Gửi tiết kiệm: Cần thêm sự tương tác với ngân hàng

Quỳnh Vũ - 08/06/2018 15:53 (GMT+7)

Một số vụ việc liên quan đến tiền gửi tiết kiệm gần đây đã không khỏi khiến một số người e ngại. Để hạn chế rủi ro mất tiền, các nhà chuyên môn khuyên người gửi tiền nhất thiết phải sử dụng tất cả các công cụ kiểm tra tài khoản mà ngân hàng đang cung cấp để chủ động bảo vệ tài sản của mình.

VNF
Cần tăng thêm tính tương tác với ngân hàng để bảo vệ tài sản của mình.

Phải kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi định kỳ

Thực tế, chuyện bị mất tiền trong tài khoản xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Song không thể không nói tới việc bản thân người gửi tiền đôi khi cũng chủ quan không kiểm tra khoản tiền gửi của mình. Và để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra, lời khuyên của các chuyên gia là người gửi tiền cần thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi của mình. Đây được đánh giá là giải pháp hữu hiệu nhất và dễ làm nhất đối với người gửi tiền.

Thừa nhận điều này, chuyên gia kinh tế, luật sư – TS. Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, nói rằng trong tất cả các giải pháp để bảo vệ tài sản gửi tại ngân hàng thì kiểm tra thường xuyên tài sản đó là điều nên làm.

Không những vậy, việc kiểm tra nên thực hiện hàng tuần, hàng tháng nhằm phòng trường hợp nếu bị mất tiền thì khách hàng có thể nhanh chóng báo ngay với ngân hàng hay cơ quan chức năng để có biện pháp khẩn cấp phối hợp giải quyết.

Các cơ quan chức năng và ngân hàng cũng không phải tốn nhiều thời gian trong việc điều tra, truy tố, xét xử, kể cả thi hành án cũng rất nhiêu khê, đặc biệt là khi người lấy cắp tiền không còn tiền để trả lại cho khách hàng.

Trong khi đó, việc kiểm tra số dư này được thực hiện rất dễ dàng và nhanh chóng qua tài khoản internet banking hoặc mobile banking đã được đăng ký với ngân hàng. Việc làm này cũng không mất thời gian của người gửi tiền mà chỉ đơn giản như một lần lướt Facebook để nhận thấy tài khoản của mình vẫn còn nguyên hiện trạng.

Nếu người gửi tiền vẫn cho rằng việc vào mạng để kiểm tra vẫn là một bước phức tạp, không phù hợp với những người lớn tuổi, kém công nghệ thì hiện nay, các ngân hàng đã cung cấp tin nhắn thông báo số dư cho chủ tài khoản. Cá nhân đăng ký sử dụng dịch vụ này sẽ nhận được tin nhắn tự động của ngân hàng khi có biến động về số dư trong tài khoản, một số còn có chức năng nhắc nợ khi đến hạn. Và theo khảo sát thì hiện nay, dù ngân hàng lớn hay nhỏ đều triển khai dịch vụ cung cấp tin nhắn số dư cho khách hàng.

Như vậy, về phía ngân hàng đã có những nỗ lực nhất định, vậy đối với người gửi tiền, thiết nghĩ cũng cần trang bị cho mình những giải pháp tốt nhất để tăng tính tương tác đối với tài sản mà mình đang ký gửi nhận lãi suất. Việc đăng ký nhận tin nhắn thông báo số dư cũng vô cùng đơn giản, người gửi tiền chỉ cần đến ngân hàng mình mở tài khoản, nhờ tư vấn viên điền thông tin và cung cấp số điện thoại đang sử dụng để nhận tin nhắn tự động.

Đối với những trường hợp thay đổi số điện thoại mới, người gửi tiền cũng nên đến ngân hàng để cập nhật lại số điện thoại nhận tin nhắn với ngân hàng. Nhìn chung mức phí của dịch vụ này ở các ngân hàng là khá thấp, phổ biến mức 8.000-15.000 đồng/tháng/thuê bao; thậm chí có một số ngân hàng thông báo miễn toàn bộ các loại phí liên quan đến dịch vụ này.

Không giao dịch thụ động

Bên cạnh việc sử dụng giải pháp kiểm tra số dư thì mỗi khi đến kỳ đáo hạn, người gửi tiền nên đến ngân hàng một lần để bổ túc lại giấy tờ giao dịch thay vì để các tư vấn viên làm thay.

