Công nghệ: Cú hích cho bảo hiểm vi mô

Ngọc Thu - 26/06/2024 16:30 (GMT+7)

(VNF) - Sự phát triển của bảo hiểm vi mô ở Việt Nam có thể góp phần thay đổi đáng kể cục diện của ngành bảo hiểm theo nhiều cách.

Triển vọng thay đổi cục diện ngành bảo hiểm

Bảo hiểm vi mô là cách gọi các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ với phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, mang đến sự bảo vệ cho cho những người có thu nhập thấp trước những rủi ro như tai nạn, tử vong và mất mát tài sản.

Các chương trình về bảo hiểm vi mô bắt đầu được triển khai độc lập tại Việt Nam từ cuối những năm 1990, tập trung chủ yếu vào đối tượng cá nhân có thu nhập thấp. Tuy nhiên, phải đến những năm 2020, bảo hiểm vi mô mới thực sự mở rộng tới nhiều đối tượng hơn, cung cấp nhiều sản phẩm đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dùng đại chúng.

Ông Nguyễn Hữu Tự Trí, Giám đốc Igloo Việt Nam – một công ty công nghệ bảo hiểm, cho biết những tiến bộ công nghệ gần đây, bao gồm blockchain và AI, đã nâng bảo hiểm vi mô lên một tầm cao mới, cho phép tạo ra các sản phẩm được cá nhân hóa phục vụ lối sống và nhu cầu cụ thể của người tiêu dùng ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời. Các sản phẩm bảo hiểm vi mô đang được cung cấp trên thị trường trải dài từ bảo hiểm tai nạn cá nhân, bảo hiểm thiết bị điện tử và hàng hoá cá nhân, bảo hiểm vận chuyển hàng hoá, bảo vệ người nông dân với sản phẩm bảo hiểm chỉ số thời tiết.

“Sự phát triển của ngành bảo hiểm vi mô nêu bật sự chuyển đổi từ cách tiếp cận “Một sản phẩm phù hợp với tất cả” sang chiến lược cá nhân hoá, phù hợp hơn với lối sống ưu tiên kỹ thuật số, bảo vệ tài sản ảo và mang lại sự an tâm khi đối mặt với những thách thức hiện đại”, ông Nguyễn Hữu Tự Trí cho biết.

Theo Giám đốc Igloo Việt Nam, sự phát triển của bảo hiểm vi mô ở Việt Nam có thể góp phần thay đổi đáng kể bối cảnh của ngành bảo hiểm theo nhiều cách. Thứ nhất là tăng cường tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tại Việt Nam. Theo đó, bảo hiểm vi mô giúp các cộng đồng có thu nhập thấp và chưa được bảo vệ đầy đủ có thể tiếp cận bảo hiểm, đặc biệt là những người ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa, những người thường phải đứng ngoài thị trường bảo hiểm do chi phí cao và quy trình phức tạp.

Thứ hai là đổi mới sản phẩm. Các sản phẩm bảo hiểm vi mô có xu hướng được thiết kế riêng và tùy chỉnh sẽ thúc đẩy sự đổi mới trong ngành, dẫn đến phát triển các dịch vụ trong ngành, giúp phục vụ tốt hơn các nhu cầu đa dạng của khách hàng. Bên cạnh đó, các công nghệ tiên tiến như blockchain và AI sẽ ngày càng được tích hợp vào các sản phẩm bảo hiểm vi mô để hợp lý hóa các quy trình, giảm chi phí và nâng cao trải nghiệm của khách hàng, thúc đẩy hiệu quả và hiện đại hóa toàn ngành.

Thứ ba là thúc đẩy tăng trưởng thị trường bảo hiểm. Việc Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho bảo hiểm vi mô sẽ thu hút các người chơi mới tham gia thị trường và tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy cải thiện chất lượng dịch vụ và cung cấp sản phẩm. Tính cạnh tranh ngày càng tăng cũng sẽ thúc đẩy một thị trường bảo hiểm năng động và phát triển, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng với những lựa chọn và dịch vụ tốt hơn.

Thứ tư là tăng cường an ninh tài chính. Bằng cách mang đến sự bảo vệ cho đối tượng người có thu nhập thấp, bảo hiểm vi mô giúp tăng cường an ninh và ổn định tài chính, tăng khả năng phục hồi kinh tế và hỗ trợ các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn.

Công nghệ đưa bảo hiểm đến người thu nhập thấp

Ngoài 4 phương thức nêu trên, để thay đổi cục diện ngành bảo hiểm, các nhà cung cấp bảo hiểm vi mô còn thực hiện tăng cường quan hệ đối tác. Ông Nguyễn Hữu Tự Trí cho rằng sẽ có sự gia tăng quan hệ đối tác giữa các công ty bảo hiểm và các lĩnh vực khác để tăng cường đổi mới và phân phối sản phẩm, giúp mọi người dễ dàng tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm phù hợp thông qua các kênh phân phối quen thuộc và đáng tin cậy.

Theo ông, việc bảo hiểm vi mô kết hợp với Fintech, nền tảng thương mại điện tử và công ty tài chính sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong ngành bảo hiểm, mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên liên quan, qua đó giúp tăng cường khả năng phân phối bảo hiểm vi mô.

“Fintech và các kênh thương mại điện tử cung cấp khả năng tiếp cận rộng rãi tới nhiều đối tượng, bao gồm cả những nhóm dân cư chưa được bảo vệ đầy đủ. Bằng cách tích hợp bảo hiểm vi mô với các nền tảng này, các công ty bảo hiểm có thể mở rộng mạng lưới phân phối của mình, giúp các sản phẩm bảo hiểm dễ tiếp cận hơn với lượng khách hàng lớn hơn. Việc tận dụng các nền tảng này cũng cho phép các sản phẩm bảo hiểm vi mô được tích hợp liền mạch vào hành trình của khách hàng kỹ thuật số, mang lại trải nghiệm mua hàng thuận tiện và hiệu quả”, Giám đốc Igloo Việt Nam cho biết.

Theo đó, lượng dữ liệu khách hàng lớn có sẵn trên các nền tảng này cho phép các công ty bảo hiểm điều chỉnh các dịch vụ bảo hiểm vi mô để đáp ứng nhu cầu cụ thể của khách hàng cá nhân. Việc tích hợp với nền tảng Fintech và các công ty tài chính cũng cho phép các quy trình tự động hóa và hoạt động hợp lý, giúp giảm chi phí vận hành và nâng cao hiệu quả, tiết kiệm đáng kể chi phí cho các công ty bảo hiểm. Hợp tác với các công ty tài chính cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu phí bảo hiểm và giải ngân bồi thường, đơn giản hóa các giao dịch tài chính cho cả chủ hợp đồng và công ty bảo hiểm.

Hơn nữa, ông Nguyễn Hữu Tự Trí cho rằng sự hợp tác với các nền tảng công nghệ tài chính và thương mại điện tử sẽ tạo cơ hội bán chéo và kết hợp các sản phẩm bảo hiểm vi mô với các sản phẩm tài chính khác hoặc sản phẩm tiêu dùng trực tuyến. Chiến lược này sẽ làm tăng khả năng hiển thị của sản phẩm và mức độ tương tác với khách hàng, giúp thúc đẩy tỷ lệ tham gia bảo hiểm và tăng trưởng doanh thu.

Sẵn sàng để phát triển mạnh mẽ

Với nhiều triển vọng và tiềm năng, Giám đốc Igloo Việt Nam cho rằng bảo hiểm vi mô có vị thế sẵn sàng để phát triển mạnh trong tương lai. Theo ông, ngày càng có nhiều sản phẩm bảo hiểm vi mô được phát triển theo hướng nhắm đến nhu cầu cụ thể của một phân khúc khách hàng cụ thể, cung cấp bảo hiểm cho hầu hết các ngành, mọi loại rủi ro.

Bên cạnh đó, những tiến bộ liên tục trong công nghệ, bao gồm AI, blockchain và nền tảng di động, sẽ cách mạng hóa hoạt động bảo hiểm vi mô. Những công nghệ này sẽ cho phép các công ty bảo hiểm hợp lý hóa các quy trình, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và tiết kiệm chi phí.

“Sự phát triển của nền tảng kỹ thuật số và công nghệ di động sẽ mở rộng các kênh phân phối của bảo hiểm vi mô, giúp những nhóm dân cư chưa được bảo vệ đầy đủ có thể tiếp cận bảo hiểm dễ dàng hơn. Ngày càng có nhiều các mối quan hệ đối tác sẽ được thiết lập để tăng cường hơn nữa việc phân phối bảo hiểm vi mô, đảm bảo tất cả mọi người đều có thể tiếp cận bảo hiểm”, ông Nguyễn Hữu Tự Trí cho biết.

Ông cho rằng, Chính phủ và các cơ quan quản lý được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển của thị trường bảo hiểm vi mô. Các khung pháp lý và chính sách hỗ trợ sẽ tạo điều kiện cho thị trường tăng trưởng, khuyến khích đổi mới và đảm bảo bảo vệ người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy niềm tin và sự tin tưởng vào các sản phẩm bảo hiểm vi mô.

Vốn ngoại đổ vào DN bảo hiểm: Lựa chọn nào để thoát thế kẹt?

Vốn ngoại đổ vào DN bảo hiểm: Lựa chọn nào để thoát thế kẹt?

Tài chính
(VNF) - Sự phân hoá mạnh mẽ trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT) đã khiến nhóm các DN quy mô nhỏ ngày càng khó khăn. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài tại các DN này cũng khó hiện thực hoá tham vọng của mình. Sau nhiều năm không đạt được mục tiêu và kỳ vọng tương lai không tích cực khiến nhiều nhà đầu tư sẽ phải tính lại kế hoạch của mình.
Từng bước phục hồi ngành bảo hiểm nhân thọ

Từng bước phục hồi ngành bảo hiểm nhân thọ

Tài chính tiêu dùng
(VNF) - Sau khủng hoảng năm 2023, cả Chính phủ và các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã thực hiện nhiều biện pháp để phục hồi ngành.
Vốn ngoại đổ vào DN bảo hiểm: 20 năm mòn mỏi và ‘người đến, kẻ đi’

Vốn ngoại đổ vào DN bảo hiểm: 20 năm mòn mỏi và ‘người đến, kẻ đi’

Tài chính
(VNF) - Kỳ vọng thị trường nhiều tiềm năng phát triển, từ đầu những năm 2000, các nhà đầu tư ngoại đã “dòm ngó” DN bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, bên cạnh những trường hợp thất bại “người đến, kẻ đi”, vẫn còn những ông lớn mòn mỏi chờ đợi nhưng những ví dụ thành công vẫn còn quá ít
Cùng chuyên mục
Tin khác