỉnh mức đóng cần đi kèm với xây dựng hệ thống dự báo thất nghiệp chính xác và chi tiết cho từng ngành, từng nhóm lao động. Trước mắt, thay vì thay đổi mức đóng, Chính phủ nên tập trung vào việc bổ sung và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, đặc biệt là trường hợp khó khăn.

Trước đó, trong quá trình góp ý xây dựng dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, doanh nghiệp đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp xuống còn 0,5% cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Trong khi đó, người lao động lại kiến nghị tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên trên mức 60% bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Bảo hiểm thất nghiệp được triển khai từ 2009, chính sách này đã trở thành hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao gồm các chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế. Đây được xem là một trong những công cụ quan trọng giảm thiểu tác động tiêu cực của tình trạng thất nghiệp đối với nền kinh tế.

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được hình thành từ nhiều nguồn, bao gồm đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư và các nguồn thu hợp pháp khác. Người tham gia là lao động khu vực chính thức, có hợp đồng, chi trả theo nguyên tắc "có đóng - có hưởng".

Chậm và nộp thiếu phí bảo hiểm: Tự đánh mất quyền lợi của mình

Chậm và nộp thiếu phí bảo hiểm: Tự đánh mất quyền lợi của mình

Tài chính tiêu dùng
(VNF) - Nhiều trường hợp người tham gia bảo hiểm vì chủ quan chưa nắm được hoặc quên một số mốc thời gian trong hợp đồng bảo hiểm liên quan đến đóng phí, dẫn đến mất quyền lợi. Các chuyên gia lưu ý, tận dụng nhưng không nên lạm dụng, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi khi xảy ra sự kiện bảo hiểm
Cùng chuyên mục
Tin khác