ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ: 'Cần tránh tình trạng địa phương lần lượt xin cơ chế đặc thù'
Lệ Chi -
27/10/2021 17:33 (GMT+7)
(VNF) - Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng Chính phủ cần tránh tình trạng địa phương lần lượt xin cơ chế đặc thù, ảnh hưởng tới phân bổ ngân sách. Vì thế, bà đề xuất Chính phủ tập trung thí điểm cho một địa phương nhằm tạo tiềm năng, động lực phát triển, tập trung chính sách đầu tư để sau 5 năm có thể điều chỉnh quy định pháp luật.
Tại phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế, đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng, theo quy định của Luật Ngân sách, mức dư nợ vay của địa phương không được vượt quá 20%.
Tuy nhiên thực tế chưa sử dụng hết định mức hiện tại, như tỉnh Thanh Hóa, năm 2021 mức dư nợ vay tối đa là 2.636 tỷ đồng nhưng mức dư nợ vay đến cuối năm nay chỉ đạt 27% mức trên.
Đồng thời, tại các địa phương đang thực hiện cơ chế chính sách đặc thù thì trần dư nợ vay đều thấp hơn tỷ lệ Quốc hội cho phép.
Do đó, nữ đại biểu cho rằng cần làm rõ cơ sở xây dựng hạn mức dư nợ vay, phương án sử dụng vốn vay, dự kiến hiệu quả kinh tế và nguồn trả nợ vay.
Vẫn theo bà Thơ, ngoài thành phố Hải Phòng, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế đang có các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách được đề xuất cơ bản tương đồng nhau.
Mặc dù mỗi địa phương có những đặc điểm, thế mạnh, đặc thù so với các địa phương khác, song chưa có những cơ chế và chính sách mới tương thích với đặc thù của một tỉnh hội tụ 3 vùng địa lý, chưa thể hiện vai trò động lực tăng trưởng quan trọng của miền Trung như tờ trình đã nêu.
Về giải pháp liên kết vùng, phát triển vùng kinh tế trong bối cảnh các địa phương đều cần bổ sung nguồn kinh phí để phát triển kinh tế địa phương để tránh tình trạng rải rác các địa phương trong cả nước lần lượt xin cơ chế đặc thù, dẫn đến các quy định pháp luật về ngân sách, phân bổ ngân sách không còn phát huy hiệu lực.
“Tôi đề xuất cho các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, thống nhất giới hạn lại và tập trung vào các chính sách phát triển đầu tư thống nhất về cơ chế đặc thù vùng để sau 5 năm kết thúc giai đoạn thí điểm, nếu thành công thì có thể điều chỉnh quy định pháp luật và áp dụng chung cho các địa phương trong cả nước", bà Thơ kiến nghị.
“Nên lùi thời điểm thông qua các chính sách đặc thù”
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho hay dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp đã có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp tới các trung tâm kinh tế đô thị lớn gây đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động không nhỏ đến nguồn thu ngân sách nhà nước.
“Chúng ta đã tập trung mọi nguồn lực, bao gồm cả nhân lực, vật lực và số tài chính ngân sách khổng lồ để chi cho công tác phòng, chống dịch. Dịch bệnh còn có thể kéo dài và có những yếu tố bất định, không thể lường trước được nên cần dự liệu và chuẩn bị nguồn ngân sách để có khả năng chống chịu nếu dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp”, bà Dung nói.
Do đó, nữ đại biểu cho rằng việc xây dựng chính sách đặc thù, ưu đãi dàn trải đối với các địa phương tại thời điểm này là chưa phù hợp, gây hụt thu ngân sách, tạo thêm gánh nặng cho ngân sách trung ương khi tập trung đầu tư vào các địa phương đặc thù gây ảnh hưởng đến việc điều tiết và phân bổ ngân sách trung ương đối với các địa phương khác.
“Tôi đề nghị cân nhắc lùi thời điểm thông qua các chính sách đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tập trung cho phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh”, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung kiến nghị.
Còn theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn đại biểu Quốc hội Bình Dương), trong khi Quốc hội xem xét thông qua cơ chế, chính sách đặc thù cho một số tỉnh thành thì cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm vẫn còn là câu chuyện mang tính thảo luận cùng với quy hoạch quốc gia vẫn còn chưa được định hình.
“Chúng ta đồng thuận để thông qua các cơ chế chính sách đặc thù lần này, nhưng vẫn mong một cơ chế, chính sách đặc thù cho các vùng kinh tế trọng điểm. Bởi đây mới chính là động lực tăng trưởng trọng yếu, là liều thuốc đủ mạnh cho một cơ thể vừa trải qua cơn bạo bệnh”, ông Nhân bày tỏ.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone