Chuyên gia: 'Đặc khu kinh tế có thể được quản lý bởi công ty tư nhân'

Hoài Anh - 24/05/2018 08:10 (GMT+7)

Một thất bại chung của rất nhiều đặc khu kinh tế là trì hoãn đổi mới các chính sách cần thiết vì lo sợ việc tự do hóa diễn ra quá nhanh và mất kiểm soát. Điều này là không tốt vì ý tưởng thiết lập một khu vực như một đặc khu kinh tế chính xác là cho phép thử nghiệm và tự do hóa các chính sách mà không làm ảnh hưởng đến phần còn lại của đất nước.

VNF
Địa điểm của đặc khu kinh tế là một yếu tố quan trọng. Ảnh: Internet.

Đây là nhận định của ông Teo Eng Cheong, Giám đốc Quốc tế (Singapore, Đông Nam Á, Bắc Á), Tập đoàn Surbana Jurong, Singapore về việc thành lập các đặc khu kinh tế.

Theo ông Teo Eng Cheong, các yếu tố để đặc khu kinh tế thành công được bao gồm: Mục tiêu rõ ràng, Đổi mới chính sách táo bạo; Địa điểm thuận lợi; Thiết kế mang tính đặc thù; Quản lý hiệu quả.

Về yếu tố xác định mục tiêu, ông Teo Eng Cheong nhấn mạnh, xác định rõ ràng các mục tiêu của việc thiết lập một đặc khu kinh tế là việc quan trọng nhất. Các mục tiêu đó bao gồm: tạo ra việc làm, đặc biệt là khi tỉ lệ thất nghiệp đang cao; thúc đẩy xuất khẩu để tạo ra dự trữ ngoại tệ, đặc biệt khi đang bị thiếu hụt dự trữ ngoại tệ và thâm hụt thương mại; phát triển các ngành đặc thù, ví dụ như lĩnh vực du lịch; chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, rất khó để thiết lập được một đặc khu kinh tế đáp ứng được tất cả các mục tiêu nói trên cùng một lúc. Do đó, điều quan trọng là phải xác định được nhân tố quan trọng nhất khi thiết lập một đặc khu kinh tế.

Với yếu tố đổi mới chính sách táo bạo, ông Teo Eng Cheong cho rằng sau khi đã xác định các mục tiêu của đặc khu kinh tế, phải hoạch định các chính sách mới một cách táo bạo hoặc mở rộng các quy định hiện hành. Những chính sách này bao gồm chính sách ưu đãi về thuế, quy chế hải quan, chính sách lao động và nguồn vốn.

“Một thất bại chung của rất nhiều đặc khu kinh tế là trì hoãn đổi mới các chính sách cần thiết vì sợ viêc tự do hóa diễn ra quá nhanh và mất kiểm soát. Điều này là không tốt vì ý tưởng thiết lập một khu vực như một đặc khu kinh tế chính xác là cho phép thử nghiệm và tự do hóa các chính sách mà không làm ảnh hưởng đến phần còn lại của đất nước. Để thành công, đặc khu kinh tế cần phải tạo cảm hứng đầy tự tin rằng nó sẽ khác so với các khu vực khác của đất nước”, đại diện Tập đoàn Surbana Jurong nói.

Về địa điểm, đại diện Tập đoàn Surbana Jurong nhấn mạnh, nếu một đặc khu kinh tế với mục tiêu phục vụ xuất khẩu thì việc nằm gần cảng biển và sân bay là rất quan trọng. Nếu đặc khu kinh tế với mục tiêu phát triển lĩnh vực chế tạo, thì việc nằm gần nguồn nhân lực có trình độ sẽ quyết định đến sự thành công của nó.

Về thiết kế mang tính đặc thù, ông Teo Eng Cheong cho rằng, công tác lập quy hoạch và thiết kế đặc khu kinh tế cần phải được thực hiện một cách cẩn thận để bù đắp cho những hạn chế của địa điểm, để phục vụ cho những gì mà nhà đầu tư mong muốn, để giải quyết những điều mà Chính phủ quan tâm, và để tích hợp với các khu vực lân cận. Bước này thường hay bị bỏ qua hoặc thực hiện một cách sơ sài, dẫn đến những hậu quả nguy hại cho sự phát triển của đặc khu kinh tế sau này.

Yếu tố thứ 5 tác động tới thành công của đặc khu kinh tế là quản lý hiệu quả. Theo đó, đội ngũ quản lý cần phải giữ vững tầm nhìn của đặc khu kinh tế, tuân thủ theo quy hoạch tổng thể và cần phải có sự tự tin và linh hoạt để phục vụ cho các thay đổi từ nhu cầu khách hàng, dân số, và tiến bộ công nghệ.

“Ngày càng có nhiều đặc khu kinh tế được quản lý theo cơ chế PPP (Hợp tác công - tư). Điều đó có nghĩa là đặc khu kinh tế có thể được quản lý bởi một công ty tư nhân. Do đó, thỏa thuận hợp đồng giữa công ty quản lý đặc khu kinh tế và Chính phủ, và mô hình doanh thu của việc quản lý đặc khu kinh tế là quan trọng để đảm bảo cho tính bền vững trong dài hạn của đặc khu kinh tế”, ông Teo Eng Cheong khuyến nghị.

Xem thêm >> Nhiều nước duy trì mức thuế giá trị gia tăng cao hơn Việt Nam

Theo HQO
Cùng chuyên mục
Tin khác