(VNF) - Chậm giải nhân vốn đầu tư công là vấn đề nhức nhối nhiều năm của Việt Nam. Làm thế nào để xử lý dứt điểm tình trạng này, nhất là khi đầu tư công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự tăng trưởng trong năm 2023. Tạp chí Đầu tư Tài chính có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư về vấn đề này.
- Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022. Với số lượng tiền lớn như vậy, liệu nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm nay có hoàn thành không, thưa ông?
Ông Trần Quốc Phương: Đây là một thách thức lớn, bởi năm 2023 chúng ta cũng phải giải ngân toàn toàn bộ số vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội còn lại. Đáng nói, thách thức giải ngân nguồn vốn khổng lồ này còn đến từ bối cảnh kinh tế vĩ mô năm 2023 được dự báo nhiều bất định, đặc biệt chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, khó dự báo. Bóng ma lạm phát vẫn phủ bóng trên toàn cầu... Nói vậy để thấy rằng khối lượng công việc rất lớn trong khi hoạt động đầu tư công vẫn còn nhiều hạn chế đã tồn tại từ lâu, chưa xử lý được trong thời gian ngắn như: công tác giải phóng mặt bằng, chất lượng chuẩn bị dự án, năng lực ban quản lý dự án, nhà thầu…
- Gần đây nổi lên tình trạng nhiều địa phương xin trả lại vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA vì không thể giải ngân được. Đây có phải là tình trạng bất thường không?
Đúng là từ năm 2020 đến nay đã xuất hiện tình trạng nhiều bộ, ngành, địa phương có văn bản đề nghị trả lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương, nhất là vốn ODA do không giải ngân được và xu hướng này ngày càng gia tăng, lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Theo quy định, không có khái niệm “trả lại” kế hoạch vốn mà thực chất đây là quy trình điều chỉnh kế hoạch vốn hằng năm theo quy định của Luật Đầu tư công. Để thực hiện được việc điều chỉnh kế hoạch vốn thì phải có nơi đề xuất tăng thêm, có nơi đề xuất giảm để không làm thay đổi tổng mức vốn kế hoạch hằng năm đã được Quốc hội thông qua. Nhưng trong thực tế thường chỉ có xin giảm vốn, rất ít nơi đề xuất tăng vốn. Thực trạng này cho thấy còn có những điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư công chưa được giải quyết hiệu quả và sẽ tác động không chỉ tới công tác lập kế hoạch mà còn tác động tới khả năng hoàn thành dự án, kéo dài thời gian, chậm tiến độ, không phát huy hiệu quả đầu tư, lãng phí cơ hội và nguồn lực...
- Vậy, theo quan sát của ông, trong thời gian qua, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công?
Thực ra, Chính phủ đã nhận diện các khó khăn, nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công. Có những vướng mắc đã được phát hiện từ nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm, chưa có kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, từng bộ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực (đầu tư công, đất đai, xây dựng…) trong việc giải quyết, xử lý vướng mắc cho từng dự án cũng như chưa có giải pháp căn cơ để thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ giải ngân.
Các nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, phân tích trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ, tại hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 và tháng 8 năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định có khoảng 25 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có phân thành 3 nhóm chính.
Một là, nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách, khó khăn chủ yếu về lĩnh vực đất đai; tài nguyên-môi trường; lĩnh vực ngân sách nhà nước và công sản; xây dựng; lĩnh vực đấu thầu; lĩnh vực đầu tư công. Hai là, nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện liên quan đến công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước; công tác khảo sát, thiết kế dự án; công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả. Ba là, nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022.
Ngoài ra, giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022 tăng cao, khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng; một số nơi chưa cập nhật kịp thời sát giá thị trường, nhà thầu có tâm lý chờ cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp diễn biến giá thị trường. Trong các nhóm nguyên nhân trên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân chưa đạt kỳ vọng là công tác tổ chức triển khai thực hiện.
- Trên thực tế, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề mà chúng ta đã nói đến nhiều năm. Ở góc nhìn của cơ quan quản lý, đâu sẽ là những giải pháp căn cơ để xử lý tình trạng này, thưa ông?
Với khó khăn và bối cảnh đó, để đạt mục tiêu thúc đẩy giải ngân, cần đặt trọng tâm một số điểm để có giải pháp tổng thể chứ khó có thể chọn được một điểm đột phá. Yêu cầu đầu tiên là phải xác định đầu tư công là ưu tiên hàng đầu để nhất quán trong công tác điều hành. Yếu tố quan trọng khác là giữ bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng để đẩy mạnh các hoạt động của nền kinh tế, trong đó có đầu tư công. Có như vậy doanh nghiệp, nhà thầu mới có niềm tin thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, trong đó có những dự án quan trọng của đất nước.
Giải pháp mang tính chất căn cơ cần thực hiện là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công. Trước hết là sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong năm 2022 như đã nêu ở trên nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, có nhiều yếu tố tác động đến đầu vào của hoạt động đầu tư công.
Các bộ, ngành, địa phương cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công. Đây là khối lượng công việc rất lớn, cần có sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.