Hiện nay, có rất nhiều trường hợp khách VIP, khách quen hay những người gửi tiền lớn tuổi thường nhờ người đi cùng hoặc nhân viên ngân hàng làm luôn thủ tục gửi tiền hoặc rút, chuyển tiền. Một số người sau đó chỉ ký theo hướng dẫn của người khác mà không đọc xem nơi mình ký là gì?

Hơn nữa, hiện vẫn có rất nhiều trường hợp đến ngân hàng thực hiện giao dịch mà không nắm rõ quy trình, chỉ làm theo yêu cầu của tư vấn viên một cách vô thức mà không hỏi lý do vì sao phải làm như vậy. Có những trường hợp khách hàng được một số nhân viên ngân hàng yêu cầu ký khống vào các mẫu giấy trắng chưa khai thông tin.

Với hình thức này, nhân viên ngân hàng vẫn có thể điền thông tin vào đó nhằm rút tiền của khách hàng theo nhiều cách khác nhau, thậm chí tin nhắn rút tiền cũng không được gửi đến số điện thoại mà khách hàng đã ký, vì có thể đã có sự thông đồng tại các bộ phận khác nhau.

Thiết nghĩ, việc gửi tiền ngân hàng cũng là một hình thức đầu tư dài hạn, cho nên thông tin cá nhân của người gửi với ngân hàng là hết sức quan trọng. Người gửi tiền dù là khách VIP hay không rành về giấy tờ ngân hàng thì cũng không nên giao phó hết cho nhân viên ngân hàng làm mà phải từ từ kiểm tra thật kỹ thông tin trên các loại giấy tờ giao dịch.

Ví dụ như khi nhận sổ tiết kiệm, người gửi tiền cần kiểm tra các thông tin về: tên ngân hàng, loại tiền, số tiền; kỳ hạn gửi tiền; ngày gửi tiền; ngày đến hạn; lãi suất; phương thức trả lãi; họ tên và địa chỉ của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm, của đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm; số CMND hoặc hộ chiếu; số thẻ, con dấu, chữ ký của trưởng đơn vị (hoặc người được ủy quyền)… Nếu người gửi tiền phát hiện có gì sai sót về thông tin cá nhân trên giấy tờ gửi tiền thì phải báo ngay cho ngân hàng để điều chỉnh ngay sao cho phù hợp.

Bởi chỉ cần nhân viên ngân hàng vô tình nhập nhầm số tiền gửi hoặc cố ý chiếm đoạt tiền thì sẽ thể hiện một số sai sót trên sổ gửi tiết kiệm. Nếu người gửi không kiểm tra sổ tiết kiệm thì hợp đồng tiền gửi đó sẽ có thể bị vô hiệu hóa…

Suy cho cùng, các giải pháp tự bảo vệ tài sản gửi tại ngân hàng không quá khó đối với người cẩn trọng. Về lý thuyết, khi để tài sản ở nhà, người giữ tiền cũng luôn phải kiểm tra thường xuyên tài sản của mình. Khi gửi tiền tại ngân hàng cũng vậy, người gửi tiền vừa được gửi tài sản, vừa được hưởng lãi suất thì việc tương tác với ngân hàng để kiểm tra tài sản cũng là điều nên làm. Hơn nữa, những giải pháp nêu ra đây đều là những bước đơn giản, không mất quá nhiều thời gian mà người gửi có thể an tâm cũng như xử lý kịp thời khi có sự cố mất cắp xảy ra…

Mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khẳng định: Quyền lợi người gửi tiền luôn được đảm bảo và khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra tài khoản tiền gửi.

Thực tế, NHNN có văn bản, quy định rõ về quy trình, trình tự, thủ tục nhận tiền gửi khách hàng, trong đó quy định rõ trách nhiệm các tổ chức tín dụng nhận tiền gửi là công khai minh bạch quy trình gửi tiết kiệm, đến hạn trả đủ lãi gốc cho người gửi, đặc biệt phải chịu trách nhiệm lỗi vi phạm để bị lợi dụng dẫn đến mất tiền do tổ chức mình gây ra.

Tuy nhiên, để tránh trường hợp mất tiền xảy ra phải chờ đợi điều tra thì NHNN cũng khuyến nghị khách hàng gửi tiền nên đến tận nơi thực hiện giao dịch tại trụ sở các tổ chức tín dụng, nên thường xuyên kiểm tra, tra soát số dư tiền gửi. Cuối cùng, khi phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho tổ chức tín dụng và các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn việc lạm dụng chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Theo TBNH
Cùng chuyên mục
Tin khác