Lợi nhuận DN bảo hiểm: Khi 'đàn em' tăng tốc
(VNF) - Kết quả kinh doanh quý II/2024 cho thấy các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa đang ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng hơn so với những “ông lớn” trong ngành.
Tăng trưởng lợi nhuận: Nhỏ có lợi thế tốc độ
Nối tiếp xu hướng từ quý I, lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên sàn chứng khoán trong quý II năm nay tiếp tục cho thấy sự phân hóa rõ rệt. Mặc dù phần lớn các công ty bảo hiểm đều ghi nhận mức tăng trưởng dương về lợi nhuận, một phần ba số doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với tình trạng lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh này, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (UPCoM: AIC) và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (UPCoM: BHI) là hai trong số các doanh nghiệp tiêu biểu có kết quả kinh doanh khả quan sau khi gia nhập "mái nhà chung" với DB Insurance. Cụ thể, AIC đạt được lợi nhuận sau thuế hơn 10 tỷ đồng, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này đến từ việc công ty đã duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tăng 18,3%, đồng thời kiểm soát hiệu quả chi phí.
Dưới sự dẫn dắt của tập đoàn bảo hiểm DB Insurance, AIC đã có hai quý liên tiếp dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong ngành bảo hiểm. Trong khi đó, BHI cũng không kém cạnh khi đạt hơn 52 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II, tương đương mức tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BHI không có nhiều biến động, doanh nghiệp đã tập trung vào việc tiết giảm chi phí, đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp, giảm tới 32% so với quý II/2023.
Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) cũng là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trong quý này, với lãi sau thuế tăng gấp 3,1 lần, đạt 138 tỷ đồng. Kết quả này khá ấn tượng trong bối cảnh doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 18,6% và doanh thu tài chính chỉ đạt 5 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm ngoái công ty lỗ trong hoạt động tài chính). Thành công này phần lớn đến từ việc PTI đã thực hiện cắt giảm mạnh chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng như chi phí quản lý doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh BHI, bốn doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số trong quý II, gồm Tổng công ty Cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (HNX: VNR), Tổng công ty Cổ phần Tái Bảo hiểm Hà Nội (HNX: PRE), Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BIC) và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (UPCoM: BLI).
Trong số này, VNR, PRE và BIC lần lượt đạt lãi sau thuế 156 tỷ đồng, 46,2 tỷ đồng và 168,9 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 44%, 29,5% và 31,2% so với cùng kỳ. Động lực chính cho sự tăng trưởng của ba doanh nghiệp này đến từ việc kiểm soát chặt chẽ chi phí và gia tăng nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi. BLI cũng không ngoại lệ khi ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đạt 39,91%, tương đương 21,75 tỷ đồng, mặc dù doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 7%. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào việc giảm mạnh chi phí kinh doanh bảo hiểm và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Hai doanh nghiệp là Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (HoSE: BMI) và Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) chỉ đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế khiêm tốn, đều đạt mức tăng 4% so với quý II/2023, lên lần lượt 77,5 tỷ đồng và 440 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của hai công ty này đều ghi nhận mức tăng trưởng dương, tuy nhiên chi phí neo cao đã khiến lợi nhuận không có sự bứt phá như một số doanh nghiệp khác trong ngành.
Trong bối cảnh phân hóa của lợi nhuận ngành bảo hiểm, có bốn doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận sau thuế giảm so với cùng kỳ năm trước. Đó là Công ty Cổ phần PVI (HNX: PVI) với mức giảm 10,6%, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân Đội (HoSE: MIG) giảm 5,2%, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: ABI) giảm 9%, và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (HoSE: PGI) giảm 6,9%. Các doanh nghiệp này lần lượt đạt lợi nhuận sau thuế 291 tỷ đồng, 56,6 tỷ đồng, 76,9 tỷ đồng và 89,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do áp lực chi phí cao, làm xói mòn doanh thu.
Như vậy, trong khi AIC liên tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, PTI phục hồi ấn tượng, VNR đạt đỉnh lợi nhuận… các “ông lớn” như BVH, PVI lại chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn hoặc thậm chí sụt giảm so với cùng kỳ.
Lợi nhuận đầu tư suy giảm
Một điểm dễ nhận thấy là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong quý II so với cùng kỳ năm trước đã trở nên mạnh mẽ hơn so với quý I. Đây là một tín hiệu tích cực cho ngành bảo hiểm sau khi đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin lớn nhất từ trước đến nay.
Trên thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn chứng khoán, phần lớn là bảo hiểm phi nhân thọ, vẫn duy trì được hiệu quả kinh doanh trong năm 2023 và quý I/2024 nhờ vào hoạt động tài chính, đặc biệt là lãi tiền gửi và lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán.
Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng doanh thu từ hoạt động tài chính đã không còn được duy trì trong quý II khi chỉ có 4 doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn đạt mức tăng trưởng dương từ hoạt động này.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Vietcap, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ giảm trong năm 2024 do môi trường lãi suất thấp. Tuy nhiên, áp lực tăng lãi suất huy động trong phần còn lại của năm có thể tạo ra tác động tích cực đến lợi nhuận đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm vào cuối năm 2024 và năm 2025.
"Chúng tôi tin rằng cả các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đều sẽ phải đối mặt với thách thức lớn về tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024. Nguyên nhân chính là do tăng trưởng phí bảo hiểm chỉ phục hồi tương đối và không thể bù đắp cho những tác động tiêu cực từ môi trường lãi suất thấp lên thu nhập đầu tư. Mặc dù triển vọng ngắn hạn đối với lợi nhuận vẫn còn nhiều khó khăn, triển vọng dài hạn của ngành bảo hiểm vẫn rất khả quan nhờ vào tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm còn ở mức thấp", các chuyên gia của Vietcap nhận định.
Theo báo cáo của Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổng doanh thu phí bảo hiểm dự kiến trong năm 2024 sẽ đạt 243.472 tỷ đồng, tăng 7,19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến đạt 79.687 tỷ đồng, tăng 12%, còn doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ dự kiến đạt 163.785 tỷ đồng, tăng 5%.
Với những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng mục tiêu này, đặc biệt đối với bảo hiểm nhân thọ, là khá thách thức. Trong khi đó, mục tiêu đối với bảo hiểm phi nhân thọ có nhiều khả năng đạt được.
Bảo hiểm: 'Chân kiềng' an toàn tài chính bị người Việt lãng quên
- Nhận vốn từ 1 'ông lớn, Hàn Quốc, DN bảo hiểm Việt tăng mạnh lợi nhuận 22/08/2024 02:30
- DN bảo hiểm lớn nhất Việt Nam thoái vốn nhà nước, tập đoàn ngoại chờ thâu tóm? 28/06/2024 08:30
- Công nghệ: Cú hích cho bảo hiểm vi mô 26/06/2024 04:30
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.