Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Luật Viễn thông (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5-6/2023. Mục tiêu chính của việc sửa đổi Luật Viễn thông lần này nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên viễn thông, thúc đẩy và huy động các thành phần kinh tế tham gia xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ, và giải quyết các bất cập hạn chế trong thực thi Luật thời gian vừa qua.
Để làm rõ hơn về những nội dung mới có trong dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Trần Mạnh Hùng, luật sư điều hành Công ty TNHH Quốc tế BMVN (Baker & McKenzie Việt Nam) xung quanh vấn đề này.
- Theo ông, việc đưa các dịch vụ OTT vào phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông sửa đổi lần này sẽ có những tác động thế nào tới Việt Nam trong tương lai?
Ông Trần Mạnh Hùng: Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi đang hướng tới việc quản lý các loại hình dịch vụ thông tin, liên lạc qua Internet (OTT) như dịch vụ tin nhắn, điện thoại, hội nghị, hội họp qua Internet. Tuy nhiên, các dịch vụ này chỉ là sự phát triển của các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) giúp kết nối và hỗ trợ người dùng trao đổi thông tin.
Mặc dù các dịch vụ viễn thông OTT đang cạnh tranh với các dịch vụ viễn thông truyền thống, việc định nghĩa các dịch vụ này là dịch vụ viễn thông và quản lý chúng như các dịch vụ viễn thông là không phù hợp và có thể gây ra những cản trở đối với sự phát triển của các ứng dụng kỹ thuật số vì các dịch vụ OTT có những điểm khác biệt với dịch vụ viễn thông.
Những khác biệt có thể kể đến như việc cung cấp các dịch vụ OTT phụ thuộc hoàn toàn vào việc kết nối với mạng Internet – là một dịch vụ viễn thông được cung cấp bởi các doanh nghiệp viễn thông. Trên thực tế, sự phụ thuộc này mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp viễn thông vì thông qua đó, họ có thể thúc đẩy doanh thu bằng cách cung cấp các dịch vụ dữ liệu.
Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng các tài nguyên viễn thông như tần số (là tài nguyên hữu hạn) và kho số viễn thông để cung cấp dịch vụ và có các thỏa thuận theo hợp đồng cung cấp dịch vụ với người sử dụng để thu phí. Trong khi đó, dịch vụ OTT hoạt động trên nền tảng Internet mở và không hạn chế, phần lớn không thu phí.
Ngoài ra, dịch vụ OTT dựa trên các ứng dụng CNTT nên thị trường cho dịch vụ OTT có tính cạnh tranh cao hơn nhiều so với thị trường viễn thông truyền thống. Người dùng dịch vụ OTT có thể tự do sử dụng đồng thời nhiều ứng dụng hoặc tự do thay đổi nhà cung cấp dịch vụ mà không cần phải có sự đồng ý của nhà cung cấp dịch vụ và không mất chi phí. Trong khi đó, các dịch vụ viễn thông được cung cấp dưới dạng thuê bao với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có thu phí và có các nghĩa vụ ràng buộc.
Việc đưa dịch vụ OTT vào phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông với các quy định về điều kiện kinh doanh, cấp phép sẽ tạo nên rào cản đối với việc các cung cấp dịch vụ này tại Việt Nam.
Hiện nay các loại dịch vụ OTT như các nền tảng liên lạc như họp trực tuyến, điện thoại và tin nhắn qua Internet đã đóng góp đáng kể vào việc duy trì hoạt động kinh doanh và đầu tư một cách hiệu quả, đặc biệt là các hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại điện tử và đầu tư xuyên biên giới và đang là một phần không thể tách rời khỏi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Nếu không được tận dụng những công cụ liên lạc hữu hiệu và miễn phí này, chi phí hoạt động của doanh nghiệp sẽ tăng lên đáng kể và môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam cũng sẽ trở nên kém hấp dẫn và cạnh tranh hơn đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
- Có quy định nào trong dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi về cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới với người sử dụng dịch vụ viễn thông tại Việt Nam khiến ông cảm thấy quan ngại?
Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi đưa ra các yêu cầu một số nhà cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới phải có hợp đồng thương mại với một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam sẽ là những rào cản đối với các dịch vụ OTT đang cung cấp dịch vụ cho người dùng tại Việt Nam.
Về mặt nguyên tắc, những người sử dụng dịch vụ OTT đều đã phải có thuê bao hay quan hệ hợp đồng trực tiếp hoặc gián tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông rồi nên không có cơ sở pháp lý hay thực tiễn nào để các nhà cung cấp dịch vụ OTT phải ký một hợp đồng thương mại với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.
Ngoài ra, yêu cầu này cũng dẫn đến các quan ngại về cạnh tranh do mâu thuẫn với chính sách của nhà nước về việc tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực thông tin và truyền thông và sẽ tạo ra một sân chơi không công bằng với lợi thế nghiêng về các doanh nghiệp viễn thông vì các nhà cung cấp dịch vụ OTT phải phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông để cung cấp dịch vụ của họ.
Hiện nay số lượng nhà cung cấp dịch vụ OTT nước ngoài đang cung cấp dịch vụ tại Việt Nam cao hơn nhiều so với số lượng doanh nghiệp viễn thông Việt Nam. Vì vậy, việc thực hiện thỏa thuận cho từng loại và từng nhà cung cấp dịch vụ OTT nước ngoài là không khả thi, đặc biệt là trường hợp các nhà cung cấp nước ngoài không hợp tác dẫn tới khả năng chấm dứt dịch vụ. Hệ quả là người dùng tại Việt Nam sẽ không thể tiếp tục sử dụng các dịch vụ OTT mà họ đang sử dụng hiện nay.
Trước mắt, điều này sẽ có tác động kinh tế - xã hội xấu đối với người dùng vốn đang phụ thuộc nhiều vào các dịch vụ này. Đặc biệt, các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam cũng sẽ bị tổn thất nặng nề do doanh thu từ dịch vụ dữ liệu giảm đi. Quy định này cũng sẽ cản trở những nỗ lực chuyển đổi số của Việt Nam, dẫn đến làm giảm lợi thế cạnh tranh của quốc gia trên quy mô toàn cầu.
Việt Nam sẽ được xem là một nước có khuôn khổ pháp lý khác biệt hoàn toàn vì không có quốc gia nào khác trong khu vực áp đặt các quy định này đối với các nhà cung cấp dịch vụ OTT.
- Còn đối với quy định về đảm bảo an toàn thông tin, lưu trữ thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân thì sao thưa ông?
Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi cũng đang đưa ra một số nội dung về đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân còn chưa rõ ràng, không khả thi và tạo ra thách thức trong việc tuân thủ. Cụ thể là Điều 6.1 của dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi yêu cầu tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông “có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước”.
Tôi cho rằng phạm vi của bên chịu trách nhiệm là quá rộng. Doanh nghiệp nắm quyền kiểm soát trực tiếp nội dung phải có trách nhiệm đảm bảo các công cụ và dịch vụ phù hợp do doanh nghiệp viễn thông và các bên khác cung cấp được sử dụng để bảo vệ bí mật nhà nước. Các doanh nghiệp viễn thông và các bên khác có thể không có khả năng biết hoặc phát hiện liệu thông tin được truyền hoặc lưu trữ bằng dịch vụ của họ có thuộc bí mật nhà nước hay không.
Ngoài ra, Điều 29.2 của dự thảo Luật này cũng quy định rằng trường hợp cần thực hiện truy cập vào các thông tin, dữ liệu hoặc các tính năng trên thiết bị đầu cuối của người sử dụng để phục vụ việc cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT có trách nhiệm thông báo cho người sử dụng về sự cần thiết và phải được người sử dụng đồng ý trước khi thực hiện truy cập.
Tôi thấy rằng nghĩa vụ thông báo như trên là không cần thiết. Vì các nghĩa vụ liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được quy định trong Luật An toàn Thông tin mạng, Luật Công nghệ Thông tin, Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ luật dân sự và Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân sắp được Chính phủ ban hành.
Trên thực tế, không có cơ sở pháp lý để áp dụng cơ chế quản lý các dữ liệu khác (dữ liệu không phải là dữ liệu cá nhân) với cùng một mức độ bảo vệ cao như đối với dữ liệu cá nhân.
- Ông có kiến nghị gì để hoàn thiện khung khổ pháp lý, môi trường đầu tư trong lĩnh vực này không?
Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu của các doanh nghiệp nước ngoài do nhu cầu xử lý thông tin và dữ liệu diễn ra ở bên ngoài Việt Nam. Thực tiễn này đặc biệt phổ biến đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các công ty tài chính, bảo hiểm nước ngoài hoặc các hoạt động thương mại xuyên biên giới.
Các doanh nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hoặc trung tâm dữ liệu nước ngoài không thể tiếp tục cung cấp dịch vụ cho họ do không đáp ứng được các yêu cầu trong dự thảo như lập văn phòng đại diện, hoặc có hợp đồng thương mại với các doanh nghiệp viễn thông trong nước.
Vì vậy, các quy định hạn chế đối với 2 loại hình dịch vụ này cũng có thể khiến môi trường đầu tư tại Việt Nam kém hấp dẫn và cạnh tranh hơn. Tôi kiến nghị ban soạn thảo Luật nên xem xét lại các yêu cầu về điều kiện kinh doanh đối với các dịch vụ xuyên biên giới, loại bỏ các yêu cầu không rõ mục đích quản lý và tạo rào cản với nhà cung cấp dịch vụ như phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp Việt Nam hay phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.