'Chính sách hỗ trợ cần chú trọng về thuế VAT thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp'
Tố Như -
26/09/2021 19:17 (GMT+7)
(VNF) - VCCI cho biết các hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã đã kiến nghị các chính sách hỗ trợ cần chú trọng thêm về thuế giá trị gia tăng thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cần chú trọng về thuế giá trị gia tăng thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo báo cáo của VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã đề nghị ngành thuế rà soát lại các khoản nợ thuế, các khoản phải nộp ngân sách nhà nước để có giải pháp hỗ trợ giãn nộp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã... vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 mà không có khả năng nộp.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cân nhắc chính sách miễn, giãn nộp ngân sách nhà nước đối với các khoản chi phí liên quan trực tiếp tới dòng tiền của doanh nghiệp như: tiền thuê đất, các loại phí, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp...
Đáng chú ý, hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã đã kiến nghị các chính sách hỗ trợ cần chú trọng thêm về thuế giá trị gia tăng thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời bổ sung thêm chính sách hỗ trợ trong trả lương cho người lao động, chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội như giảm mức đóng thay vì chính sách không tính lãi cho doanh nghiệp như hiện nay.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp cho biết dù Quốc hội đã có nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp từ ngày 19/6/2020, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể có doanh thu cũng như phát sinh lãi nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hầu như không có tác dụng đối với doanh nghiệp.
Đề xuất các gói vay lãi suất thấp hoặc 0%
Đối với việc tiếp cận vốn, trước các khó khăn vừa qua, đa phần các doanh nghiệp doanh nghiệp, hợp tác xã đề nghị ngành ngân hàng cho phép được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có thêm thời gian phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét ban hành các gói vay lãi suất 0% hoặc rất thấp trong thời hạn từ 3 đến 6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong giai đoạn khôi phục kinh tế. Việc mở rộng diện xem xét vay tín chấp đối với các doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm cũng cần tính đến vì đây là khó khăn chính về mặt thủ tục của các cơ sở kinh doanh khi tiếp cận tín dụng.
Ngoài ra, nhiều hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã đã kiến nghị về một số chính sách cụ thể như giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập cá nhân trong thời kỳ dịch bệnh.
Cải cách thủ tục hành chính
Hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã cho biết các quy định giãn cách có thể gây khó khăn cho việc tiếp cận khách hàng, đối tác để thực hiện các giao dịch kinh doanh, đặc biệt là các dịch vụ có liên quan đến cấp, xác nhận giấy tờ.
Trong khi đó, một số loại hình thủ tục lại chưa chấp nhận nộp hồ sơ trực tuyến hay sử dụng chữ ký điện tử, chữ ký số trong quá trình đăng ký và phê duyệt. Điều này gây khó khăn và kéo dài thời gian phê duyệt do hoạt động chuyển phát bưu phẩm của các đơn vị giao nhận bị hạn chế nhất định trong thời kỳ có dịch.
Ở một số địa phương, việc di chuyển bị kiểm soát bởi giấy đi đường nhưng thủ tục xin cấp giấy đi đường khá phức tạp. Doanh nghiệp muốn xin giấy đi đường cho một số lượng nhỏ người lao động nhưng cũng bị cơ quan chức năng yêu cầu cung cấp bảng lương đầy đủ của toàn đơn vị. Theo hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã, đây là đòi hỏi không cần thiết.
Do đó, các hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã kiến nghị nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục phức tạp, các cơ quan chức năng cần tìm kiếm các giải pháp nhanh chóng, thuận tiện, giảm gánh nặng thủ tục hành chính cho các cơ sở kinh doanh.
Các hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã cũng kiến nghị trong thời kỳ có dịch, tất cả các cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương cần chấp thuận các các hồ sơ, văn bản scan, các hình thức gửi online trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Theo các hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã, việc đẩy nhanh triển khai dịch vụ công cấp độ 4 cũng rất quan trọng bên cạnh tạo thuận lợi cho các ứng dụng chuyển đổi số trong cải cách hành chính để thay thế cho các hình thức nộp hồ sơ giấy không thích hợp trong thời gian có dịch bệnh.
Theo kết quả khảo sát đánh giá của cộng đồng kinh doanh đối với Nghị quyết 105/NQ/CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 do VCCI thực hiện, có 84% hiệp hội doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã đồng ý với nhận định "Các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đưa ra sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ kinh doanh một cách hiệu quả".
VCCI cho biết chỉ có khoảng 3% không đồng ý, bên cạnh con số 15% không bày tỏ ý kiến về nhận định này. Các hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng tỏ ra thận trọng hơn những tổ chức ở các vùng còn lại.
Các tổ chức ngành hàng và những tổ chức có phạm vi hoạt động trên phạm vi cả nước cũng là những nhóm thận trọng hơn trong mức độ kỳ vọng về Nghị quyết 105, song tỷ lệ tổ chức đồng ý cũng ở mức cao (trên 70%).
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone