Công ty tài chính tiêu dùng xoay xở phục vụ 33,5 triệu khách bằng công nghệ

Vân Linh - 28/08/2018 18:43 (GMT+7)

Trong cuộc chạy đua cạnh tranh thị phần khốc liệt, các công ty tài chính tiêu dùng đang coi việc áp dụng công nghệ 4.0 như “vũ khí” hữu hiệu của mình.

VNF
Đa phần các công ty tài chính đều đầu tư vào công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo số liệu từ Trung tâm Thông tin tín dụng - Ngân hàng Nhà nước (CIC), tốc độ tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam hiện lên tới 36%/năm. Xét về nhu cầu vay, tiềm năng thị trường còn khá lớn, với 70% trong số hơn 90 triệu dân đang thuộc độ tuổi lao động. Trong khi số lượng dân cư có giao dịch tín dụng được ghi nhận chính thức qua hệ thống ngân hàng, công ty tài chính mới vào khoảng 33,5 triệu người.

Với sức hút từ tiềm năng tăng trưởng lớn, sự cạnh tranh trên thị trường tài chính tiêu dùng ngày càng trở nên gay gắt, nhất là khi có thêm những tên tuổi mới tham gia lĩnh vực này.

Theo đó, chỉ trong tháng 8/2018, có thêm 2 công ty tài chính gia nhập thị trường, đó là VietCredit (được chuyển đổi từ Công ty tài chính cổ phần Xi măng) và SHB Finance. Chưa kể, sắp tới, thị trường sẽ đón nhận thêm các công ty tài chính trực thuộc Ngân hàng OCB, ACB...

Trong bối cảnh này, các công ty tài chính phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm giành giật thị phần, mà một trong những phương thức được đa phần doanh nghiệp sử dụng là đầu tư cho công nghệ.

Ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc VietCredit, cho rằng tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam tại thời đểm hội tụ của internet tốc độ cao, điện toán đám mây, dữ liệu lớn nên VietCredit phải được xây dựng trên nền tảng công nghệ 4.0 mới tạo được lợi thế cạnh tranh.

“Từ xuất phát điểm có nhiều nét tương đồng với quá trình khởi nghiệp, VietCredit tin rằng đầu tư vào công nghệ chính là lời giải cho bài toán tối ưu hóa mô hình vận hành, cũng như quản trị rủi ro của công ty”, ông Tâm nói và cho biết trong những năm qua, VietCredit đã triển khai một hệ thống đồng bộ bằng sự tương tác với các công ty công nghệ tài chính hàng đầu như: SAS (Mỹ); Nucleus (Ấn Độ); BPC (Thụy Sĩ).

Cùng là thành viên mới gia nhập thị trường, giữa tháng 8/2018, SHB Finance (trực thuộc SHB) đã nhanh chóng triển khai dịch vụ bán hàng toàn diện qua gói sản phẩm cho vay tiền mặt tín chấp và khởi động kênh tư vấn dịch vụ, đăng ký vay qua nền tảng trực tuyến.

Trước mắt, SHB Finance triển khai dịch vụ tại 5 tỉnh thành: Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang và sẽ có mặt tại gần 30 tỉnh thành, cung cấp dịch vụ cho khoảng 30.000 khách hàng đến hết năm 2018.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB, cho biết với sản phẩm cho vay tiền mặt là chủ đạo, SHB Finance đang thể hiện chiến lược tập trung, đáp ứng nhu cầu của đông đảo khách hàng đại chúng với mức thu nhập trung bình từ 3 triệu đồng/tháng. Để làm được điều này, việc đầu tư vào công nghệ và triển khai dịch vụ qua nền tảng trực tuyến là không thể thiếu.

Không riêng các gương mặt mới, những tên tuổi kỳ cựu tại thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam cũng đang dần chuyển mình với trọng tâm là nắm bắt công nghệ. Theo ông Branislav Vargic, Giám đốc vận hành Home Credit Việt Nam, để có thể thu hút thêm nhiều khách hàng hơn nữa, Home Credit Việt Nam cần có sự chuyển đổi để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Đây là lý do Công ty đang có những thay đổi ngay từ nội tại, tập trung vào công nghệ và sáng tạo để khách hàng có những trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng dịch vụ.

Hiện tại, Home Credit quyết định hợp tác nhiều hơn với các đối tác công nghệ để tạo ra hệ sinh thái tích hợp, đem tới lợi ích tối ưu cho khách hàng, trong đó có Momo.

Cụ thể, từ tháng 9/2018, khách hàng đăng ký khoản vay tiền mặt tại các điểm giao dịch Home Credit có thể lựa chọn nhận giải ngân khoản vay qua Ví MoMo, bên cạnh việc nhận giải ngân qua ngân hàng, bưu điện. Đồng thời, khách hàng có thể chọn thanh toán khoản vay bằng Ví MoMo ngay trên ứng dụng quản lý khoản vay của Home Credit.

Theo ĐTCK
Cùng chuyên mục
Tin khác